Triệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng

Thứ Hai, 13/09/2021, 08:11

Dịch COVID-19 bùng phát đã dẫn tới sự đứt gãy chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu cũng như có thể dẫn đến suy yếu nền kinh tế nước ta.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (DN) và ban hành Nghị quyết số 105 ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế thích ứng an toàn với dịch bệnh cả trước mắt và lâu dài.

"Cứu" chuỗi cung ứng, bảo vệ nền sản xuất

Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội, nên việc tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, lao động thiếu hụt, nguồn lực tài chính cạn kiệt, chuỗi cung ứng dần bị đứt gãy… khiến không ít DN phía Nam phải đóng cửa, do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Số DN may mắn hơn thì sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, khó chồng khó khi DN tiếp tục đau đầu với việc chi phí kho vận, logistic... bị đội lên quá cao. Giá cước vận tải biển tăng phi mã khiến cho nhiều đơn hàng xuất khẩu không chạy kịp tiến độ. DN đứng trước nguy cơ đánh mất đối tác xuất khẩu vào tay các đối thủ.

Ông Guru Mallikarijuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết, thách thức của DN, nhà máy đang gặp phải đó là việc di chuyển, đi lại của người dân, công nhân; chưa có đầy đủ hướng dẫn hàng hóa thiết yếu. Hay việc triển khai chính sách "3 tại chỗ", "1 tuyến đường, 2 điểm đến" khiến DN gặp rất nhiều khó khăn, do chi phí cao cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của nhân viên như công nhân sẽ muốn về nhà sau thời gian dài làm việc tại nhà máy.

Triệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng -0
Mô hình 3 tại chỗ được các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện. Ảnh: CTV.

Theo khảo sát mới nhất của EuroCham về chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) đang đạt ngưỡng thấp nhất trong hơn một thập kỷ, đạt 15,2 điểm. Đa số DN (76%) có kết quả kinh doanh không tốt trong kỳ 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2021. Trong đó, 29% cho biết kết quả kinh doanh của họ "rất tệ". Trong 3 tháng tới, đa số DN dự đoán kết quả kinh doanh của họ sẽ chỉ khá hơn một chút, tuy nhiên nhìn chung vẫn sẽ ở mức không tốt. Tác nhân ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh của các DN là hạn chế về mặt vận tải và cung ứng (71%) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất đến sản xuất kinh doanh.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy sẽ gây ra hệ lụy lớn đối với cộng đồng DN do ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, để "cứu" chuỗi cung ứng cần có sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành và DN. Sự vào cuộc tháo gỡ những "nút thắt" trong cung ứng sẽ giúp DN hồi phục sản xuất.

Trước thực trạng này, mới đây, Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã kiến nghị bổ sung quy tắc vận tải an toàn, đề xuất ưu tiên tiêm phòng cho lao động lái xe, lao động đang thực hiện công tác tại cảng, kho, bãi, khai báo hải quan; tạo thuận lợi, hỗ trợ trong việc miễn, giảm thủ tục cấp QR code, giấy phép đi đường…

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành tăng cường hoạt động phối hợp hành động, kịp thời tiếp thu, phản ánh của các địa phương, DN để cấp bách có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN, giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa được thông suốt. Bên cạnh đó, Bộ chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường kết nối hệ thống phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt

Để ổn định lại sản xuất, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cùng các nhà lãnh đạo DN châu Âu cho rằng, cần phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine diện rộng của Việt Nam; đảm bảo sự lưu thông tự do của hàng hóa; đi lại thuận tiện hơn cho người lao động; rút ngắn thời gian cách ly cho các chủ DN, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vaccine trở lại Việt Nam làm việc; đảm bảo các nhà máy và công ty có thể hoạt động trở lại càng sớm càng tốt; sống chung với virus để duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo vệ sinh kế.

Để hỗ trợ DN, phục hồi sản xuất, tại Nghị quyết số 105, Chính phủ đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN "vượt" dịch COVID-19. Trong đó, quyết liệt chống dịch COVID-19 đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng, chống COVID-19 tới các đối tượng ưu tiên tiêm; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong đó, Bộ GTVT hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất "luồng xanh" vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa thông suốt, nhanh chóng và thuận lợi. Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống cũng như nguyên liệu sản xuất. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, không để đứt gãy sản xuất.

"Đánh giá đầy đủ khả năng của DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc áp dụng mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến", "3 tại chỗ" và "3 cùng" để có mô hình áp dụng phù hợp. Triệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, Bộ GTVT xem xét chính sách giá dịch vụ hoạt động hàng không nhằm hỗ trợ các hãng hàng không trong giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 cũng như niêm yết giá công khai, minh bạch các loại giá cước vận tải tránh tình trạng tăng cước bất hợp lý" - Nghị định nêu rõ.

Triệt để tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng -0
Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nắm giữ chuỗi cung ứng.

Để sống chung an toàn với dịch, TS. Lê Duy Bình cho rằng, trước hết DN cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp đó là: Phòng, chống dịch hiệu quả tại nơi làm việc, nơi sản xuất, đây là giải pháp tiên quyết duy trì kế hoạch phục hồi, sản xuất, kinh doanh; tìm những nhóm giải pháp lưu chuyển hàng hóa an toàn và nhóm giải pháp can thiệp hành chính, phương diện quản lý của chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch, nhằm tạo thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, DN cũng cần chủ động lập kế hoạch, sắp xếp các đơn hàng xuất khẩu và linh hoạt trao đổi để giữ "chân" các đối tác nhập khẩu. Về lâu dài, bản thân DN cũng cần có chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nắm giữ chuỗi cung ứng, tạo lập được vị trí vững chắc trong chuỗi cung ứng và thích ứng nhanh với những biến cố xảy ra trong môi trường kinh doanh.

Lưu Hiệp
.
.
.