Giấc mơ bóng đá Công an...

Thứ Hai, 31/08/2015, 16:35
Giải hạng Nhất quốc gia năm nay bỗng xuất hiện một cái tên khiến cho những fan hâm mộ bóng đá lão thành nhớ lại thật nhiều ký ức: Đội bóng Công an nhân dân. Ký ức về một thời bóng đá Công an từng ngự trị đỉnh cao làng bóng nước nhà.
HLV trưởng Phạm Minh Đức .

Đấy là thời bóng đá bao cấp ngày xưa, thời mà phong trào bóng đá Công an phát triển cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, và trong quá trình phát triển ấy đã xuất hiện những cái đỉnh đã và mãi găm vào trái tim người hâm mộ những ấn tượng vàng son. Với cá nhân tôi - người viết bài này thì những Công an TP Hồ Chí Minh với một thế hệ tài năng như Huỳnh Đức, Minh Chiến..., Công an Hà Nội (CAHN) với những Vũ Minh Hiếu, Bùi Hữu Lợi..., rồi Công an Hải Phòng (CAHP) với những Đặng Văn Dũng, Đinh Thế Nam - tất cả như vẫn thật gần gũi và thân thiết.

Tôi nhớ mãi trận chung kết cúp quốc gia giữa CAHN với CAHP trên sân Hàng Đẫy năm 1995 - trận đấu mà 2,5 vạn chỗ ngồi sân Hàng Đẫy không còn một chỗ trống và cũng là một trong những trận derby – bóng đá Công an xứng đáng đi vào lịch sử.

Hôm ấy, CAHN với tư cách chủ nhà không đá phòng ngự phản công quen thuộc, mà chủ động tấn công áp đặt đối phương. Ngược lại, CAHP trong vai đội khách đã chấp nhận đá kiểu cò cưa giăng bẫy, trước khi tính nước vung đòn. Trận đấu ấy, CAHP thắng 1-0 sau một pha đá phạt hàng rào tuyệt đẹp, và ngày hôm sau, trên tờ Thể thao TP Hồ Chí Minh - tờ báo có trang bóng đá nội số 1 thời điểm ấy, xuất hiện một dòng title bất hủ: "Cái bẫy được giăng ra. Và chủ nhà là người mắc bẫy...".

Nếu cuộc derby CAHN - CAHP hôm ấy là một trong những trận chung kết cúp quốc gia căng nhất và ngoạn mục nhất, thì nói như bình luận viên bóng đá gạo cội Long Vũ, cuộc derby CAHN – CATP Hồ Chí Minh tại giải vô địch quốc gia vài năm sau đó, xứng đáng được đem đi "quảng bá cho bóng đá Việt Nam". Đấy là một trận đấu mà tất cả những anh tài của hai đội đều thể hiện được những ngón ghề sở trường của mình, thậm chí đều có dấu hiệu "vượt ngưỡng" so với chính mình. Trận đấu mở ra với một pha tăng tốc, vung chân ghi bàn cực nhanh của "sát thủ" Lê Huỳnh Đức cho CATP Hồ Chí Minh rồi khép lại với một cú đá phạt tuyệt đẹp cân bằng tỷ số 2-2 của Vũ Minh Hiếu cho CAHN.

Nhìn chung, thế hệ khán giả những năm 80, 90 của thế kỷ trước, mỗi người lại lưu giữ một ký ức riêng về những trận đấu của các đội bóng Công an, cũng như những trận derby giữa các đội bóng Công an giàu sức lửa. Đến đầu những năm 2000, khi mà bóng đá bao cấp dần chuyển sang bóng đá doanh nghiệp, thì cũng như các đội bóng của các ngành, các lĩnh vực truyền thống khác, các đội bóng Công an dần dần thu hẹp, rồi được chuyển phiên hiệu. Ví dụ như CAHN được chuyển cho Hàng không Việt Nam, sau này thì Hàng không Việt Nam lại chuyển cho LG.HN.ACB, và sau 2, 3 lần đổi tên nữa, thì đội bóng hậu duệ cuối cùng của CAHN là CLB Bóng đá Hà Nội, cuối cùng cũng bị xoá tên khỏi bản đồ bóng đá. Với CAHP hay Công an TP Hồ Chí Minh, mọi chuyện cũng diễn ra tương tự.

