Cấp gần 1.000 tỷ đồng đầu tư trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê

Thứ Bảy, 16/07/2022, 07:31

Trong 2 ngày 14 và 15/7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã tiến hành Kỳ họp thứ 8, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Tại kỳ họp lần này, vấn đề liên quan đến mỏ sắt Thạch Khê tiếp tục được đưa ra thảo luận, chất vấn xung quanh việc nên dừng lại hay tiếp tục dự án.

Mỏ sắt Thạch Khê làm nóng nghị trường kỳ họp HĐND

Đăng đàn trả lời phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh Trần Việt Hà là người nhận được nhiều ý kiến chất vấn về dự án "treo" trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á nhận được đại biểu đặc biệt quan tâm, nhất là vấn đề dân sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt, tổ đại biểu huyện Thạch Hà đặt câu hỏi: Người dân 6 xã nằm trong vùng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa có hệ thống nước sạch, nhiều dự án không được triển khai xây dựng, việc canh tác sản xuất vô cùng khó khăn. Sở đưa ra các giải pháp nhằm ổn định đời sống dân sinh trước mắt và lâu dài như thế nào?

Cấp gần 1.000 tỷ đồng đầu tư trong vùng dự án mỏ sắt Thạch Khê -0
Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Hà cho hay, trong thời gian chờ quyết định việc chấm dứt hay tái khởi động dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 946/QĐ-TTg ngày 21/6/2011 với tổng mức đầu tư 1.677 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương đã cấp 945 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trong vùng dự án. Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục khảo sát, rà soát để tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, đề xuất chấm dứt dự án. Đồng thời, đề xuất bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho các xã chịu ảnh hưởng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Thái Văn Sinh, tổ đại biểu huyện Đức Thọ chất vấn: Trong lúc chờ quyết định của Chính phủ, giải pháp tình thế trước mắt đối với người dân ảnh hưởng bởi dự án là gì? Cần có hành động cụ thể, bởi người dân đã chịu mất cân bằng an sinh xã hội nhiều năm rồi. Trả lời nội dung này, ông Hà cho biết, để đầu tư, tái thiết lại cơ sở hạ tầng trong vùng dự án, thì phải chờ khi Chính phủ cho dừng hẳn dự án thì mới tiến hành được.

Trao đổi thêm với đại biểu, cử tri về dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng chia sẻ: Không riêng gì nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà trăn trở mà tất cả các đại biểu và các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy đều trăn trở. Tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, đề xuất dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Sau cuộc khảo sát chính thức của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2022 vừa qua, sắp tới Bộ Chính trị sẽ có cuộc họp để bàn nội dung này. Chính vì vậy, theo Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, mong bà con cử tri huyện Thạch Hà, cử tri 6 xã bị ảnh hưởng hết sức thông cảm, những kiến nghị mà các đại biểu đặt ra, ngay cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chưa thể trả lời được.

Loay hoay xử lý hàng chục trụ sở bỏ hoang giữa lòng thành phố

Cũng tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề nhức nhối trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã được các đại biểu đặt ra, chất vấn người đứng đầu các lĩnh vực như đầu tư; xây dựng; lao động, thương binh và xã hội; tài nguyên môi trường… Trong đó, người đứng đầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, lĩnh vực quy hoạch - đầu tư với nội dung liên quan đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp, nhất là phần vốn ngân sách tỉnh quản lý. Mặc dù Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX có chủ trương xã hội hóa đầu tư cho văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường… nhưng đến nay, kết quả thực hiện còn hạn chế. thời gian qua, công tác xã hội hóa nguồn lực đầu tư được quan tâm nhưng mới chỉ dừng lại ở tài trợ quy hoạch. Một số nguyên nhân của thực tế này là tính chủ động của các địa phương hưởng lợi dự án còn hạn chế; việc triển khai hỗ trợ đầu tư còn nhiều vướng mắc…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều dự án chậm tiến độ, vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Đơn cử, tại huyện Nghi Xuân, khu du lịch Xuân Thành hiện có tất cả 74 dự án đầu tư, trong đó có 21 dự án của các tổ chức doanh nghiệp do UBND tỉnh chấp thuận, 30 dự án do huyện chấp thuận đầu tư, 23 dự án thực hiện trên đất của các tổ chức cá nhân.

Trong số 74 dự án, có 23 dự án đã đầu tư và kinh doanh, 4 dự án đầu tư xây dựng, 10 dự án hiện đang bỏ hoang và 37 dự án chưa triển khai. Toàn tỉnh có tất cả 60 dự án gặp khó khăn về cho thuê đất, trong đó 50 dự án thực hiện 100% phần đất do Nhà nước quản lý, 10 dự án thực hiện một phần đất do Nhà nước quản lý. Việc xác định giá đất cụ thể của các dự án trên địa bàn tỉnh còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc giao đất, cho thuê đất và hoạt động của doanh nghiệp.

Một lĩnh vực khác được cử tri và các đại biểu cũng hết sức quan tâm là vấn đề giải quyết hàng loạt trụ sở bỏ hoang trên địa bàn Hà Tĩnh. Theo Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Văn Ngọc, nguyên nhân tồn tại nhiều trụ sở bỏ hoang là do quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các cơ sở nhà, đất thuộc tỉnh quản lý, sử dụng và các cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý, sử dụng cũng như phân nhóm các cơ sở nhà, đất dôi dư.

Cụ thể, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, ngoại trừ trụ sở của Tỉnh đoàn cũ vừa bán đấu giá thành công, thì vẫn còn nhiều trụ sở của các cơ quan như trụ sở của Sở NN&PTNT, trụ sở Báo Hà Tĩnh, Nhà khách Hương Sen, Trường THPT Chuyên tỉnh, Trung tâm da liễu, khu tập thể ngành Xây dựng - Công Thương, Cục Thống kê tỉnh và khu tập thể Cục Thống kê, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án dân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội thành phố, Kho bạc Nhà nước, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan… với hàng trăm ngàn mét vuông, áng ngữ tại các vị trí đắc địa của thành phố nhưng hiện nay vẫn đang loay hoay giữa việc giữ lại tiếp tục sử dụng hay thu hồi. Các trụ sở này từ nhiều năm nay đã bỏ hoang, nhếch nhác gây mất mỹ quan đô thị của thành phố Hà Tĩnh.

Ngoài nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII cũng đã xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như xem xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, kết quả thực hiện đầu tư công, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, quyết định nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Quyết nghị các cơ chế, chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm; cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực y tế công lập trên địa bàn tỉnh; phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường; quyết định chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công; chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; bàn, quyết định một số nội dung quan trọng khác.

Mỏ Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009. Giai đoạn 2008-2011, chủ đầu tư đã cho bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3, độ sâu -34 m so với mực nước biển, thu hồi khoảng 3.000 tấn quặng. Tuy nhiên, đến tháng 11/2011, Chính phủ phải cho tạm dừng dự án và "đắp chiếu" từ đó đến nay.

Dự án ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Tĩnh Hà Tĩnh đã nhiều lần có văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ xin dừng dự án. Trong khi đó, TIC vẫn muốn tiếp tục tái khởi động. Mới đây nhất, vào tháng 6/2022, Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục đề xuất tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Thiên Thảo
.
.
.