Giải ngân vốn đầu tư công: Nơi cao, nơi vẫn rất thấp

Thứ Hai, 01/04/2024, 08:27

Theo Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2, ước thực hiện tháng 3 kế hoạch năm 2024 của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 3 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 2/2024 trên 53.064 tỷ đồng, đạt 7,65% tổng kế hoạch vốn. Ước thanh toán đến hết tháng 3/2024 trên 89.874 tỷ đồng, đạt 12,96% tổng kế hoạch; đạt 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ đạt 9,69% tổng kế hoạch và 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Có 4 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Bộ Xây dựng (41,44%); Đài Truyền hình Việt Nam (trên 40%); Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (29,6%); Tiền Giang và Phú Thọ (trên 30%); Hậu Giang và Sơn La (trên 29%)… Tuy nhiên, vẫn còn 23 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, có 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

5.jpg -0
Giải ngân đầu tư công đầu năm có nhiều khởi sắc.

Về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của các dự án trọng điểm quốc gia, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 2/2024, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành Giao thông vận tải là trên 7.332 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 8,3% kế hoạch năm 2024 được giao (trên 88.032 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương trên 6.459 tỷ đồng, đạt 10,4%; vốn ngân sách địa phương gần 880 tỷ đồng, đạt 8,4%.

Cũng theo báo cáo, tính đến hết tháng 2/2024, nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024 giải ngân được 76,2 tỷ đồng, đạt 0,82% kế hoạch. Ước thanh toán đến hết tháng 3/2024 trên 244 tỷ đồng, đạt 2,64% kế hoạch.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang theo chiều tích cực nhưng nhìn vào các số liệu được công bố cho thấy một thực tế là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn theo kiểu nơi cao nơi thấp. Vì sao cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành và địa phương đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cao, ngược lại có nơi vẫn chưa thực hiện được? Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới động lực tăng trưởng năm.

Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Công điện được gửi bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thủ trưởng các cơ quan khác ở trung ương; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. So với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2024 có kết quả tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị chậm phân bổ vốn, tỷ lệ giải ngân rất thấp, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và là nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được trung ương, Quốc hội giao.

Về phía Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cơ quan này đã chỉ ra các nhóm vướng mắc, khó khăn chủ yếu đang ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là những bất cập trong công tác phân bổ vốn và những vướng mắc liên quan các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra là các vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài và đã được Bộ Tài chính cũng như các bộ chuyên ngành báo cáo như: Vướng mắc trong một số cơ chế chính sách; công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư; liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong cả nước, phấn đấu đạt 95% kế hoạch vốn được giao khi kết thúc năm, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ quy định.

Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công...

PV
.
.
.