Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá

Thứ Ba, 02/04/2024, 08:32

Liên tục tăng từ đầu năm tới nay, giá đồng USD trên thị trường tự do lập đỉnh mới, trong ngân hàng, tỷ giá cũng chạm mốc 25.000 đồng/USD.

Sáng 1/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.004 VND/USD, tăng 1 đồng so với mức niêm yết cuối tuần qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.804 - 25.204 VND/USD. Trên thị trường chính thức, tỷ giá USD tại các ngân hàng ghi nhận điều chỉnh tăng đồng loạt từ 10 đến 24 đồng. Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 24.565 - 24.665 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 24.970 - 25.000 VND/USD.

Chủ động ứng phó với biến động tỷ giá -0
Tỷ giá được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới.

Như vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay, giá USD ở các ngân hàng đã tăng gần 500 đồng, tương đương mức tăng khoảng 2%. Trên thị trường "chợ đen", đồng USD hiện được giao dịch ở mức 25.350 - 25.450 VND/USD. Giá mua và giá bán cùng tăng 50 đồng so với mức ghi nhận cuối tuần trước. Tuy nhiên, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 25.700 đồng thiết lập hồi đầu tháng 3 - thời điểm tỷ giá tự do đã tăng thêm hơn 4%.

Giá USD tăng, các doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động nhiều nhất. Bà Trần Thị Hà My, chuyên gia phân tích vĩ mô tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu năm nay, tỷ giá tăng 2-3% sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp. Tuy vậy, nếu biến động quá mức này, đặc biệt từ 5% trở lên, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Chia sẻ từ phía doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức 4% như hiện nay - nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do - Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.

Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của Tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng vì tỷ giá tăng, thì doanh nghiệp xuất khẩu cũng không hẳn vui mừng hưởng lợi, bởi đa phần doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay phải nhập khẩu nguyên liệu. Có thể ví dụ như các doanh nghiệp ngành thép, điều, may mặc…, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đều bị đội lên đáng kể vì tỷ giá tăng.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, có 3 nguyên nhân chính đẩy tỷ giá trong nước nóng lên gần đây. Thứ nhất, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, thậm chí không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao. Thứ hai, đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước. Đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về mua bán ngoại tệ. Thứ ba, có hiện tượng đầu cơ ngoại tệ khi tỷ giá có biến động. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, tỷ giá sẽ bớt nóng vào nửa cuối năm nay, khi Fed giảm lãi suất. Biên độ biến động tỷ giá năm nay dự báo sẽ không lớn. 

Còn các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu trong ngắn hạn. "Tỷ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục do những áp lực trong nước như giá vàng trong nước vẫn chưa cho thấy chiều hướng giảm, và thế giới là việc Fed đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất khiến cho việc chênh lệch lãi suất giữa USD-VNĐ tiếp tục bị kéo dài", bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích MBS phân tích. Dù vậy, các chuyên gia của MBS dự báo áp lực tỷ giá sẽ giảm nhẹ trong thời gian tới.

Dự đoán tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 24.400 - 24.600 đồng/USD, nhờ những yếu tố tích cực như động thái kiểm soát để bình ổn thị trường vàng của Chính phủ, hay giới đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay với khoảng 85 điểm cơ bản và điều này sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ, góp phần hạn chế hoạt động kinh doanh chênh lệch tỷ giá và giảm áp lực mất giá đối với VNĐ. Ngoài ra, những yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 8 tỷ USD (gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước); dự trữ ngoại hối vẫn đang ở mức tốt; dòng vốn FDI thực hiện tăng 7,1% và du lịch phục hồi mạnh mẽ...

Để tránh những tác động tiêu cực của biến động tỷ giá tới hoạt động sản xuất kinh doanh, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phục thuộc vào thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Hà An
.
.
.