Người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm

Thứ Sáu, 26/08/2022, 08:03

Đây là con số được đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” được tổ chức ngày 25/8.

Nguồn lực này đã không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, góp phần xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm -0
Lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh minh họa.

Hơn 1 triệu lượt người ra nước ngoài làm việc

Theo con số tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị, năm 2013 mới chỉ có 9 thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, đến nay đã mở rộng lên 25 thị trường tiếp nhận. Thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sẽ tiếp tục được mở rộng và phát triển thời gian tới, đặc biệt là hướng tới các thị trường có thu nhập cao. Số lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn này là hơn 1 triệu lượt người, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị. Con số này cho thấy đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã tạo việc làm cho khoảng từ 7 – 10% lực lượng lao động tăng thêm hằng năm.

Cùng với đó, quy mô tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022 đã có 451 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị. Một vấn đề quan trọng nữa được nhấn mạnh là người lao động làm việc ở nước ngoài đạt bình quân thu nhập 200 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân người lao động và chuyên gia mỗi năm gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị.

Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo con số của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có trên 65.000 người đang làm việc tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giai đoạn 2013 - 2022, Nghệ An đã đưa đi làm việc ở nước ngoài được 119.427 người lao động, 138 người chuyên gia. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thay da đổi thịt nhờ nguồn lực từ xuất khẩu lao động.

Cũng nằm trong số những địa phương có số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đứng đầu cả nước, bình quân mỗi năm Hà Tĩnh có trên 7.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc, số ngoại tệ gửi về đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Hạn chế những thị trường nhiều rủi ro

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, kết quả đạt được rất lớn nhưng 10 năm qua công tác đưa lao động, chuyên gia ra nước ngoài làm việc vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, hiện nay, công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ, chưa có sự gắn kết giữa hệ thống các cơ sở đào tạo nghề với tạo nguồn đi làm việc ở nước ngoài nên chất lượng lao động chưa đồng đều, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp.

Công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời. Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm. Công tác bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn chưa tốt. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Do đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới cần phải tiếp tục được hoàn thiện như: tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động này; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và văn hóa cho người lao động…

Một trong những vấn đề “nóng” nữa liên quan đến việc lao động ra nước ngoài làm việc hiện nay là tình trạng lao động vi phạm pháp luật hoặc bỏ trốn, ảnh hưởng đến uy tín và quan hệ lao động của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tồn tại này là do một số địa bàn đưa người đi lao động rất đông nhưng còn thiếu sự quản lý chặt chẽ nên để xảy ra việc vi phạm pháp luật hoặc bỏ trốn. Thế nên các địa phương cần quan tâm chăm lo “đầu vào, đầu ra”, quan tâm việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và kỹ năng cho người lao động.

Lao động Việt Nam tại Đài Loan được tăng lương cơ bản

Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa thông tin về các quy định mới liên quan đến doanh nghiệp dịch vụ và người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan. Theo đó, Đài Loan đã thông báo về việc tăng lương cơ bản cho lao động làm việc tại gia đình (giúp việc gia đình) và điều chỉnh một số nội dung của phương án nhập cảnh Đài Loan dành cho lao động nước ngoài. Cụ thể, từ ngày 10/8/2022, tăng mức lương cơ bản của người lao động làm việc tại gia đình (khán hộ công và giúp việc gia đình) từ 17.000 Đài tệ lên 20.000 Đài tệ/tháng. Mức lương này được áp dụng đối với các trường hợp người lao động được tuyển dụng mới hoặc chuyển chủ. Đối với lao động gia đình đã làm việc đủ 3 năm và đủ 6 năm cho cùng một chủ sử dụng thì đề nghị chủ sử dụng xem xét chi trả mức lương cơ bản tương ứng 21.000 và 22.000 Đài tệ/tháng khi hai bên ký gia hạn hợp đồng.

P.H

Phan Hoạt
.
.
.