Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an:

Truy bắt tội phạm ma túy xuyên lục địa

Thứ Tư, 03/02/2016, 21:00
Đầu tháng 12-2015, Tòa án Liên bang Úc đã đưa ra xét xử đối với Lê Tấn Đa sinh năm 1968, tại quận 2, TP Hồ Chí Minh (quốc tịch Úc) về tội tổ chức đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy xuyên lục địa từ Hà Lan, Nhật Bản về Việt Nam, sau đó mang cất giấu trong các bánh xe lu, trong động cơ xe xúc, máy ủi rồi tiếp tục đưa sang Úc, Canada tiêu thụ.


Với số tang vật bắt giữ quả tang lên đến 110kg ma túy đá cùng nhiều loại tang vật, tài liệu có liên quan đến nhiều vụ mua bán hàng trăm kilogam ma túy khác nên chiếu theo luật pháp Liên bang Úc, Lê Tấn Đa, Lê An đã phải chịu mức án 20 năm tù giam cho mỗi người, tịch thu toàn bộ tài sản mà không cần chứng minh xem có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy hay không. 

Kết thúc phiên xét xử, đại diện Văn phòng Cảnh sát liên bang Úc đã gửi thư cảm ơn đến Bộ Công an Việt Nam, cán bộ chiến sỹ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) và Cảnh sát Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phối hợp triệt phá đường dây ma túy này.

1. Ngày 22-9-2011, Cục C47 – Tổng cục VI – Bộ Công an tiếp nhận công văn của Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc (AFP) tại TP Hồ Chí Minh trao ðổi thông tin về ðýờng dây vận chuyển trái phép chất ma túy với thủ ðoạn giấu trong các loại máy nông nghiệp, máy xúc, máy ủi và ðặc biệt trong bánh xe lu, ðóng vào container vận chuyển bằng ðýờng biển từ Hà Lan, Nhật Bản qua Việt Nam rồi ðýa sang Úc tiêu thụ. 

Xét thấy tính chất phức tạp của vụ việc, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Tổng cục VI đã chỉ đạo cho C47 vào cuộc. 

Bước đầu thực hiện công tác tổ chức xác minh, các trinh sát gặp rất nhiều khó khăn, vất vả bởi hầu hết các đối tượng cộm cán trong đường dây đều là Việt kiều và một số là người nước ngoài, hơn nữa chúng thường xuyên di chuyển đi nhiều nước trên khắp thế giới nên công tác kiểm soát về nơi ăn chốn ở cũng như những nơi chúng tụ họp và tập trung cất giấu ma túy chưa thể xác định ngay được. 

Phải đến giữa năm 2011 bản danh sách chi tiết về đối tượng mới được hoàn tất bao gồm các tên Lê Tấn Đa, sinh năm 1968, quốc tịch Úc, số hộ chiếu L4559401; Lê Minh Nhật, sinh năm 1977 (em trai Đa), ngụ phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh; Lê An, sinh năm 1970, quốc tịch Mỹ, hộ chiếu 483724771; Hà Tuyên Quang, sinh năm 1975, hộ chiếu BA647110 và Tạ Xuân Kim, sinh năm 1953, hộ chiếu BA 365594, Lữ Thành Thái cùng có quốc tịch Canada, Ryuji Tikamura (quốc tịch Nhật Bản) và Mensur Bebic (quốc tịch Serbia).

Các đối tượng trong đường dây vận chuyển, mua bán ma túy xuyên lục địa.

Tiếp tục điều tra theo dõi, kết hợp tài liệu thu thập được về các đối tượng hoạt động tại Việt Nam và qua thông tin trao đổi với AFP, các trinh sát phát hiện Lê Tấn Đa là Giám đốc Công ty LCI Australia Pty Ltd, có địa chỉ tại 176-182 Coulson Street, Wacol, Queensland đã từng 14 lần nhập máy kéo, máy ủi, máy đào đất, xe lu bằng đường biển từ Nhật Bản vào Việt Nam. Trong quá trình hoạt động từ đầu năm 2010 đến đầu năm 2011, thông qua tấm bình phong là vận chuyển máy móc thiết bị, bọn chúng đã tuồn vào nước Úc 266kg Methamphetamine. Tuy nhiên những lô hàng đó đều vô chủ nên không xác định được đối tượng chủ mưu. 

