Thị trường mua bán và sáp nhập Việt Nam "giữ chân" nhà đầu tư ngoại

Thứ Bảy, 26/03/2022, 07:59

Năm 2021 đã chứng kiến những con số ấn tượng của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) cả nước khi theo số liệu từ Bộ Xây dựng, lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt hơn 31 tỷ USD và phần lớn trong số vốn này được đầu tư vào dự án qua hình thức M&A.

Xét về các yếu tố vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng một cách ổn định và bền vững so với các quốc gia trong khu vực. Theo Focus Economics, Việt Nam sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay và kéo dài sang năm 2023. Tiếp đó là cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông phát triển giúp hàng hóa lưu thông.

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chính thức thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay, trị giá gần 350 nghìn tỷ đồng.Trong đó, hơn 100 nghìn tỷ đồng được đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng. Điều này đóng vai trò như một động lực "lan tỏa", mang lại nhiều cơ hội phát triển sang các khu vực vệ tinh. Từ đó, các doanh nghiệp FDI có thể mở rộng quy mô đầu tư. Ngoài ra, đặc điểm dân cư cũng là một yếu tố đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của nguồn vốn ngoại.

Thị trường mua bán và sáp nhập Việt Nam
Hoạt động mua bán, sáp nhập dự án BĐS trở lên sôi động nhờ vốn FDI.

Bên cạnh đó, sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước đóng vai trò tiên quyết giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.Đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động. Những giải pháp này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; cơ cấu lại nợ; giãn, hoãn, miễn giải tiền thuế…

Song hành cùng các chính sách kinh tế, chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng được triển khai nhanh chóng.Nhờ việc đẩy mạnh tốc độ và quy mô tiêm chủng, Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới.Đây là cơ sở để các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam.

Bà Lê Thị Phương Lan, một chuyên gia về tư vấn đầu tư cho DN nước ngoài chia sẻ: "Bước sang những tháng đầu năm 2022, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tình hình hoạt động M&A tích cực. Đặc biệt, ngành kinh doanh BĐS xếp thứ 2 khi thu về tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn FDI đăng ký. Những con số này đã phần nào khẳng định nhu cầu và kỳ vọng của các doanh nghiệp ngoại trong việc phát triển các dự án BĐS tại Việt Nam".

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống luật pháp về đất đai vẫn còn tương đối phức tạp. Điều này gây ra những ách tắc, lãng phí hiện chưa tìm được hướng giải quyết.Về cấu trúc giao dịch, đa số nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn triển khai việc liên doanh.

Theo mô hình này, họ nắm chủ yếu quyền đưa ra quyết định, còn nhà đầu tư nội hỗ trợ về mặt pháp lý của dự án. Tuy vậy, do sự khác biệt trong tập quán kinh doanh cũng như hệ thống luật pháp, việc đàm phán giữa hai bên trở nên mất thời gian và đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn ở giai đoạn hậu M&A. Ngoài ra, người mua và người bán đang có cách tiếp cận định giá khác nhau, tạo ra những khác biệt về mức giá kỳ vọng của dự án. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc đàm phán để tìm được mức giá phù hợp giữa hai bên.

Mặc dù thị trường BĐS sở hữu nhiều trợ lực để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, song những hạn chế trong hệ thống pháp lý cũng như cách thức doanh nghiệp trong nước tiếp cận M&A sẽ kiềm chế khả năng chuyển đổi của các giao dịch. Đặc biệt, trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư được phép tự do di chuyển, đây là thời điểm vàng để thị trường "giữ chân" làn sóng thương mại đang dịch chuyển vào Việt Nam.

Đ.Thắng
.
.
.