Lao động sang Nhật Bản vẫn chưa thể xuất cảnh: Đợi chờ trong lo lắng

Thứ Ba, 28/12/2021, 08:34

Đầu tháng 11, thông tin Nhật Bản cho phép lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam) được nhập cảnh là tin không thể vui hơn với cả chục nghìn lao động có nhu cầu đi làm việc tại Nhật Bản nhưng đang thấp thỏm chờ đợi do ảnh hưởng của dịch bệnh cả năm qua.

Thế nhưng chỉ vừa mở cửa chưa đầy 1 tháng, phía Nhật Bản đã lại đóng cửa do lo ngại sự lây lan của biến thể dịch bệnh mới. Người đã hoàn thiện hồ sơ, người thì đang hoàn thiện để sớm được bay lại rơi vào hụt hẫng. Tìm việc làm khác thì không đành vì mất bao công học hành, rồi các khoản chi phí, nhưng tiếp tục chờ thì mệt mỏi vì không biết đến bao giờ.

Mệt mỏi chờ đợi

Hoàn thành đào tạo từ tháng 8/2020, theo đúng lộ trình thì chị Nguyễn Thúy Lê (Hoài Đức, Hà Nội) sẽ xuất cảnh sang Nhật Bản theo đơn hàng đóng gói thực phẩm vào tháng 12/2020. Thế nhưng đúng thời điểm đó, trước sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 mới phía Nhật Bản lại đóng cửa biên giới. Từ đó đến nay, do sự ảnh hưởng liên tục của các làn sóng dịch mà việc xuất cảnh sang Nhật Bản của chị chưa thể thực hiện được.

“Chờ đợi ròng rã suốt một năm qua, thực sự là mệt mỏi. Visa hết hạn, tháng 11 vừa qua, công ty thông báo phía Nhật Bản đã cho phép nhập cảnh trở lại, yêu cầu hoàn thành thủ tục để xin cấp visa mới. Những tưởng mọi việc cuối cùng cũng suôn sẻ. Ai ngờ chỉ ít ngày sau lại nhận được thông tin chưa thể đi được vì phía Nhật Bản lại đóng cửa. Cả nhà ai cũng hụt hẫng, mọi thứ chỉ còn cách đúng một chuyến bay mà không biết lại phải tiếp tục chờ đợi đến bao giờ”, chị Thúy Lê chia sẻ.

Chị Thúy Lê cho biết thêm, gần 1 tháng nay, chán cảnh mỏi mòn chờ đợi, chị đã có ý định đi tìm một công việc khác nhưng nghĩ đến việc đã bỏ ra không ít công sức, chi phí để học hành, lo thủ tục nên cả nhà lại khuyên cố gắng chờ đợi thêm một thời gian nữa.

Cũng trong tâm trạng hụt hẫng, anh Lê Xuân Thắng (Trực Ninh, Nam Định) cho hay, gần 1 tháng nay anh cũng rơi vào cảnh mất ăn mất ngủ do lịch bay bị hoãn. Anh Thắng thi đỗ đơn hàng xây dựng sang Nhật Bản từ tháng 3/2020. Hoàn thành hết các khóa học và thủ tục, lịch bay của anh là tháng 9/2020. Cũng vì ảnh hưởng của COVID-19 mà trường hợp của anh bị kẹt lại từ đó đến nay.

“Vừa rồi tưởng sẽ thuận buồm xuôi gió, ai ngờ lại tiếp tục bị hoãn. Visa đã được cấp lại, vaccine cũng đã được tiêm đủ 2 mũi. Thật sự mệt mỏi. Chỉ mong dịch sớm được khống chế để sang đầu năm 2022 có thể đi được”, anh Thắng cho biết.

Nguyên nhân anh Thắng sốt ruột hơn những trường hợp khác theo chia sẻ là bởi anh sắp hết tuổi đi lao động theo quy định của Nhật Bản. “Tuổi của tôi chỉ còn khoảng 1 năm theo quy định. Chờ đợi gần 2 năm nay thật sự mệt mỏi, nhưng dịch dã thế này thì cũng không biết làm thế nào. Giờ bỏ ngang thì công sức học hành, chi phí bỏ ra cũng không ít nên cũng không đành. COVID-19 làm đảo lộn hết cả”, anh Thắng than thở.

Người dân ở khu tái định cư dự án cao tốc thiếu đất sản xuất -0
Lao động Việt Nam có nhu cầu sang Nhật Bản làm việc tiếp tục phải chờ đợi.

Doanh nghiệp cũng lỡ kế hoạch

Không chỉ người lao động hụt hẫng mà các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng lớn vì lịch bay bị hoãn khiến các kế hoạch bị hủy bỏ. Theo ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Lod, hiện nay công ty đang có hơn 1.000 lao động của các đơn hàng từ năm ngoái đến nay bị kẹt lại. Những tưởng Nhật Bản mở cửa cho lao động nhập cảnh đợt này sẽ giải quyết được những học viên này, thế nhưng giờ chưa biết bao giờ Nhật sẽ mở cửa trở lại.

“Ngay khi Nhật Bản thông báo mở cửa, nhiều học viên của chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ và đã được cấp visa, tư cách lưu trú. Những bất ngờ mọi kế hoạch lại phải dừng lại. Chúng tôi thật sự hiểu tâm lý của học viên hiện nay. Hai năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19, học viên thì mệt mỏi chờ đợi, còn chúng tôi thì cũng thiệt hại rất nhiều. Bên cạnh động viên, chia sẻ với người lao động, chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ chặt chẽ với các đối tác phía Nhật Bản để duy trì đơn hàng, tìm kiếm cơ hội bay sớm nhất cho người lao động khi chính phủ Nhật Bản cho phép nhập cảnh trở lại", ông Bình cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP cung ứng nhân lực quốc tế AC cho biết, hiểu và chia sẻ với người lao động nên mặc dù rất khó khăn, nhưng phía công ty vẫn hết sức tạo điều kiện hỗ trợ người lao động. Phía công ty sẽ lắng nghe ý kiến của người lao động để có sự hỗ trợ với từng trường hợp cụ thể nếu không tiếp tục tham gia chương trình hoặc vẫn có nguyện vọng sang Nhật. Vấn đề là hiện nay người lao động cần ổn định tâm lý bởi việc tạm dừng nhập cảnh vào Nhật Bản chỉ là ngắn hạn.

“Người lao động không nên quá lo lắng. Trong giai đoạn này, người lao động cần kiên định định hướng nghề nghiệp vì đó là mục tiêu dài hạn. Trong thời gian chờ đợi tập trung rèn luyện tiếng Nhật, kỹ năng để khi sang Nhật có thể hòa nhập, làm việc một cách tốt nhất”, ông Khoa cho hay.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản hiện nay đang có 55.000 lao động đang chờ bay. Trong đó có 7.600 lao động đã hết hạn visa, 28.000 người đã có tư cách lưu trú ở Nhật Bản đang chờ xin visa và còn 18.000 lao động đã trúng tuyển ở phía Việt Nam và đang học tập, đào tạo đợi thi trúng tuyển các đơn hàng.

Mục tiêu đặt ra hết năm 2021 sẽ được được 15.000 lao động trong số này xuất cảnh. Tuy nhiên, việc đưa lao động xuất cảnh còn phụ thuộc vào chính sách phòng, chống dịch từ phía nước bạn. Chính vì thế mục tiêu đưa lao động ra nước ngoài làm việc năm nay sẽ không thể đạt được như kỳ vọng.   

Phan Hoạt
.
.
.