2. Để tập trung lực lượng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trong đường dây tội phạm này, ngày 15-8-2012, lãnh đạo Tổng cục VI quyết định xác lập chuyên án mang số hiệu 212K giao cho Cục C47B phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác thuộc Bộ Công an và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tổ chức đấu tranh. 

Ngay sau đó các trinh sát phát hiện Lê Tấn Đa, Lê An, Hà Tuyên Quang và Tạ Xuân Kim thường xuyên nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó Đa và An về trú ngụ tại nhà cha ruột có địa chỉ số 19, đường 44, phường Thảo Điền, quận 2; Quang về ở với vợ tại lầu 4, lốc A, cao ốc Central Garden nằm trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1 còn Kim về cao ốc Saigon Spearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Khi về TP Hồ Chí Minh, chúng thường sử dụng xe ôtô mang biển số ngoại giao và gặp nhau mỗi ngày để bàn bạc về những chuyến hàng xuất nhập xe máy ủi, máy xúc, xe lu từ Nhật Bản vào Việt Nam. Trong quá trình trao đổi, bàn bạc, các đối tượng thường sử dụng ám hiệu hoặc từ lóng nên đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra. 

Trước những khó khăn ấy, lãnh đạo Cục C47 đã quyết định tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, cử thêm các trinh sát giỏi nghề ngày đêm bám đối tượng và đến ngày 5-12-2012 đã phát hiện nhóm của Đa đang điều hành vận chuyển một container chứa các loại máy xúc, máy ủi và xe lu từ Hà Lan vào Nhật Bản nên đã thông báo để Cảnh sát Úc phối hợp với Cảnh sát Nhật tiếp cận lô hàng. 

Qua kiểm tra, phát hiện bên trong các bánh xe lu có chứa 110kg ma túy đá. Do chủ lô hàng là Đa, An, Kim, Quang chưa có mặt nên tất cả vẫn được đưa về kho của Công ty Nagakura Tranding Company Nhật Bản như không có chuyện gì xảy ra theo đúng hải trình của lô hàng. 

Đến ngày 21-12-2012, Cảnh sát Nhật Bản đã ập vào kho hàng bắt giữ 5 đối tượng khi chúng đang tiến hành cất giấu ma túy gồm các tên Lê An, Lê Minh Nhật, Lữ Thành Thái (Việt kiều Canada), Ryuji Kitamura (quốc tịch Nhật Bản) và Mensur Bebic (quốc tịch Serbia) thu giữ 110kg Methamphetamine (ma túy đá). Tất cả các đối tượng này đều bị đưa ra xét xử ngay sau đó theo luật pháp Nhật Bản.

 Ngay khi 5 đối tượng trên vừa bị bắt, Cảnh sát Úc cũng đã bắt giữ Lê Tấn Đa, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc mua bán trái phép chất ma túy. Tên cầm đầu đã bị bắt nhưng vẫn còn một vài mắt xích quan trọng khác trong đường dây đã nhanh chân lẩn trốn nên suốt thời gian dài sau đó, cơ quan Cảnh sát 3 nước tiếp tục phối hợp truy tìm và đến cuối năm 2014 thì Kim cùng Quang đã sa lưới pháp luật. 

Sau khi củng cố chứng cứ, cuối năm 2015, Tòa án Liên bang Úc đã mở phiên tòa xét xử tuyên phạt Đa, Kim, Quang mỗi người 20 năm tù giam, tịch thu toàn bộ tài sản để sau khi mãn hạn tù, đám này không thể có tiền để tiếp tục lao vào con đường mua bán ma túy được nữa.

Tang vật của vụ án.

