Nhộn nhịp xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Ba, 20/02/2024, 08:18

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều lô hàng hải sản tươi sống, đông lạnh và hoa quả được xuất khẩu (XK) thuận lợi sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Đây là kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng nông sản trong năm 2024.

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, từ ngày 18/2, các cửa khẩu trên tuyến biên giới Lạng Sơn gồm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu liên vận ga quốc tế Đồng Đăng (huyện Cao Lộc); cửa khẩu song phương Chi Ma (huyện Lộc Bình); cửa khẩu phụ Tân Thanh, cửa khẩu Cốc Nam, cửa khẩu Na Hình (huyện Văn Lãng) và cửa khẩu phụ Nà Nưa (huyện Tràng Định) bắt đầu thực hiện thông quan hàng hóa bình thường sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

58e7f60c-mg622820240219094346.jpg -0
Xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt qua lối mở cầu phao Km3+4 Hải Yên.

Trong đó, XK nông sản sang Trung Quốc trong những ngày đầu năm nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, từ ngày 8 - 14/2, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục thông quan cho 826 phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu của tỉnh. Trong đó có 585 phương tiện vận chuyển hàng XK và 241 phương tiện vận chuyển hàng nhập khẩu. Trong 7 ngày nghỉ Tết, các đơn vị hải quan cửa khẩu đã giải quyết thủ tục cho gần 13.000 tấn nông sản và hoa quả của Việt Nam XK sang thị trường Trung Quốc.

Ông Triệu Văn Hanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, hiện một số địa phương các tỉnh phía Nam bắt đầu vào vào vụ thu hoạch một số loại nông sản như: Thanh long, xoài, sầu riêng, mít, dưa hấu…, vì vậy, từ ngày 14/2 đến nay, lượng phương tiện vận chuyển hoa quả XK di chuyển về cửa khẩu Tân Thanh bắt đầu tăng mạnh.

Bình quân mỗi ngày Hải quan Tân Thanh tiếp nhận và giải quyết thủ tục thông quan từ 220 đến 280 xe hàng nông sản XK. "Từ ngày 14/2, lượng phương tiện vận chuyển hoa quả XK lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn bắt đầu tăng mạnh để phục vụ nhu cầu thị trường Trung Quốc trong dịp rằm tháng Giêng. Lực lượng tại các cửa khẩu, nhất là tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Chi Ma tổ chức tăng ca, tăng giờ làm để thông quan các xe chở hàng hoa quả một cách nhanh nhất", đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay.

Tại Móng Cái, ngày 18/2, 123 phương tiện chở 1.078 tấn hải sản tươi sống, đông lạnh và hoa quả được XK, thông quan trở lại thuận lợi, nhanh chóng qua Lối mở Cầu phao Km3+4 Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là tín hiệu vui báo hiệu những thuận lợi trong hoạt động XNK ngay từ những ngày đầu năm mới. Trước đó, ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết Giáp Thìn), cửa khẩu cầu Bắc Luân II (TP Móng Cái) đã thông quan trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Lực lượng chức năng tại đây đã làm thủ tục XK gần 60 tấn hải sản tươi sống (bao gồm tôm hùm, cua biển) đối với 10 phương tiện vận tải thuộc 9 tờ khai, tổng kim ngạch là trên 781.000 USD.

Đáng chú ý là trước đó, Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thống nhất kế hoạch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 cho cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) là tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 đến hết ngày 17/2 (tức từ mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng) tại khu vực Cửa khẩu cầu Bắc Luân II và tại Cặp chợ biên giới Đông Hưng (Trung Quốc) - Lối mở Km3+4 Hải Yên, Móng Cái (Việt Nam). Tuy nhiên, sau khi trao đổi giữa các cơ quan chức năng hai bên, phía Trung Quốc đã quyết định cho thông quan hàng hóa nhập khẩu vào nước này từ ngày 12/2. Những hàng hóa này chủ yếu là hàng tươi sống của Việt Nam.

Tại tỉnh Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong dịp Tết vừa qua, có tới 61 doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai thông quan hàng hoá, tăng gấp nhiều lần so với Tết năm trước, trong đó phần lớn doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan XNK đối với các loại hàng hóa nông sản. Chỉ tính riêng trong 5 ngày Tết Nguyên đán (từ 10-2/2024), tổng kim ngạch XNK qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành đạt xấp xỉ 13 triệu USD, tăng gấp hơn 3,5 lần so với dịp nghỉ Tết năm 2023.

Trong số đó, giá trị XK chiếm tới trên 90%, đạt kim ngạch 12,2 triệu USD, tăng 319% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng XK chủ yếu là các loại trái cây như: Thanh long, sầu riêng, dưa hấu, bưởi, mít, chôm chôm, xoài, chuối... Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là các loại rau, củ, quả như cải bắp, cải thảo, táo, lê, nho, quýt, cam... đạt giá trị kim ngạch trên 681.000 USD, tăng 4,3% so với kỳ nghỉ Tết năm trước. Ngoài ra, giá trị XNK, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tháng 1/2024 đạt gần 183 triệu USD. Tỉnh Lào Cai đã đặt ra mục tiêu phấn đấu giá trị kim ngạch XNK qua các cửa khẩu của Lào Cai năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết, theo dự báo trong những ngày tới, lượng hàng hóa đến các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn ngày càng tăng. Để hàng hóa được XK nhanh chóng, lực lượng chức năng đã chỉ đạo các đơn vị cửa khẩu triển khai các biện pháp như: Tổ chức tăng ca, tăng giờ làm, phối hợp với các lực lượng chức năng phân luồng giao thông... tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa một cách nhanh nhất.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tiếp đà tăng mạnh trong năm 2023, XK hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan, ước tính, trị giá XK hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt 510 triệu USD, tăng 24,9% so với tháng 12/2023 và tăng 112,1% so với tháng 1/2023. Đây là kết quả tích cực trong tháng đầu năm là tín hiệu tốt cho ngành hàng rau quả trong năm 2024.

Dự kiến trị giá XK hàng rau quả trong năm 2024 đạt khoảng 6 tỷ đến 6,5 tỷ USD. Những yếu tố chính thúc đẩy ngành rau quả có thể đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2024 bao gồm: Nhu cầu tại thị trường XK hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn ở mức cao, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được XK chính ngạch sang thị trường này. Trái cây Việt Nam có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt là ở các thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế của trái cây Việt Nam, điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành rau quả.

Lưu Hiệp
.
.
.