Lạm phát khó "bật" nhờ nguồn cung mạnh

Thứ Sáu, 08/04/2022, 09:01

Diễn biến của giá xăng dầu tăng tác động trực tiếp đến giá các hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, cục bộ tại một số địa bàn, với một số mặt hàng vẫn có thể sẽ phát sinh tình trạng lợi dụng diễn biến của giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa”.

Do vậy, để đảm bảo cung cầu hàng hóa và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp với mục tiêu cao nhất để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu.

Thị trường hàng hóa đang dần phục hồi trở lại

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Thời gian qua, giá xăng dầu tăng cao do những xung đột chính trị trên thế giới. Chưa kể, xăng dầu còn là đầu vào cho nhiều mặt hàng nên khi giá tăng, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá theo. Trong khi giá giảm, các mặt hàng khác chưa chắc đã giảm theo, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

lp-1649383316921.jpg
Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần trong những tháng tới.

Trên thực tế, từ giữa tháng 3 vừa qua, nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là rau xanh, thực phẩm chế biến sẵn đã tăng giá khá mạnh. Sức mua ở thời điểm hiện tại đã có dấu hiệu lạc quan hơn. Cụ thể, một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả và hàng tiêu dùng chế biến sẵn bắt đầu tăng theo giá xăng dầu.

Tăng mạnh nhất là mặt hàng dầu ăn, theo đó giá dầu ăn Meizan Gold trước giá 62.000 nghìn đồng/can 2 lít tăng lên 102.000 nghìn đồng/can; dầu ăn Simply từ 48.000-52.000 đồng/chai 1 lít nay đã lên tới 64.000-68.000 đồng/chai.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn… cũng tăng giá. Nhóm hàng hóa mỹ phẩm dù tăng thấp hơn nhưng cũng ở mức từ 2 - 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%. Các loại nguyên liệu pha chế, nước uống cũng cho biết từ giữa tháng 4 sẽ điều chỉnh giá bán với mức tăng 25% so với giá niêm yết hiện nay. Đáng chú ý là mức tăng trên được ghi nhận ở nhiều loại hàng hóa đã được giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1/2/2022. Trong khi đó, các mặt hàng khác như: thịt lợn, thịt gà, tôm, cá, gia vị… giá tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa tiêu dùng tương đối dồi dào.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 3, thị trường hàng hóa đang dần phục hồi trở lại như các tháng thông thường trước khi có dịch bệnh. Về cơ bản, nguồn cung nhiều loại hàng hóa luôn được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng và nguyên liệu kim loại, vật tư nông nghiệp giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ gia tăng tháng 3 đạt 438.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%). Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%, nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2%).

Theo Bộ Công Thương, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu. Tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu như: hàng lương thực, thực phẩm, vật phẩm văn hóa giáo dục và phương tiện đi lại (mức tăng từ 5,4-11%), trong khi các nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đều giảm (từ 3,6 - 4,9%). Xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu

Thời gian tới, mục tiêu đảm bảo nguồn cung và giá cả các mặt hàng thiết yếu là yêu cầu hàng đầu để góp phần ổn định đời sống cho người dân. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trước áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu, vừa qua, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình Bình ổn thị trường, ký kết với 69 doanh nghiệp bình ổn giá để cam kết giữ giá hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, ngoại trừ mặt hàng thịt và trứng sẽ có điều chỉnh giá thời gian tới, về cơ bản, hàng hóa sẽ được giữ giá ổn định. Ngoài ra, để tạo nguồn hàng đa dạng cho người dân, kết hợp với triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sắp tới, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa phải tìm giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh, chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng.

Đối với mặt hàng xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex cho biết, Petrolimex đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đàm phán để tăng nguồn nhập khẩu xăng dầu, bù đắp cho phần đang thiếu hụt. Petrolimex đã, đang và sẽ xây dựng những kịch bản chi tiết và thận trọng để làm sao cam kết thực hiện tốt vấn đề đảm bảo nguồn cung. Về nguồn cung, Petrolimex sẽ đảm bảo không để thiếu trong mọi tình huống.

Ngoài ra, Bộ Công thương đã vào cuộc, cùng với việc cam kết đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, bộ này đã giao cho lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra giám sát thị trường nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh, bất ổn chính trị trên thế giới để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, thu lời bất chính. Theo kết quả báo cáo sơ bộ của các cục quản lý thị trường địa phương, đến cuối tháng 3, tình hình kinh doanh xăng dầu cơ bản ổn định trở lại, các hiện tượng thiếu xăng dầu, đóng cửa không bán hàng trong giờ quy định giảm và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong công tác điều hành, quản lý giá cả từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ần nhiều yếu tố rất khó lường.

Lưu Hiệp
.
.
.