Kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu

Thứ Sáu, 01/02/2019, 09:17
Nông sản nhập khẩu qua các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn vào những ngày cận Tết Nguyên đán càng thêm nhộn nhịp. 

Những nông sản được nhập khẩu nhiều nhất vẫn là khoai tây, hành, tỏi… cùng các loại quả táo, lê, quýt phục vụ thị trường Tết. Công tác kiểm dịch nông sản luôn được thắt chặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập vào nội địa.

Trái cây, nông sản không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Theo thông tin từ Chi cục kiểm dịch thực vật vùng VII, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời điểm giáp Tết Nguyên đán năm nay, hàng nhập và hàng xuất đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó lượng hàng xuất giảm khoảng 40%.

Về lý do, theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII - đơn vị quản lý địa bàn Lạng Sơn cho biết, Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu, chỉ cho nhập khẩu 8 loại trái cây là thanh long, nhãn, vải, chuối, xoài, dưa hấu, chôm chôm, mít đồng thời hạn chế nhập khẩu với một số hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Lực lượng chức năng lấy mẫu kiểm tra hoa quả nhập lậu.

Điều này đã tạo ra rào cản lớn cho việc xuất khẩu hàng nông sản, khiến nhiều loại nông sản xuất khẩu rải rác theo đường tiểu ngạch, lối mòn… gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát và quản lý nguồn hàng. 

Việt Nam hiện đang đề nghị phía Trung Quốc nhập khẩu thêm 7 loại trái cây, trong đó ưu tiên sầu riêng, chanh leo, khoai lang và dừa. Đối với hàng nhập khẩu, lượng hàng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2018 do thị trường trong nước dồi dào nguồn cung. Các loại hoa quả nhập nhiều nhất là táo, lê, quýt, nông sản có khoai tây, hành, tỏi.

Một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh dịp giáp Tết trên thị trường là hoa, cây cảnh trong số đó nhiều loại có xuất xứ từ Trung Quốc như hoa lan. Theo bà Nguyễn Thị Hà, tất cả các loại hoa lan nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có giấy phép của Cục Bảo vệ thực vật.

Về quy trình kiểm dịch thực vật, bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết, trước đây chi cục áp dụng biện pháp test nhanh và chỉ sau 20 phút là có kết quả. Nếu lô hàng không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu theo quy định thì Hải quan sẽ cho thông quan. 

Nhưng năm nay, thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, chi cục chỉ lấy những mẫu hàng hóa có nguy cơ cao đưa về Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra. Sau từ 3 đến 5 ngày, nếu kết quả kiểm tra cho thấy hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì yêu cầu sẽ kiểm tra chặt các lô hàng tiếp theo. 

“Tuy nhiên, trong năm 2018, Chi cục đã kiểm tra 48 mặt hàng nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra an toàn thực phẩm. Đơn vị đã gửi 55 mẫu củ, quả, hạt theo kế hoạch Cục giao đã có kết quả 55/55 mẫu đều đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên các mẫu hàng nhập khẩu mới chỉ phát hiện 55 loài sinh vật gây hại 98 loài cỏ dại, 29 loài côn trùng, 15 loài nấm bệnh, 3 loài tuyến trùng), chưa phát hiện các đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ của Việt Nam. Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, Chi cục tăng cường cán bộ tích cực phối hợp với hải quan kiểm tra hàng hóa qua cửa khẩu, đánh giá các trường hợp rủi ro để có biện pháp ngăn chặn kịp thời”, bà Hiền cho biết.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Tết

Trung Quốc cũng đón Tết Âm lịch giống nước ta nên thời điểm giáp Tết các mặt hàng nông sản và trái cây của Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu đưa vào thị trường nước bạn.

Năm nay, do khó khăn về chính sách truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc nên theo ông Nguyễn Quang Bách, Chi cục phó Chi cục Hải quan Cốc Nam, nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc giảm nhiều so với với năm trước (chỉ bằng khoảng 30% so với cùng thời điểm năm 2018). 

Cửa khẩu Cốc Nam chỉ được xuất 3 mặt hàng là xoài, mít, chôm chôm. Chi cục đã báo cáo UBND tỉnh Lạng Sơn có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp những mặt hàng là nông sản địa phương thì theo hình thức trao đổi hàng hóa qua cư dân biên giới. 

Chẳng hạn như thạch đen là đặc sản địa phương đang đề xuất UBND tỉnh sang nước bạn đàm phán cho trao đổi bằng hình thức cư dân biên giới trao đổi hàng hóa. Tỉnh Lạng Sơn đã đàm phán với nước bạn cho xuất khẩu 10 mặt hàng.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh, ông Phan Thành, Chi cục phó Chi cục hải quan Tân Thanh cho biết, lượng hàng xuất vào thị trường Trung Quốc có khối lượng ít hơn, dao động khoảng hơn 150 tấn mỗi ngày, tập trung chủ yếu là thanh long, dưa hấu. 

Hải quan Tân Thanh tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa thuận lợi, thông quan nhanh để hàng không bị tồn đọng, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Thị trường trái cây, nông sản Tết năm nay có nhiều loại của Trung Quốc nhưng đội lốt Đà Lạt như khoai tây, cà rốt, ngồng tỏi, đậu Hà Lan, hành, tỏi khô… 

Tại cửa khẩu Tân Thanh, theo ông Phan Thành thì 1 tuần nay, lượng hàng rau, củ quả, trái cây nhập mỗi ngày ước chừng khoảng 200 tấn, trong đó nhiều nhất vẫn là táo, lê, cam, quýt và hành, tỏi. Các loại rau xanh như súp lơ, bắp cải hầu như không có trong danh mục hàng nhập dịp này.

Nhóm PV
.
.
.