Giá xăng dầu tăng, cả nông dân và ngư dân đều lao đao

Thứ Năm, 10/03/2022, 08:53

Thời gian qua, giá xăng dầu, các loại vật tư, phân bón trong nông nghiệp tăng chóng mặt đã khiến cả nông dân và ngư dân gặp khó khăn, thậm chí lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì nguy cơ thua lỗ...

Người trồng cà phê "tiến thoái lưỡng nan"

Rẫy cà phê rộng gần 4ha của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) phải bơm tưới lần hai từ cách đây khoảng một tuần nhưng do xăng dầu tăng giá quá cao, gia đình ông Thắng đã lưỡng lự trong việc thuê người, mua dầu về chạy máy nổ để bơm hút nước từ hồ thủy lợi cách rẫy gần 1km lên ao chứa, từ đó mới bơm tiếp để tưới cho cây cà phê.

Với diện tích cà phê trên, để tưới đẫm cho từng gốc, ông Thắng nhẩm tính ít nhất cũng mất hàng chục triệu đồng/lần tưới, nếu tính cả tiền thuê nhân công. Do giá xăng dầu đội lên quá cao, nhìn trời lại có vài đám mây nên gia đình ông Nguyễn Văn Thắng đang cố chờ trời đổ mưa giải hạn. Tuy nhiên, trời lại nắng nóng từ sáng cho tới chiều tối, vẫn chưa có dấu hiệu của một cơn mưa rào đầu mùa, gia đình ông Thắng buộc phải liên hệ thuê 3 công để tưới cho rẫy cà phê của gia đình mình. Theo ông Thắng, nếu không được tưới trong tuần này, lá cà phê sẽ héo quắt, rụng quả non và hư hỏng cả rẫy cà phê.

Giá xăng dầu tăng, cả nông dân và ngư dân đều lao đao -0
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên lao đao vì xăng dầu, vật tư tăng giá.

Hạn hán kéo dài đã khiến cho nhu cầu chạy máy nổ để phục vụ tưới tiêu cho hoa màu, đặc biệt là cà phê ở khu vực Tây Nguyên tăng mạnh. Với giá xăng dầu tăng cao và còn được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới cùng với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng vọt như hiện nay, người trồng cà phê ở Lâm Đồng đã nghĩ tới một vụ mùa thua lỗ nặng.

Ông Lâm Viết Phương, ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng cho biết, trung bình hằng năm người trồng cà phê phải vận hành máy nổ để bơm tưới cà phê từ hai tới ba lần, tùy vào thời tiết. Ông Phương nhẩm tính: “Tiền dầu để tưới cho 1ha cà phê với giá như hiện nay phải mất từ 1,5 tới 2 triệu đồng, 6 triệu đồng tiền phân, cộng thêm 3 tới 4 triệu đồng tiền nhân công. Như vậy, trung bình hiện nay cứ 1ha cà phê chi phí xăng dầu, phân bón, nhân công hết từ 10 tới 12 triệu đồng. Với 3ha cà phê, mỗi lần tưới nước, bón phân, gia đình tôi mất từ 30 tới 35 triệu đồng!...”.

Giá xăng dầu tăng vọt cũng đã khiến giá cả nhiều loại mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Nếu niên vụ cà phê năm 2021, một bao phân vô cơ hỗn hợp loại 50kg trung bình có giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng, nay tăng lên gần 1,3 triệu đồng. Với chi phí sản xuất cà phê tăng cao như hiện nay, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã lường trước được một niên vụ càng đầu tư mạnh, càng thua lỗ lớn.

