Năm 2024, không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Thứ Năm, 04/01/2024, 06:36

Tại cuộc họp chiều 3/1 với đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các các doanh nghiệp lập kịch bản cung ứng xăng dầu theo tháng và hàng quý để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Tại cuộc họp, Bộ Công Thương đánh giá, việc cung ứng xăng dầu năm 2023 được đảm bảo, không xảy ra thiếu hụt.

Về tình hình cung ứng xăng dầu năm 2024, ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023.

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, năm 2024, Tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023 thì con số này tăng 12%, đối với mặt hàng dầu diesel Bộ Công Thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023. Ngay đầu tháng 1/2024, Tập đoàn đã chủ động tạo nguồn mua từ 2 nhà máy trong nước, cũng như nhập khẩu, với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân.

Năm 2024, nhu cầu xăng dầu có thể tăng đột biến, cần dựng kịch bản cung ứng xăng dầu theo tháng  -0
Dự báo nhu cầu xăng dầu trong nước sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến trong năm 2024.

Liên quan đến vấn đề thực hiện hạn mức tối thiểu kế hoạch phân giao, ông Trần Phú Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, năm 2024, doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch được phân giao.

Trước những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, cùng với việc dự báo nhu cầu xăng dầu trong nước sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kịch bản điều hành xăng dầu không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để xem xét kế hoạch điều hành cho những tháng tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, điều hành giá xăng dầu vừa theo cơ chế thị trường, vừa phải bảo đảm vai trò nhà nước trong việc quản lý điều tiết các mặt hàng này vì đây là mặt hàng ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhiệm vụ chung của các đơn vị là trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành.

Thực hiện nghiêm những chỉ đạo của cấp trên về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.

 Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành hữu quan và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành mặt hàng xăng dầu; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả những cơ chế đặc thù để bảo đảm trong mọi tình huống, không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu và không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, tình trạng khó hoạt động, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Trân Trân
.
.
.