Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu

Chủ Nhật, 24/09/2023, 07:42

Sau 1 tuần giao dịch có phần trầm lắng với xu hướng giảm giá thì trong tuần này, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã khởi sắc. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn đang chuẩn bị đàm phán đơn hàng cho năm sau.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên mức 618-622 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/9 vừa qua. Riêng giá gạo loại 25% tấm vẫn giữ ổn định ở mức 603-607 USD/tấn.

Với mức giá hiện nay, gạo của Việt Nam tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới khi cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn (gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có mức 608-612 USD/tấn) và cao hơn gạo cùng chủng loại của Pakistan 20 USD/tấn (gạo Pakistan ở mức 598-602 USD/tấn). Thống kê cho thấy, đến hết tháng 8 năm 2023, Việt Nam XK 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá XK bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu -0
Ảnh minh hoạ.

Dự báo từ nay đến hết năm 2023 và thậm chí là sang năm 2024, tình hình XK gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, mặc dù so với thời điểm trước giá gạo có giảm khoảng 10%, tuy nhiên điều này vẫn tốt cho bà con nông dân và đảm bảo được lượng hàng XK ổn định. Theo đánh giá của nhiều DN thì mức giá hiện nay khá ổn định và được coi là mức giá mới cho mặt hàng này.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng XK gạo của cả nước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi  (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Giá gạo hiện nay đang có xu hướng chững lại sau động thái của một số nước nhập khẩu nhằm kiềm chế lạm phát (như Philippines áp giá trần gạo nội địa, mặc dù chính sách này sau đó đã được dỡ bỏ), tập trung vào chính sách phát triển sản xuất trong nước để tăng cường dự trữ, tồn kho và tìm kiếm các nguồn cung cấp lương thực thay thế cho gạo (ngô, lúa mỳ).

Tuy nhiên nhìn chung, giá gạo XK từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn, trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia XK gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ biến động của giá gạo XK sẽ còn phụ thuộc vào các biến số như thời tiết, chính trị (phản ứng chính sách) của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan,… trong thời gian tới.

Trước diễn biến giá gạo nhiều biến động như hiện nay, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các DN cần nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng theo quy định. Bộ Công Thương đề nghị DN chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu và tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, đặc biệt phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng (để tránh bị lừa đảo).

Tuy nhiên, để làm được điều này DN cần phối hợp, liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam ở trong và ngoài nước (cơ quan đại diện ngoại giao và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài) để tham khảo thông tin và tranh thủ sự hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời, thường xuyên trao đổi với VFA để kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất các biện pháp xử lý...

Phan Đức
.
.
.