Bà Phạm Thị Thủy, ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm cho biết, trung bình 1ha cà phê tại địa phương đạt khoảng 15-20 tấn cà phê tươi, tương đương 3-5 tấn khô, nếu bán được với giá 40 triệu đồng/tấn nhân khô, người trồng sẽ thu về cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Với giá này, trừ chi phí đầu tư như phân bón, xăng dầu, tiền thuê nhân công thu hoạch, chăm sóc, xay xát cà phê… cao như hiện nay, coi như người trồng thua lỗ. Đó là chưa kể nhiều gia đình phải vay mượn tiền để tái đầu tư sau mỗi vụ thu hoạch cà phê, phải trả lãi khi mua chịu phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ ở các đại lý. Hiện nhiều gia đình trồng cà phê ở Tây Nguyên đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi giá xăng dầu, phân bón liên tục tăng mạnh và giữ ở mức cao.

“Nếu tiếp tục chăm sóc đầy đủ cho cà phê thì thua lỗ càng lớn, điều này đã được bà con chúng tôi lường trước; nếu bỏ bê, không tưới tiêu chăm bón cà phê sẽ chết!...”, ông Võ Văn Hải, một người đang sở hữu hơn 2ha cà phê ở xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Trước tình hình vật giá đầu tư cho trồng cà phê đang leo thang và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều gia đình ở vùng chuyên canh cà phê số 1 tỉnh Lâm Đồng là huyện Bảo Lâm đã phải tính tới chuyện thay đổi cách chăm sóc loại cây trồng này theo hướng tiết kiệm hơn.

Gia đình ông Trần Văn Mạnh, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, đã áp dụng các biện pháp canh tác cà phê bền vững như kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ, nhằm giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, từ đó kéo giảm tối đa chi phí đầu tư. Ngoài ra, gia đình ông Mạnh cũng trồng xen canh sầu riêng, bơ vào rẫy cà phê, kết hợp trồng cây che bóng để giảm thời lượng tưới nước, tăng nguồn thu...

Tương tự, ông Đinh Văn Đông, người trồng cà phê ở xã Hòa Bắc, huyện Di Linh cũng lựa chọn canh tác cà phê theo hướng hữu cơ để giảm bớt chi phí đầu tư. Thay vì mua dùng các loại phân công nghiệp với giá thành cao như hiện nay, gia đình ông Đông đã mua phân bò, phân dê về bón, giá thành vừa rẻ mà chất dinh dưỡng duy trì để nuôi cây được lâu hơn.

Nhiều ngư dân neo tàu tại bến

Thông tin với báo chí, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho hay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 6.700 tàu cá. Tính đến hết ngày 3/3, có khoảng hơn 1.200 tàu cá không thường xuyên đi khai thác, chủ yếu là các tàu có công suất lớn chiều dài từ 15m trở lên. Nguyên nhân được xác định là do giá dầu và chi phí vật tư đầu vào tăng mạnh.

Giá xăng dầu tăng, cả nông dân và ngư dân đều lao đao -0
Giá nhiên liệu tăng cao, nhiều tàu đánh cá công suất lớn ở TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) không dám ra khơi vì sợ lỗ.

Thực tế cho thấy, mỗi khi giá nhiên liệu xăng, dầu tăng thì vật giá các mặt hàng khác đều tăng lên một cách tự nhiên, giá nhiên liệu tăng càng cao thì giá mặt hàng khác cũng tăng chóng mặt. Đặc biệt, đối với hoạt động đánh bắt thủy, hải sản, tàu càng lớn, thời gian đi biển nhiều, nếu giá dầu quá cao thì gần như ngư dân không dám ra khơi vì đa phần sẽ lỗ.

Ngư dân Nguyễn Văn T, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn có con tàu công suất 940 CV vừa đánh bắt vừa thu mua hải sản trên biển. Thời điểm này những năm trước ông T đã đi được 5 đến 6 chuyến biển. Tuy nhiên, năm nay, giá dầu lên cao, nhân công nghề biển thiếu, ông mới chỉ ra khơi được 3 chuyến. Mỗi chuyến ra khơi, giỏi lắm gia đình ông chỉ thu hồi được đồng vốn bỏ ra nhưng đa phần là lỗ. Tuy nhiên, ông T vẫn mong chờ ở sự may mắn trong những chuyến biển. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hải sản đánh bắt về tư thương thu mua với giá thấp nên nhiều ngư dân ngại ra khơi. Hi vọng sẽ gặp chuyến biển nhiều cá nên gia đình tôi gắng gượng, vừa giữ được bạn đi biển để tính chuyện lâu dài. Năm nay tôi đi 3 chuyến biển nhưng đều công không. Cũng do giá dầu lên cao, nhiều thuyền nằm bờ nên tàu thu mua của gia đình tôi cũng thất thu", ông T cho hay.

