Những giải pháp để tăng kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu

Chủ Nhật, 16/04/2023, 08:37

Xuất khẩu (XK) lẫn tiêu dùng nội địa trong 3 tháng đầu năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã sụt giảm và bất ổn. Vì vậy, cả DN lẫn người tiêu dùng (NTD) đều rất cần những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng…

Doanh thu bán lẻ 3 tháng đầu năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt gần 164.000 tỉ đồng (tăng 9,1% so với cùng kỳ). Trong đó doanh thu mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn đến 20,4%. Sức mua tiêu dùng tăng, nhưng xu hướng tăng không bền vững do giỏ hàng hóa bị mất cân đối, chỉ tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, trong khi các mặt hàng khác bị cắt giảm mạnh.

Những giải pháp để tăng kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu -0
Người tiêu dùng hiện đang thắt chặt chi tiêu, ưu tiên mua các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Xu hướng tăng này phần lớn tập trung vào các hệ thống phân phối hiện đại như: MM Mega Market Việt Nam, tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 14,8%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Giám đốc thu mua MM Mega Market Việt Nam cho biết, mặc dù đạt mức tăng trưởng nhưng các giỏ hàng đang bị hụt đi khoảng 10% nếu nhìn về tổng thể, do NTD chỉ dành tiền cho sản phẩm thiết yếu. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, sức mua trong quý 1/2023 tăng 10% so với cùng kỳ, đây là tín hiệu vui nhưng chưa ổn định do sức mua tăng mạnh trong tháng Tết. Vì thế, đơn vị cũng chưa thể dự đoán được mãi lực trong quý tới.

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, hầu hết tiểu thương đều than phiền về tình trạng buôn bán ế ẩm. Tại An Đông Plaza sức mua giảm đến 60% - 80% so với trước dịch COVID -19. Trong tháng 3 vừa qua, các tiểu thương An Đông Plaza đồng loạt đề nghị Ban quản lý  giảm giá thuê sạp, để hỗ trợ phần nào khó khăn của tiểu thương. Tương tự, nhiều mặt bằng ở các tuyến đường lớn cũng treo bảng "cho thuê lại" hoặc "trả mặt bằng"… do sức mua ngày càng ảm đạm.

Ông Nguyễn Thái Hùng - Phó phòng Tài chính - Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: "Xét về cơ cấu doanh thu bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh trong quý 1/2023 cho thấy, trong đó doanh thu mặt hàng lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng rất lớn đến 20,4%, nên chúng tôi tập trung vào chương trình bình ổn thị trường (BOTT) và những chương trình kích cầu tiêu dùng".

Hệ thống MM Mega Market Việt Nam, có hơn 40 mặt hàng tươi sống có mức giá tốt như chợ đầu mối, nhờ thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi, theo mô hình khép kín "từ trang trại đến bàn ăn". Đặc biệt, có 37 DN sản xuất cam kết không tăng giá đối với hơn 500 sản phẩm thiết yếu trong thời gian tới (ít nhất trong năm 2023); Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) cũng giảm 40% nhiều sản phẩm và giảm 20% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không thuộc chương trình BOTT, đồng thời liên kết 30 DN đưa sản phẩm OCOP đến NTD. Tương tự, Bách hoá Xanh, Saigon Co.op, hệ thống Big C và GO... cũng triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ khó khăn với NTD.

So với năm 2022, hàng hóa trong chương trình BOTT năm 2023 có bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: bột, thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, súp dinh dưỡng đóng gói, đặc sản vùng miền… Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2022, lượng hàng BOTT năm 2023 tăng 3% - 5% so năm 2022; chiếm từ 23% - 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25% - 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường. Về giá bán, thấp hơn tối thiểu 5% so với giá sản phẩm cùng chủng loại.

Cũng theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tháng 6/2023 tới đây, thành phố tổ chức chương trình khuyến mại tập trung "Mùa mua sắm năm 2023". Dự kiến, sẽ có hàng nghìn sản phẩm được giảm giá, khuyến mãi sâu kỳ vọng tạo động lực mới kích cầu tiêu dùng cho ngành thương mại dịch vụ của thành phố.

Trong quý I/2023  XK của TP Hồ Chí Minh đạt 10,1 tỷ USD, giảm sâu 16,8% do 2 nguyên nhân chính, đó là đơn hàng XK và giá XK đều giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của DN xu hướng XK trong quý II có triển vọng tăng trưởng tốt hơn so với những tháng đầu năm. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh dẫn chứng: Nếu trong quý I có gần 50% DN đánh giá sản xuất, kinh doanh khó khăn, thì trong quý II có 37% DN đánh giá xu hướng tốt lên và hơn 36% đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định.

UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương xây dựng chương trình tổng thể về xúc tiền đầu tư và du lịch, gắn với việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh TP Hồ Chí Minh. Đó là giải pháp lâu dài. Tuy nhiên, còn giải pháp trước mắt cần phải làm ngay, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ: Sở Công thương sẽ tổ chức hội chợ XK liên kết các DN, mục đích là giúp DN tìm kiếm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu ổn định; kết nối DN với ngân hàng...

Đây là lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn và hội chợ XK và sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 25 - 28/5/2023, với chủ đề "Liên kết mạnh, XK xanh". Hội chợ sẽ có 250 gian hàng, 7 ngành nghề XK chủ lực (nông sản, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; thủy hải sản; dệt may, giày da, túi xách; thực phẩm & đồ uống; điện tử, cơ khí nhựa, hóa chất) với  hơn 200 DN Việt Nam và Quốc tế, dự kiến hơn 8.000 khách tham quan. Đây là điểm đến của các DN trong và ngoài nước, gắn kết các DN xuất khẩu với nhau. Đặc biệt, các DN sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 12 triệu đồng/gian hàng.

Thúy Hà
.
.
.