Kêu gọi đầu tư vào vùng nguyên liệu nông sản

Chủ Nhật, 07/04/2024, 09:27

Sản xuất chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035. Ngành sản xuất chế biến LTTP chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và có tầm quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (XK).

Tại TP Hồ Chí Minh, ngành chế biến LTTP là ngành trọng điểm, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Số liệu từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày người dân sinh sống trên địa bàn thành phố tiêu thụ khoảng 2.000 tấn gạo, 2 triệu quả trứng, trên 4.200 tấn rau củ quả, 1.000 tấn thịt…, nhưng năng lực của thành phố chỉ cung cấp khoảng 10% thịt các loại và gần 5% trứng, nguồn hàng còn lại đến từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu (NK).

Kêu gọi đầu tư vào vùng nguyên liệu nông sản -0
Sản xuất lương thực, thực phẩm được ưu tiên phát triển để đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Tuy nhiên, từ trước đến nay việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương và TP Hồ Chí Minh chưa có tiếng nói chung, nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Theo đánh giá của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), đầu vào nguyên liệu của DN TP Hồ Chí Minh là đầu ra cuả vùng nguyên liệu các tỉnh.

Tuy nhiên, việc hợp tác này chưa đi vào chiều sâu, các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng vốn có cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến của DN TP Hồ Chí Minh. Bởi, các tỉnh có lợi thế lớn trong sản xuất nguyên liệu, nhưng có tình trạng chung là tư duy sản xuất của người dân chưa đáp ứng hết các yêu cầu của thị trường. Tỷ lệ tổn thất nông sản sau thu hoạch còn rất lớn và việc chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản rất kém do thiếu hệ thống kho lạnh. Hạ tầng logistics vừa thiếu vừa yếu khiến chi phí logistics rất cao, trong khi nông sản mang tính mùa vụ cao khó bảo quản để giữ phẩm cấp, chất lượng.

Trước thực tế đó, một số DN ở TP Hồ Chí Minh đã tìm cách giải quyết. Một số DN hội viên của FFA đã kết hợp với các DN ở tỉnh Đắk Lắk triển khai vận hành dự án chế biến nông sản và kho cấp đông (đặt ở cụm công nghiệp Tân An 2, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), áp dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết ngay kho lạnh tại chỗ nhằm bảo quản và chế biến nông sản. Ngày 4/4, Công ty cổ phần tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu cũng đã ký kết hợp tác đầu tư dự án mở rộng nhà máy chế biến trái cây XK tại tỉnh Đắk Lắk.

Tại TP Hồ Chí Minh, 6 hệ thống phân phối lớn của thành phố gồm Saigon Co.op, Satra, Aeon, MM Mega Market, Central Retai, Bách Hóa Xanh, cũng đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa khi đưa vào hệ thống phân phối, ngăn chặn sản phẩm không an toàn, kiên quyết nói không đối với nhà cung cấp vi phạm tiêu chuẩn chất lượng.

Trước mắt, có 3 nhóm mặt hàng thí điểm: trái cây (xoài cát chu, cam sành, bưởi da xanh, thanh long trắng và dưa lưới), rau củ quả (xà lách lô lô xanh, cải thìa, bắp cải trắng, cà chua thường, dưa leo thường), thịt gia súc, gia cầm (heo, gà). Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đơn vị sản xuất, kinh doanh rau quả lớn tại tỉnh Lâm Đồng cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh như: Phong Thúy, Xuân Thái Thịnh, Đồng Xanh, Vietfarm, WinEco, Thảo Nguyên, Thảo Nguyên Xanh…

“Đây là lần đầu tiên các nhà bán lẻ cùng thống nhất mục tiêu, cùng phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất an toàn, trách nhiệm, là cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng đến XK vào các thị trường khó tính”, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết.

Để ngành LTTP phát triển bền vững và là ngành sản xuất chủ lực thì cần phải giải quyết được các điểm nghẽn: Đó là phải xây dựng được cơ sở dữ liệu quản lý vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống kho lạnh và hạ tầng logistics. Theo bà Lý Kim Chi, hiện nay Chính phủ và Bộ NN&PTNT đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến LTTP, trong đó nổi bật là “đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và XK giai đoạn 2022-2025” tại 13 tỉnh thành trên cả nước.

Theo đề án này, giai đoạn 2022-2023 hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn quy mô tập trung và mở rộng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu hỗ trợ nông dân, HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh về quản lý vùng nguyên liệu, về mặt hàng, chất lượng, sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm... của các địa phương để đáp ứng yêu cầu của nhà phân phối. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung là rất cần thiết giúp kết nối cung-cầu tốt hơn, giảm được tình trạng nông sản phải “giải cứu"… 

“Đặc biệt, vùng nguyên liệu muốn phát triển hiệu quả và bền vững bắt buộc phải gắn song song với hệ thống phát triển kho lạnh. Trong khi đó, hệ thống kho lạnh ở khu vực này quá ít. Việc đầu tư kho lạnh đòi hỏi diện tích lớn, chi phí cao và thời gian thu hồi vốn tương đối dài, nên DN dễ nản. Vì vậy, các địa phương cần có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này”, bà Chi nói.

Thúy Hà
.
.
.