Đầu tư công nghệ sản xuất bao bì xanh để chặn sản phẩm nhiễm hóa chất độc hại

Thứ Năm, 09/05/2024, 07:47

Các loại bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có nguy cơ nhiễm hóa chất độc hại như bisphenol A, phthalate, kim loại nặng và formaldehyde, đều là mối nguy tiềm ẩn với sức khỏe con người. Do đó, xanh hóa bao bì trở thành “mắt xích” quan trọng trong tăng trưởng xanh.

“Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn (NAPCE) xác định bao bì là một trong những lĩnh vực ưu tiên áp dụng kinh tế tuần hoàn, bao gồm bao bì sử dụng cho chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất nhựa và hóa chất”, bà  Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết.

Đầu tư công nghệ sản xuất bao bì xanh để chặn sản phẩm nhiễm hóa chất độc hại -0
Sản phẩm chế biến của Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng.

Ngành lương thực, thực phẩm là một trong những ngành kinh tế chủ lực và là ngành đảm bảo an ninh thực phẩm, nâng cao giá trị của nông phẩm, tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK) quan trọng. Theo Bộ NN&PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2024, các nhóm hàng XK nông lâm thủy sản đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều mặt hàng có giá trị XK trên 1 tỷ USD. Giá trị XK nông sản Việt sang các thị trường quan trọng đều tăng mạnh. Những kết quả tích cực trong hoạt động sản xuất và XK của ngành lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy cơ hội lớn để bứt phá trong năm 2024.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh khẳng định, hiện nay ngành chế biến lương thực thực phẩm của Việt Nam đang có sức hút trên thị trường thế giới. Thủy sản, gạo, cà phê và một số nông sản Việt đang được ưu tiên hàng đầu của các đơn vị đặt mua, nên đây là cơ hội lớn cho nông dân, DN trong ngành chế biến lương thực thực phẩm. Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch XK hằng năm. Tuy có nhiều cơ hội, nhưng ngành lương thực, thực phẩm Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức mới, đó là xu hướng tăng trưởng xanh, trong đó xanh hóa bao bì là yếu tố không thể thiếu. 

Theo bà Hồ Thị Quyên, việc xanh hóa bao bì không chỉ đơn thuần là theo xu hướng mà phần quyết định nằm ở nỗ lực của các DN. Việc lựa chọn vật liệu bao bì cho sản phẩm phải được các DN đặt lên bàn cân tính toán, làm sao đảm bảo được chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường và có khả năng tái chế cao nhất. Để thực hiện việc này, DN cần đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, sử dụng nguyên liệu xanh, nguyên liệu tái tạo và áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trong sản xuất bao bì. Điều này đòi hỏi DN phải đầu tư vốn, thời gian, công sức và nâng cao trình độ nhân lực. Bên cạnh đó, DN cần phải liên tục cập nhật xu hướng bao bì xanh và vật liệu bền vững dành cho thực phẩm.

T.Hà
.
.
.