Đứng trước vành móng ngựa, Đa khai nhận: Để phục vụ cho hoạt động phạm pháp xuyên lục địa của cả băng nhóm, Đa, An, Kim, Quang nhờ những người thân trong gia đình là Lê Minh Nhật và Lê Thị Thanh Vân đứng ra thành lập Công ty Le Chau Tranding Company đặt tại số 482, đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Kỹ Lực (Luc Ky Co,Ltd) đặt tại đường số 2, khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Mặc dù không đứng tên làm giám đốc nhưng mọi hoạt động của hai công ty này đều do Đa, An, Kim, Quang điều khiển và chi trả mọi chi phí hoạt động. Các công ty sân sau này làm nhiệm vụ tiếp nhận những lô hàng máy móc thiết bị nhập khẩu mang về tân trang lại. 

Trong quá trình này, Đa chỉ đạo cho Nhật và Vân mổ bánh xe lu hoặc động cơ máy ủi, máy xúc, nhét ma túy vào trong, hàn kín và sơn phết lại để xóa dấu vết rồi làm thủ tục xuất sang Úc cho công ty của Đa. Cũng có những chuyến chúng không xuất từ Việt Nam mà nhét ma túy từ Hà Lan rồi chuyển về Nhật Bản để chuyển tiếp qua Úc. Trong thời gian từ đầu năm 2010 đến lúc bị bắt, chúng đã vận chuyển trót lọt được trên 500kg ma túy đá, thu lợi bất chính hàng chục triệu đô la Úc

3. Là người trực tiếp chỉ huy lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Việt Nam tham gia tiến trình phá án, đồng thời là người thường xuyên bàn bạc với Cảnh sát Úc và Nhật để xây dựng phương án đấu tranh, Đại tá Lê Thanh Liêm – Cục trưởng Cục C47 – Bộ Công an kể lại: Lúc đầu khi mới tiếp nhận văn bản đề nghị phối hợp của phía Văn phòng Cảnh sát Liên bang Úc, các trinh sát của Cục đã lập tức vào cuộc và nhanh chóng xác định được thân nhân của các đối tượng. Có lúc phát hiện cả nhóm tập trung tại phường Thảo Điền, quận 2 để bàn bạc việc vận chuyển các loại xe ủi, máy xúc, xe lu (được chúng giấu ma túy bên trong theo tài liệu điều tra) nhưng theo luật pháp Việt Nam phải có tang chứng, vật chứng (ma túy) mang theo người thì mới có thể thực hiện được lệnh bắt, hơn nữa những lô hàng này lại đang nằm ở nước khác nên đành phải để bọn tội phạm tạm thời tuột khỏi tay.

Thời gian sau đó thực sự là cả một chuỗi những ngày khó khăn. Do bọn này có mối quan hệ chằng chịt với một số đối tượng tội phạm quốc tế nên chúng thường xuyên bay qua, bay lại các nước Hà Lan, Canada, Úc, Nhật và một số nước trong khu vực. 

Những lúc như vậy, sự phối hợp giữa Cảnh sát 3 nước Úc, Nhật Bản và Việt Nam càng chặt chẽ hơn nên chỉ ít ngày sau, tung tích của băng nhóm tội phạm này được xác định. 

Đầu tháng 12-2012, Đa, An, Kim, Quang bay về Việt Nam, chúng thường xuyên gặp nhau, dùng ám hiệu và từ lóng bàn bạc về chuyến hàng từ Hà Lan về Nhật Bản nhưng không phải là sản phẩm chủ đạo của đất nước hoa tu líp mà là xe lu, xe ủi, máy xúc… 

Nhận thấy có điều bất thường, Đại tá Lê Thanh Liêm đã lập tức nối máy nói chuyện với phía Cảnh sát Úc và Nhật Bản và sau đó tất cả đều có nhận định chung chắc chắn có ma túy giấu trong đó. Ngay sau cuộc bàn bạc ấy, phía Cảnh sát Úc đã trực tiếp bay đến Nhật Bản phối hợp cùng Cảnh sát nước này tổ chức chặn bắt quả tang các đối tượng.

Đức Cương
.
.
.