Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc

Thứ Ba, 27/12/2022, 10:54

Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), trong tháng 11 vừa qua, để đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp đã nhập xăng dầu tăng 28,3% về lượng và tăng 33,4% về kim ngạch so với tháng trước đó, đạt 772.266 tấn, trị giá 742 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình 960 USD/tấn, giảm 37 USD/tấn với tháng 10/2022.

Tính chung 11 tháng, nhập khẩu xăng dầu đạt 7.894.890 tấn, trị giá 8,1 tỷ USD, tăng 23,8% về lượng và tăng 119,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc trong 11 tháng năm 2022, chiếm 36-37% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 2.878.895 tấn, trị giá 3,07 tỷ USD, tăng 101,1% về lượng và tăng 260,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 16% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu trong 11 tháng năm 2022, đạt 1.319.027 tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 95,8% về kim ngạch

Nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia đứng thứ ba, cũng chiếm hơn 16% tỷ trọng trong tổng lượng và 14,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập xăng dầu từ Thái Lan và Trung Quốc.

Năm 2022, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc -0
Hiện nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2023 diễn ra chiều 26/12, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu như: Chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường (đối với các thương nhân sản xuất); kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu; dự tính nhu cầu thị trường và thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu Quý IV cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Đến nay, sau khi thực hiện các giải pháp nêu trên, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Lưu Hiệp
.
.
.