Phường Quảng Tiến có khoảng 300 tàu công suất lớn nhưng 1/3 trong số đó hiện đang nằm bờ vì thua lỗ. Nhiều tàu lớn nằm bờ hiện đang thông báo bán để trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, ngư dân Thanh Hóa sẽ vô cùng khốn đốn.

Ông Lê Văn Hân, cán bộ Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) cho biết: “chưa có năm nào mà ngay từ đầu năm đã có số lượng tàu cá của ngư dân Thanh Hóa nằm bờ nhiều như năm nay. Đến thời điểm này, bình quân mỗi ngày chỉ có khoảng vài ba chiếc tàu cập bờ, sản lượng cá đánh bắt được cũng giảm hẳn so với những năm trước. Mấy ngày nay, hải sản vào bờ chủ yếu đánh bắt vùng gần bờ nên chủ yếu là các loại có giá trị kinh tế thấp. Không chỉ tàu địa phương mà tàu thuyền đánh bắt xa bờ cập cảng Lạch Hới cũng ít hơn rất nhiều so với những năm trước”.

Theo tìm hiểu, TP. Sầm Sơn hiện có hơn 1.700 tàu cá, trong đó 208 tàu công suất từ 400 đến 700CV. Trong số những tàu cá lớn nói trên, đến thời điểm hiện tại chỉ có hơn 20 tàu ra khơi nhưng cũng phải hoạt động cầm chừng.

Không chỉ ngư dân TP Sầm Sơn dè dặt trong việc ra khơi, ở vùng biển Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), hàng trăm tàu thuyền cũng nằm bờ, không ra khơi, hoặc có tàu đi với mức độ cầm chừng, giữ chân người lao động.

Ông Dương Văn L, thôn Hòa Hải, xã Hòa Lộc có 4 tàu cá, trong đó có 2 tàu có công suất 1.300 CV, 2 tàu có công suất 450 CV. Ông L cho hay, do giá xăng dầu tăng cao, cứ ra khơi là lỗ nên từ đầu năm nay ông đã không mặn mà với những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, ông vẫn phải để 2 con tàu ra khơi để giữ bạn nghề. Theo ông L, mỗi ngày đi biển ngoài chi phí dầu, ông còn phải trả lương cho hàng chục lao động, mỗi người 500.000 đến 600.000 đồng/người/ngày. Dịp này đi thì xác định lỗ nhiều hơn là lời. “Hoạt động cầm chừng để giữ bạn nghề thôi chứ càng ra khơi càng lỗ. Hi vọng xăng dầu xuống giá để ngư dân được nhờ", ông L than thở.

Giá nhiên liệu lên cao, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế nói chung, đánh bắt thủy hải sản nói riêng, đa phần ngư dân ra khơi xác định trước là lỗ hơn có lời. Do đó, nhiều người chấp nhận neo tàu tại bến, không dám ra khơi. Trong khi, nhiều con tàu có giá trị hàng tỷ đồng được đóng theo diện vay vốn, dù tàu không ra khơi, không có thu nhập nhưng ngư dân phải đóng lãi ngân hàng theo định kỳ, khiến nhiều hộ rơi vào hoàn cảnh rất éo le.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng tàu nằm bờ vì giá dầu cao, thiếu nhân công không chỉ diễn ta tại tỉnh Thanh Hóa mà các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh cũng trong tình trạng tương tự.

Khắc Lịch - Trần Thắng
.
.
.