Nhưng rồi bóng đá Công an cũng phục sinh. Đầu tiên, nó phục sinh trong tên gọi "đội bóng Công an nhân dân" với sự góp mặt của nhiều cựu cầu thủ từng thi đấu trong màu áo CAND và được HLV trưởng Mai Trần Hải - cựu HLV trưởng CAHP dẫn dắt, tham dự giải bóng đá cảnh sát các nước Đông Nam Á. Ở những giải đấu mang tính giao lưu, cọ sát này, đội bóng CAND thường xuyên giành ngôi vô địch.

Nhưng không dừng lại ở đó, cách đây hơn 5 năm, đội bóng đá CAND với đa số các cầu thủ trẻ đã được thành lập để tham dự giải hạng Ba toàn quốc. Từ hạng Ba lên hạng Nhì, CAND đá 4 năm ở giải hạng Nhì và năm nay đã chính thức có tên ở giải hạng Nhất quốc gia. Trao đổi với chúng tôi, HLV trưởng Phạm Minh Đức cho biết: Mục tiêu của đội bóng trong năm đầu tiên đá hạng Nhất là trụ hạng và hiện tại, sau 10 vòng đấu, đội đang đứng ở giữa bảng tổng sắp, nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu. 

Các cầu thủ Đội bóng Công an nhân dân tại Giải hạng Nhất quốc gia 2015.

Ông Đức tâm sự: "Đội chúng tôi có đa số các cầu thủ trẻ, mức lương trung bình chỉ từ 3-5 triệu đồng/tháng - một mức thu nhập bình bình so với mặt bằng hạng Nhất nói chung, nhưng cái chính là khi vào sân, các em luôn đá hết mình, khí thế". 

Còn ông Nguyễn Hiền Lương, Giám đốc Trung tâm Thể thao CAND chia sẻ: "Thời ngày xưa, các đội bóng Công an luôn đóng góp nhiều tuyển thủ xuất sắc cho Đội tuyển quốc gia, tham dự các giải đấu SEA Games, Tiger Cup. Truyền thống ấy khiến chúng tôi buộc phải nghĩ đến việc gây dựng lại phong trào bóng đá Công an và chúng tôi hy vọng thời gian tới đội bóng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa". Khi được hỏi khó khăn lớn nhất với đội bóng hiện nay là gì, ông Lương nhấn mạnh tới vấn đề  kinh tế tài chính, vấn đề sống còn với bóng đá chuyên nghiệp hiện nay. 

Ông nói: "Chúng tôi đang tìm kiếm, kêu gọi các nhà tài trợ để tình hình tài chính của đội không ngừng được nâng lên". Ông Lương cũng nói thêm rằng đội bóng CAND sẽ không bao giờ ghép tên doanh nghiệp - nhà tài trợ vào tên gọi của mình và chúng tôi luôn hướng đến việc gìn giữ bảo vệ một thương hiệu sạch. 

Hy vọng, trong một ngày không xa nữa đội bóng Công an nhân dân rồi sẽ lại góp mặt ở sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam. Cái ngày mà chắc chắn không riêng gì những cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an, mà cả những người từng yêu mến, hâm mộ những đội bóng Công an trước đây không ngừng mong đợi!

"Phải tuyệt đối sạch đẹp..."

Đó là khẳng định của Đại tá Nguyễn Hữu Thắng - Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân về tư tưởng thi đấu của đội bóng CAND.

Đại tá Nguyễn Hữu Thắng nói rằng ngay từ đầu, lãnh đạo Bộ Công an đã quán triệt tư tưởng đội bóng của lực lượng phải tránh xa những vấn đề tế nhị, phức tạp trong làng bóng Việt Nam, vì cái cần hướng đến không chỉ là thứ hạng, thành tích thông thường, mà còn là "đá làm sao để người ta thêm yêu, thêm nhớ".

Đại tá Nguyễn Hữu Thắng tin tưởng rằng các cầu thủ luôn ý thức được vấn đề sống còn này để mỗi trận đấu luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người xem.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.