Lo nợ xấu quay lại, ngân hàng đề xuất quy định quyền đòi nợ

Thứ Tư, 19/07/2023, 08:29

Hậu COVID-19, các tổ chức tín dụng đang đối mặt với những rủi ro trong quá trình cho khách hàng vay vốn. Vì vậy, nhiều ngân hàng mong muốn có được quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ.

Ngân hàng đối mặt rủi ro

Trong 1 thời gian ngắn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm, nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 1,0%/năm so với cuối năm 2022.

Lo nợ xấu quay lại, ngân hàng đề xuất quy định quyền đòi nợ -0
Các ngân hàng đề xuất giải pháp xử lý nợ xấu.

Với tác động của độ trễ chính sách, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Song song với đó, đến cuối tháng 6/2023, đã có trên 18,8 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ là gần 62,5 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

“Mặc dù sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang yếu, nhưng với sự "chia lửa" của ngành Ngân hàng thông qua triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tín dụng đang dần cải thiện. Đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin. Tuy nhiên, theo ông Tú, hiện điều hành chính sách tiền tệ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ.

Chia sẻ thực tế, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cho biết, các ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình, có những ngân hàng lớn qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ, bản thân VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ, mức giảm từ 2-3%. Các điều kiện để tăng thêm mức tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nền kinh tế nói chung, VPBank cùng các ngân hàng khác cũng đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng có nhiều vướng mắc không thể tự giải quyết được và rất cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành.

“Thứ nhất khi kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng thì có hỗ trợ không? Thực tế chính sách hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khỏe, trong khi toàn nền kinh tế có đến 70-80% doanh nghiệp đang gặp khó. Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan nhà nước về ban hành chính sách, chứ ngân hàng không thể là “kho tiền” để an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hãy để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép, khi khách hàng đang gặp khó khăn, không thể đáp ứng đầy đủ 100% điều kiện thì ngân hàng có thể chấp nhận nếu nhìn thấy tiềm năng trong tương lai. Để giảm lãi suất, gốc rễ không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường”, ông Vinh nói.

Tương tự, tại Agribank, Chủ tịch HĐTV Phạm Đức Ấn cho biết trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi như hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù NHNN đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. Thực tế tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm 30/6/2023 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn.

Ngân hàng muốn được bảo vệ quyền đòi nợ

Theo các ngân hàng, nợ xấu gia tăng ngoài việc khách hàng gặp khó khăn do COVID-19 thì việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ gặp nhiều vướng mắc cũng là một nguyên nhân quan trọng. Ngoài ra, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng. “Hiện ngân hàng cho vay cũng đang chịu nhiều rủi ro nhất, do đó cơ quan quản lý cũng cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ, ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ”, ông Vinh nói.

Tương tự, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB đề nghị Quốc hội và Chính phủ luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng triển khai thu hồi nợ an toàn, hiệu quả. Ngoài ra, lãnh đạo MB cũng kiến nghị cần xem xét cơ chế cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất, tạo điều kiện để ngân hàng xử lý nợ xấu đối với các dự án đang triển khai dở dang.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thì kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nghiên cứu xem xét trả vật chứng trong các vụ án hình sự để các ngân hàng xử lý phát mại, đấu giá kịp thời nhằm hạn chế tổn thất trong quá trình thu giữ. Tòa án nhân dân Tối cao chỉ đạo tòa án các cấp thống nhất hình thức xử lý tranh chấp liên quan đến chủ tài sản bảo đảm tạo tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp bộ, ngành liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ, ban hành hướng dẫn về định giá khoản nợ xấu, hình thành thị trường mua bán nợ. Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát những bản án thi hành còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu…

Hà An
.
.
.