Trái phiếu thường rủi ro hơn sản phẩm tiết kiệm ngân hàng

Thứ Tư, 16/11/2022, 07:56

Đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị TPDN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua TPDN.

Nghịch lý: phát hành giảm, mua trước hạn lớn

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết 10 tháng đầu năm 2022, khối lượng phát hành TPDN đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Cụ thể, quý I là đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỷ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỷ đồng, tháng 10/2022 là 5,8 nghìn tỷ đồng); trong đó 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, các TCTD là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%.

Đáng chú ý, trong khi lượng phát hành ngày càng giảm thì khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021 (101.851 tỷ đồng); trong đó các TCTD mua lại 65.939 tỷ đồng, tiếp theo là nhóm bất động sản (31.406 tỷ đồng) và thương mại, dịch vụ (10.742 tỷ đồng). Được biết, giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là 282,16 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 362,9 nghìn tỷ đồng.

Đối với trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 21,4 nghìn tỷ đồng (99,6% có tài sản đảm bảo) và TCTD là 15,6 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 10,6 nghìn tỷ đồng. Đối với năm 2023, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản là 119,1 nghìn tỷ đồng, các TCTD là 57,5 nghìn tỷ đồng.

Về tình hình hoạt động của thị trường TPDN và khả năng thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, do lãi suất tăng nhanh nên doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu. Thứ 2, việc triển khai các quy định mới của pháp luật, về ngắn hạn làm giảm cầu đầu tư do giảm nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thứ 3, tâm lý thị trường sau các vụ việc xử lý vi phạm thời gian vừa qua, một số báo đăng tin không đúng sự thật gây tâm lý tiêu cực, việc thanh kiểm tra tập trung vào mục đích sử dụng vốn làm doanh nghiệp e ngại.

“Thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, khi khối lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và số lượng nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc gây mất niềm tin thị trường như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và TPDN bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm”, Bộ Tài chính nhận định.

Trái phiếu thường rủi ro hơn sản phẩm tiết kiệm ngân hàng -0
Nhà đầu tư cần thận trọng phân tích khi mua TPDN. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp phải đảm bảo nghĩa vụ theo cam kết

Trước những khó khăn của thị trường, cũng như đối với hiện tượng ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, Bộ Tài chính đã có những khuyến nghị dành cho các bên tham gia thị trường. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu, cũng như thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

"Các doanh nghiệp có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu. Trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp; trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Riêng đối với các nhà đầu tư, Bộ Tài chính khuyến nghị TPDN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua TPDN. Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

“Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt. Khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu. Nhà đầu tư cần nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp; lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ”, đại diện Bộ Tài chính cho biết và tái khẳng định việc các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu; các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành...

Chia sẻ về công tác quản lý giám sát, Bộ Tài chính cho biết từ năm 2021 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc vi phạm lớn và sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra từ nay đến cuối năm. Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp về tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Hà An
.
.
.