Giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại

Chủ Nhật, 03/09/2023, 08:49

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc mở rộng thị trường, tận dụng từ các FTA, tìm kiếm cơ hội đơn hàng từ các thị trường ngách thì doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt lưu ý đến việc giảm thiểu rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại (PVTM).

Nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu ngày càng lớn

Trên thực tế, mặc dù các FTA đều hướng tới mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại, nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, PVTM sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện PVTM đối với hàng hóa XK Việt Nam ngày càng lớn.

img_8583-1.jpg -0
Cần cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, đến hết tháng 6/2023, hàng XK của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp PVTM và chống trợ cấp.

Năm 2022, tổng số các vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Điều này phù hợp với thực tế kim ngạch XNK của Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh. Năm 2022, kim ngạch XNK của Việt Nam đã đạt 731 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch XK đạt 371 tỷ USD, tăng 10,6%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 360 tỷ USD, tăng 7,8%. Khi kim ngạch XNK tăng, nguy cơ xung đột lợi ích giữa hàng nhập khẩu với hàng hóa cùng loại được sản xuất tại nước nhập khẩu sẽ lớn hơn và khả năng châm ngòi cho các cuộc điều tra PVTM đối với hàng nhập khẩu sẽ cao hơn.

"Việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM sẽ tác động tới XK. Nếu các DN xử lý không tốt, hàng hóa XK của DN sẽ bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường XK. Thông thường, khi một thị trường tiến hành điều tra PVTM đối với hàng hóa của DN thì đó cũng là thị trường XK lớn, thậm chí là thị trường XK duy nhất của DN. Đặc biệt, bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao đối với một DN có thể làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, đe dọa sự phát triển của DN", ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Theo ông Chu Thắng Trung, cấp độ quốc gia, nếu nhiều DN XK trong cùng một ngành bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao, ngành sản xuất đó sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, có thể kéo theo những tác động kinh tế - xã hội tiêu cực đối với nhiều ngành sản xuất khác có liên quan cũng như đối với các địa phương có cơ sở sản xuất của các DN. Do vậy, có thể nói, việc hàng XK của Việt Nam đối mặt với nhiều cuộc điều tra PVTM là một hệ quả tất yếu khi DN tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động.

Các quy định, thực tiễn điều tra PVTM của các nước mặc dù được xây dựng theo những nguyên tắc chung nhưng cũng sẽ có những thay đổi, điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế. Điều này bắt buộc công tác xử lý các vụ việc điều tra PVTM không ngừng được cập nhật, nghiên cứu, rút kinh nghiệm để có những định hướng tốt nhất cho các DN XK của Việt Nam.

Cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho biết, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách PVTM đã đem lại những kết quả tích cực. Các DN đã hiểu hơn về công tác PVTM và cách thức xử lý khi trở thành đối tượng bị điều tra PVTM. Trong nhiều vụ việc, các DN Việt Nam nhờ kịp thời chuẩn bị nguồn lực đã thành công trong việc chứng minh không bán phá giá hay không nhận trợ cấp.

Chính phủ Việt Nam trong nhiều vụ việc đã chứng minh không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho DN XK. Nhờ đó, các DN XK không bị áp thuế PVTM hoặc bị áp thuế ở mức thấp so với cáo buộc ban đầu hoặc so với các nước khác cùng bị áp thuế, góp phần giữ vững nhiều thị trường XK.

Đơn cử như một số kết quả đạt được trong năm 2022 và đầu năm 2023 như: Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat; Hoa Kỳ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế với thép dây không gỉ và tạm thời miễn thuế PVTM đối với pin mặt trời; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Australia chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình; Philippines không gia hạn biện pháp tự vệ với hạt nhựa HDPE và xi măng nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời giảm thuế chống bán phá giá đối với xi măng so với lệnh áp thuế trước đó; Mexico đánh giá ngành thép Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường và giảm thuế chống bán phá giá với thép mạ trong kết luận cuối cùng so với kết luận sơ bộ trước đó.

Để phòng tránh, giảm thiểu rủi ro do điều tra PVTM, tại Báo cáo kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân về phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới cho rằng, cần đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các DN những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra.

Ngoài theo dõi dựa trên các mặt hàng có khối lượng XK tăng đột biến hoặc chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu xuất khẩu tới các thị trường, việc điều tra cần tích cực theo dõi dòng chảy thương mại của từng mặt hàng trên thế giới, xây dựng mô hình dự báo chính xác hơn. Đặc biệt, cần thực hiện các giải pháp chứng minh hàng hóa Việt Nam không bán phá giá.

DN cần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất từ các quốc gia nằm trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây là một trong những điều kiện cần có để minh chứng nguyên vật liệu được nhập khẩu từ thị trường ưu đãi, cùng với giá nhân công tương đối thấp, cấu thành mức giá XK phù hợp, không có trợ cấp của Chính phủ.

Lưu Hiệp
.
.
.