Thách thức từ giao dịch trên mạng "chớp nhoáng và vô hình"

Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:51

Theo Sách trắng thương mại điện tử (TMĐT), dự kiến đến năm 2025, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam sẽ đạt mức 35 tỷ USD, tương đương với việc mỗi người dân sẽ chi tiêu khoảng 600 USD/năm thông qua mua sắm online.

Điều này cho thấy, Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về phát triển TMĐT với tốc độ tăng trưởng thuộc Top 3 trong khu vực Ðông Nam Á. Tuy nhiên,  thời gian qua đã có nhiều vi phạm thông qua hoạt động kinh doanh TMĐT, đặt ra nhiều thách thức trong kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trả phí để quảng cáo hàng giả, hàng nhái

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Lạng Sơn cho biết, vi phạm kinh doanh trong TMĐT trên địa bàn Lạng Sơn có chiều hướng gia tăng. Trong tháng 7/2022, Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra, phát hiện 6 vụ việc vi phạm thông qua hình thức TMĐT faceboook, zalo… Các vi phạm chủ yếu là vi phạm về bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Các mặt hàng được phát hiện vi phạm qua TMĐT bao gồm thực phẩm chức năng, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng tân dược…

Thách thức từ giao dịch trên mạng
Lực lượng chức năng phát hiện hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ được kinh doanh trên mạng xã hội.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 24 vụ việc. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 330.500.000 đồng. Thời gian tới, Cục QLTT Lạng Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Trong khi đó, ngày 3/8, thông qua công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên nền tảng facebook, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp) phối hợp với Công an TP Sa Đéc tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh thuốc lá điện tử VAPE S.Đ, địa chỉ đường Nguyễn Tất Thành, khóm Tân Thuận, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, đồng thời hộ này kinh doanh qua mạng xã hội facebook với tên “Vape Sa Đéc”. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hộ kinh doanh nêu trên đang bày bán máy hút thuốc lá điện tử có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc với số lượng 58 cái, tổng trị giá là 20.250.000 đồng. Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng hóa đang kinh doanh theo quy định.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hàng hóa giới thiệu trên các website bán hàng trực tuyến, mạng xã hội, sàn TMĐT, ứng dụng bán hàng rất phong phú, đa dạng với hàng nghìn chủng loại sản phẩm, nhiều hình thức dịch vụ giao nhận, thanh toán khác nhau.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cũng cho biết thêm, thời gian gần đây, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn. Đáng lưu ý, nếu như trước đây TMĐT chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… Thậm chí, nhiều shop còn trả phí cho Facebook, Google để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cũng chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để vừa cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên Internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; vừa thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn.

“Đây là nguyên nhân khiến gian lận TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn các hành vi vận chuyển, kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT nói riêng”, ông Lê cho hay.

Thống kê cho thấy, tính đến đầu tháng 7/2022, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 45 vụ việc, xử lý 42 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng với hành vi vi phạm chủ yếu kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Tăng cường sự phối hợp

Để nâng cao hiệu quả quản lý tại sàn TMĐT, ông Vũ Anh, Giám đốc chiến lược sàn TMĐT Vỏ Sò cho rằng, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn phải làm rõ mã số thuế, thông tin của doanh nghiệp, chụp ảnh chứng minh thư... để xác minh thông tin từ người bán.

Trước thực tế này, ông Trần Hữu Linh cho biết, Tổng cục QLTT đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác về TMĐT. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc Tổng cục trưởng trong QLTT về TMĐT. Đồng thời tại các Cục QLTT địa phương cũng thành lập Tổ công tác về TMĐT; chủ trì thành lập Đoàn theo dõi tình hình thi hành pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch TMĐT, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Cùng đó, các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện.

“Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh; thẩm quyền của lực lượng không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan Công an. Các đối tượng kinh doanh hàng hóa vi phạm thường có quy mô nhỏ lẻ nên rất khó phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm”, ông Trần Hữu Linh cho hay.

Cùng với đó, các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát. Một số đối tượng lập các website TMĐT, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.                 

Lưu Hiệp
.
.
.