Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 3 lần/tháng từ ngày 2/1/2022

Thứ Tư, 03/11/2021, 08:49

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Nghị định có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Theo đó, giá cơ sở xăng dầu được tính theo công thức mới, được xác định từ cơ cấu tỉ trọng gồm cả 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước, thay vì chỉ trên giá nhập khẩu như trước đây.

Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Một trong các điều kiện được sửa là thương nhân phải có hệ thống phân phối xăng dầu: Tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân. Đối với đại lý bán lẻ xăng dầu, Nghị định sửa điều kiện về cửa hàng bán lẻ như sau: Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Ngoài ra, điều 24a Nghị định 95 cũng quy định, thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ (cây xăng mini-PV) chỉ được hoạt động ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, phù hợp với các quy định hiện hành. Thương nhân kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ phải gửi hồ sơ thông báo đến Sở Công Thương địa phương nơi đặt thiết bị bán xăng dầu để được cấp giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ.

Về thời gian điều hành giá xăng dầu, Nghị định 95 quy định thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng, tức là 10 ngày sẽ điều hành giá xăng dầu 1 lần thay vì 15 ngày một lần như hiện hành. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười phần trăm (> 10%) số với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về biện pháp điều hành cụ thể.

Tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở được xác định hàng quý; Tỷ trọng sản lượng của quý trước liền kề sẽ được áp dụng để tính giá cơ sở cho các kỳ điều hành của quý tiếp theo.

Theo các chuyên gia, với công thức tính giá cơ sở xăng dầu và thời gian điều hành như trên, giá xăng dầu trong nước sẽ “hạ nhiệt” nhờ giảm các khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, tăng cường tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước nhưng vẫn bám sát giá xăng dầu thế giới.

Ngoài ra, Khoản 6 điều 26 quy định, chỉ được ngừng bán hàng sau khi được Sở Công Thương chấp thuận bằng văn bản, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng như: cháy nổ, lũ lụt, hoặc đã nỗ lực áp dụng biện pháp khắc phục nhưng không thể duy trì việc bán hàng.

Lưu Hiệp
.
.
.