Nhộn nhạo phân bón giả ở miền Tây Nam Bộ

Thứ Hai, 05/09/2022, 07:09

Lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ đã kiểm tra, phát hiện hàng loạt cơ sở, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng (hàng giả).

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Trà Vinh vừa tống đạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Trang (Công ty Yên Trang, có địa chỉ tại tỉnh Long An), với số tiền gần 70 triệu đồng về hành vi vi phạm trong lĩnh vực phân bón.

1.jpg -0
Lực lượng Quản lý thị trường và Công an TP Cần Thơ kiểm tra cơ sở kinh doanh ở huyện Cờ Đỏ, phát hiện lô phân bón không đạt chất lượng.

Trước đó, ngày 15/7, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng An ninh kinh tế và Công an huyện Cầu Kè phát hiện ôtô tải BKS 51C- 644.45 vận chuyển phân bón có dấu hiệu vi phạm. Phương tiện do Lê Quốc An (SN 1988, ngụ xã Bình Phú, huyện Càng Long) điều khiển vận chuyển 18 tấn phân bón các loại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. An khai nhận số lượng phân bón trên là của Công ty Yên Trang vận chuyển về xã Phong Phú. Công ty có các hành vi vi phạm như: Buôn bán phân bón hết hạn sử dụng, không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; buôn bán hàng hóa (phân bón) có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Tương tự, Đội QLTT số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Đồng Tháp đã kiểm tra cửa hàng vật tư nông nghiệp ở xã Phương Trà (huyện Cao Lãnh). Cửa hàng đang kinh doanh phân bón cũng do Công ty Yên Trang sản xuất. Trên nhãn hàng hóa có chữ viết và thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa. Đội QLTT số 2 đã hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, sau đó xử phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng, buộc thu hồi hàng hoá (khoảng 4 tấn) và loại bỏ chữ viết, thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá.

Cục QLTT tỉnh Kiên Giang cũng đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc buôn bán phân bón giả sang cơ quan Công an tiến hành điều tra. Điển hình, ngày 13/6, Đội QLTT số 3 kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh ở xã Vĩnh Điều (huyện Giang Thành) và lấy mẫu phân bón gửi phân tích. Kết quả thử nghiệm tất cả các chỉ tiêu đăng ký đều không đạt chất lượng. Đội QLTT số 3 xác định lô phân bón trên là hàng giả nên làm việc với chủ cơ sở và lập biên bản. Hành vi vi phạm của chủ cơ sở có dấu hiệu tội phạm buôn bán hàng giả nên vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

Cùng về hành vi trên, Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Gò Công Tây (tỉnh Tiền Giang) kiểm tra 3 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Đoàn kiểm tra lấy 6 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng, phát hiện 3 mẫu không đạt. Đối với 2 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng, Đội QLTT số 4 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, còn mẫu phân bón giả có dấu hiệu tội phạm nên chuyển hồ sơ sang Công an huyện Gò Công Tây điều tra.

Mới đây, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Cần Thơ đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ). Qua kiểm tra địa điểm kinh doanh và kho hàng, đoàn kiểm tra phát hiện 10 sản phẩm phân bón có nhãn hàng hóa vi phạm quy định pháp luật. Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu của 2 lô sản phẩm phân bón để kiểm tra chất lượng, kết quả đều không đạt chất lượng. Cục QLTT TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt chủ cơ sở 5 hành vi vi phạm, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón trong thời hạn 2 tháng.

Hoạt động buôn bán phân bón giả tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ ngày càng tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh. Qua công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở, hộ kinh doanh, lực lượng chức năng liên tục phát hiện hàng giả là phân bón hoặc hàng kém chất lượng. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn trên thị trường, các đối tượng có thủ đoạn rất tinh vi.

Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với QLTT, cơ quan Công an, thanh tra thường xuyên và đột xuất, phát hiện ở một số nơi sản xuất phân bón giả. Các doanh nghiệp thường chọn vùng sâu, vùng xa, tổ chức sản xuất vào các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Còn theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, vì lợi nhuận, một số đại lý sẵn sàng tiếp tay cho hàng giả ra thị trường. Các cơ quan quản lý cần tập trung xử lý câu chuyện phân bón giả không chỉ từ đầu nguồn sản xuất, mà còn từ hệ thống phân phối các đại lý.

Văn Vĩnh
.
.
.