Triển vọng kinh tế năm 2016: Mọi trông đợi đều đổ dồn vào cải cách

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:57
Triển vọng kinh tế năm 2016 là mọi trông đợi đều đổ dồn vào cải cách là nhận định của Ngân hàng HSBC trong Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam vừa mới phát hành.

Ngân hàng này cho rằng, nguy cơ lạm phát có thể tăng cao và cơ hội nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ bị hạn chế làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian gần. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều khả năng duy trì vị trí đi đầu ở châu Á với GDP tăng trưởng nhanh, miễn là các cuộc cải cách phải được thực hiện.

Kết quả khảo sát về chỉ số PMI của tháng 8 thể hiện lĩnh vực sản xuất của Việt Nam – lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất - tiếp tục tăng trưởng tháng thứ chín liên tiếp trong bối cảnh một số nước châu Á và hầu hết các nền kinh tế phương Tây đang phải vật lộn để giữ trên mức có tăng trưởng. 

Lạm phát tăng mạnh trong tháng 9.

Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số PMI của ngành sản xuất đã tăng lên 52,2 điểm từ 51,9 điểm của tháng trước. Các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện dựa vào những gì đạt được ở chỉ số phụ việc làm, tồn kho hàng mua. Ngay cả sản lượng, đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới cũng đã tăng, tuy mức độ yếu hơn. 

Thêm nữa, mặc dù sản lượng chỉ tăng ở mức yếu nhất trong năm tháng qua, thể hiện sự sụt giảm trong tiêu dùng và sản xuất hàng hóa trung gian, nhưng cũng cần lưu ý rằng, sản xuất hàng đầu tư vẫn cao hơn trong tháng. 

Mặc dù có dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang giảm nhẹ, sản xuất hàng đầu tư tăng đi đôi với mức độ tuyển dụng nhân viên cao đã thể hiện tinh thần lạc quan của các nhà sản xuất. Tâm lý lạc quan cũng được phản ánh trong việc gia tăng hoạt động mua nguyên vật liệu.

Một điểm sáng nữa của nền kinh tế đó là mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn, nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa của Việt Nam vẫn khá mạnh mẽ. Xuất khẩu trong tháng tăng 8,0% so với cùng kỳ năm ngoái (từ đầu năm đến nay tăng 5,5% so với cùng kỳ) và nhập khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ (từ đầu năm đến nay giảm 0,3% so với cùng kỳ). Nguồn vốn FDI tiếp tục chảy đều đặn vào nền kinh tế. 

Từ đầu năm đến tháng 8, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015. Các lĩnh vực sản xuất và chế biến thu hút dòng vốn FDI lớn nhất chiếm 73% trong tổng số, tiếp theo là bất động sản chiếm 6% và lĩnh vực khoa học và công nghệ chiếm 4,3%. Tương tự như vậy, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Lạm phát hiện tại không phải là mối quan ngại lớn đối với Việt Nam vì vẫn được duy trì ở dưới mức mục tiêu 5%. Nhưng chúng ta cũng cần phải theo dõi sát sao chỉ số này vì áp lực giá cả đang ngày càng tăng. Lạm phát mỗi tháng đều tăng và trong tháng 9 đã đạt mức 3,3%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản của tháng 9 cũng tăng đạt mức 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm nhẹ trong tháng 8. 

Các điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng không thuận lợi đã cản trở và đẩy lạm phát giá lương thực thực phẩm lên cao hơn. Cùng với đó, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng lớn tới lạm phát. Ngoài ra, chi phí giáo dục gia tăng đáng kể khi nhiều tỉnh, thành đã điều chỉnh học phí. 

Chưa hết, Hội đồng Tiền lương Quốc gia Việt Nam vừa quyết định tăng mức lương tối thiểu trung bình hằng tháng thêm 7,3% cho người lao động trên toàn quốc bắt đầu từ năm 2017. Mặc dù đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ năm 1997, nhưng mức tăng trung bình này vẫn còn cao hơn mức lạm phát hiện tại và vì vậy có thể sẽ thúc đẩy lần tăng giá thứ hai.

Mặc dù có những thách thức nhưng Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều triển vọng tăng trưởng. 

“Cải cách trong nước vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng bền vững. Để bắt đầu, Bộ Tài chính cam kết cải thiện việc thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm bằng cách thắt chặt quản lý thuế, đặc biệt là nợ. Việt Nam cũng đang cố gắng đẩy nhanh quá trình bán các công ty Nhà nước, loại bỏ trần sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định. 

Nói rộng ra, Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng. Chắc chắn, cơ hội nới lỏng đang bị giới hạn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai gần. Nhưng sự tiến triển ổn định về cải cách sẽ giúp Việt Nam duy trì vị trí số một trong những quốc gia đi đầu ở châu Á” - HSBC nhận định.

Lệ Thúy
.
.
.