Tuần bận rộn của Europol

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:02
Dưới sự chỉ đạo và phối hợp của Cảnh sát châu Âu (Europol), cảnh sát tại 52 quốc gia đã bắt hơn 300 đối tượng buôn người và ma túy. Và việc này diễn ra trong hơn 1 tuần qua. 


Theo giới truyền thông, nhờ những thông tin từ Europol, cảnh sát hơn 50 nước đã triệt phá các mạng lưới tội phạm nguy hiểm như buôn người, vận chuyển người di cư trái phép, buôn bán ma túy và tội phạm mạng. Hoạt động kể trên nằm trong chiến dịch lớn của Europol.

Và theo thống kê, Europol đã giải cứu hơn 500 nạn nhân buôn người và thu khoảng 2,4 tấn cocaine trong chiến dịch này. Hãng AFP vừa dẫn thông tin gây chấn động của Tổ chức phi chính phủ Sea-Watch của Đức: một nhóm vũ trang đã tấn công một tàu chở người di cư ngoài khơi Libya, khiến ít nhất 4 người chết và 15 người mất tích.

Người di cư đi bộ.

Trong thông báo công bố hôm 21-10, người phát ngôn của Sea-Watch cho biết, những kẻ tấn công đã lên tàu mang biểu tượng của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, đánh đập người di cư và đẩy nhiều người xuống biển. Sea-Watch cho biết, họ đã tham gia hoạt động cứu hộ trong đêm 20-10.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia cho biết, vừa cứu 3.330 người di cư trong đợt cứu hộ ở vùng biển giữa Sicily và Bắc Phi hôm 21-10. Trước đó, cảnh sát biển Italia thông báo, khoảng 1.400 người di cư vượt Địa Trung Hải tới châu Âu đã được cứu sống.

Cảnh sát Italia lo ngại trước tình trạng người di cư đang gia tăng bởi lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân nước này đã cứu hơn 11.000 người di cư trên các con thuyền rời bờ biển Libya để hướng đến các cảng của Italia.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 3.650 người chết trong hành trình vượt Địa Trung Hải. Và từ đầu năm đến đầu tháng 10, số người di cư đến Italia bằng đường biển đã đạt con số 143.184 người, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Còn trong một thông báo mới về tình hình người di cư, Bộ Nội vụ Italia cho rằng, việc đóng cửa tuyến đường đưa người di cư qua các nước Balkan và tình hình bất ổn kéo dài ở Libya đã tạo cơ hội cho các tổ chức buôn người gốc Phi hoạt động mạnh.

Trước đó, Bộ Nội vụ Italia cho biết, đã có ít nhất 145.000 người di cư vào được các hòn đảo của nước này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng từng chỉ trích các nước Đông và Nam Âu đóng cửa tuyến hành lang Balkan nhằm ngăn chặn người di cư vào các quốc gia này.

Người di cư vượt biển.

Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước một cuộc khủng hoảng di cư mới và rất nghiêm trọng. Đồng thời cho rằng, việc thiếu sự đồng thuận trong chính sách của các quốc gia EU về vấn đề di cư sẽ càng khiến cho tình hình trở nên trầm trọng.

Bởi sau thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ về người di cư có hiệu lực từ cuối tháng 3 đến nay, hơn 90% số người di cư tới châu Âu theo tuyến Địa Trung Hải đều hướng đến Italia. Căn cứ theo thống kê trong báo cáo về người di cư 9 tháng đầu năm 2016, các chuyên gia Liên hợp quốc dự báo, 2016 có thể là năm "chết chóc" nhất trên Địa Trung Hải đối với người di cư và tị nạn.

UNHCR lo ngại số người di cư chết hay mất tích có thể còn tăng bởi vẫn còn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2016. Tính đến nay đã có hơn 10.000 người di cư thiệt mạng khi cố vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu kể từ năm 2014.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve vừa tuyên bố, việc giải tỏa các khu lán trại tạm bợ có người tị nạn tạm trú bất hợp pháp ở các khu rừng ngoại ô thành phố Calais sẽ bị giải tỏa. Đồng thời yêu cầu Anh phải gánh trách nhiệm tiếp nhận những trẻ vị thành niên tị nạn không có người lớn đi kèm hiện đang tạm trú ở Calais. Calais trở thành điểm nóng của người tị nạn kể từ năm 2015, khi hàng chục nghìn người nhập cư trái phép đổ tới thành phố này chờ cơ hội trốn sang Anh.

Cuối tháng 9-2016, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, đóng cửa khu lán trại Calais từ nay đến cuối năm. Theo ước tính, có từ 7.000 đến 10.000 người đang sống trong các khu lán trại ở Calais. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Calais Natacha Bouchart lại có văn bản yêu cầu ngừng thi công bức tường (cao 4m và dài 1km) ngăn chặn người di cư từ Pháp xâm nhập vào Anh, bất chấp việc chính quyền tỉnh Pas-de-Calais coi đây là "điều cần phải làm".

Theo thống kê của giới chức Tây Ban Nha, lực lượng chức năng nước này đã cứu được 1.258 người nhập cư ở Địa Trung Hải. 10 ngày trước (15-10), người phát ngôn của cảnh sát Czech Katerina Rendlova cho biết, chỉ trong tháng 9, cảnh sát nước này đã bắt 4.146 người nhập cư bất hợp pháp.

Ngày 16-10, cảnh sát Hy Lạp đã đụng độ với người di cư bên ngoài trại tị nạn Oreokastro gần thành phố Thessaloniki. Và cảnh sát đã phải sử dụng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông, sau khi người biểu tình ném đá và phóng hỏa nhằm vào lực lượng cảnh sát.
Nhiệm Bình
.
.
.