Nhiều cảnh báo về hàng hoá nông sản tại thị trường xuất khẩu

Thứ Ba, 18/07/2023, 07:59

Nhiều thị trường xuất khẩu (XK) lớn của nông sản hiện nay đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, các chất cấm... đặc biệt là các thị trường như: Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Mỹ… khiến không ít lô hàng XK của doanh nghiệp (DN) bị trả về do vi phạm các quy định cuả nước nhập khẩu (NK).

Hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho DN, mà còn ảnh hưởng cả ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam. Do đó, chuẩn hóa sản xuất theo đúng quy định của nhà NK là yêu cầu bắt buộc với hàng XK.

Nhiều cảnh báo về hàng hoá nông sản tại thị trường xuất khẩu -0
Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của nước ngoài để tránh rủi ro. Ảnh minh họa: TTXVN

Văn phòng SPS (thuộc Bộ NN&PTNT) đã gửi Công văn đến Cục BVTV nêu thông báo của Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đối với sản phẩm ớt đỏ khô của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP). Đó là lô hàng ớt khô của Công ty TNHH Long Thành (Hải Dương) có mức dư lượng tricyclazole từ 0,02 - 0,04 mg/kg, vượt mức cho phép của Hàn Quốc là 0,01 mg/kg. Trước đó, tình trạng quả ớt bị phát hiện do tồn dư thuốc BVTV cũng đã từng xảy ra đối với thị trường Trung Quốc, Malaysia.

Trước đó, thị trường EU cũng cảnh báo về một số sản phẩm mì ăn liền XK cuả DN Việt có chứa chất cấm ethylene oxide (EO) vượt ngưỡng quy định của EU. Vì vậy, để được XK sang thị trường này, mì ăn liền bị giám sát dư lượng EO và phải có giấy chứng nhận ATTP. Ngoài mì ăn liền, một số nông sản khác của Việt Nam như rau quả tươi, gạo… cũng thuộc nhóm hàng chịu kiểm tra gắt gao khi XK vào thị trường EU. Một số sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra. Ngoài kiểm tra tại cửa khẩu đối với các lô hàng mới, cơ quan ATTP của các nước sẽ lấy mẫu kiểm tra trên thị trường với các lô hàng cũ. Nếu sản phẩm vi phạm dư lượng, DN nhập khẩu và phân phối bắt buộc phải thông tin việc thu hồi rộng rãi.

Với thị trường Trung Quốc, ông Lương Văn Tài - Tùy viên Thương mại - Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cũng thông tin: Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất tại thị trường Trung Quốc. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại. Các lỗi bị cảnh báo gồm: Chất lượng, ATVSTP (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh); chứng nhận, thủ tục giấy tờ kèm theo hàng hóa không đầy đủ (thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép NK);  tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu NK...

Nhiều cảnh báo về hàng hoá nông sản tại thị trường xuất khẩu -0
Các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ðể tăng kim ngạch XK tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Như trái thanh long, ngoài yêu cầu về chất lượng, ATVSTP theo quy định, các DN XK cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này. Mặc dù Trung Quốc là quốc gia NK thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, NK của nước này giảm dần do Trung Quốc sản xuất được thanh long. Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch XK thanh long, thì người sản xuất và DN phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm. Tương tự, với sản phẩm tiềm năng là sầu riêng, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung, nên DN Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành, và giữ uy tín sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Chân - Trưởng phòng Thực phẩm, Công ty TÜV SÜD Việt Nam cũng khẳng định, rào cản kỹ thuật đối với nông sản thực phẩm như: các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn và chứng nhận chất lượng, mức dư lượng cho phép thuốc thú y - thuốc BVTV, yêu cầu ghi nhận và đóng gói - truy xuất nguồn gốc… là những yêu cầu mà các quốc gia NK đặt ra. Với thị trường EU, hàng hóa của DN Việt Nam XK sang thị trường này hay gặp nhất là quy định về vệ sinh và kiểm dịch động thực vật SPS, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, dư lượng thuốc thú y. Đặc biệt, hiện có thêm quy định mới đó là kiểm soát các chất gây ô nhiễm trong thực phẩm. Cụ thể, đó là những chất sinh ra trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, các chất nhiễm từ môi trường, nhiễm từ bao bì thực phẩm. Với thị trường Mỹ, quy định về kỹ thuật với Luật Kiểm định thực vật 2000, Luật Hiện đại hóa ATTP… Thay vì kiểm tra sản phẩm cuối cùng, thì họ yêu cầu quản lý theo dõi chuỗi, từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói , dán nhãn, vận chuyển đến việc đưa sản phẩm đến NTD. Tương tự EU, thị trường Mỹ cũng có quy định về thuốc BVTV,  thuốc thú y, dư lượng các chất gây ô nhiễm và các yêu cầu về bao bì đóng gói.

Cũng theo bà Chân, mặc dù đáp ứng các biện pháp kỹ thuật của các thị trường khó tính sẽ khiến chi phí tăng cao, thị trường tiếp cận bị hạn chế, gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để XK bền vững thì buộc DN phải tuân thủ những yêu cầu mà nước NK đưa ra, khi đó sản phẩm cuả DN Việt sẽ đồng bộ hơn về chất lượng, mang tính cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Đặc biệt, DNXK ý thức hơn về việc đoàn kết, phát huy sức mạnh để vượt qua hàng rào phi thuế quan, thì tỷ lệ hàng bị trả về sẽ giảm đáng kể. Bởi, khi một lô hàng của DN bị trả về, thì không chỉ có DN XK lô hàng đó bị ảnh hưởng mà toàn ngành cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch XK hàng năm. Để triển khai tốt thị trường XK, ông Lương Văn Tài khuyên các DN: Cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn nước NK và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng, ATVSTP. Đồng thời, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Thúy Hà
.
.
.