Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản

Chủ Nhật, 12/03/2023, 09:45

FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt, tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)  trong 1 - 2 năm tới, 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này đúng với câu nói của người Việt Nam "đất lành, chim đậu". Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm tới môi trường đầu tư của Việt Nam khi mà các "đại bàng" đã tới đầu tư và mở rộng sản xuất đầu tư tại đây.

Triển vọng kinh doanh được cải thiện

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), về đầu tư, đến nay Nhật Bản có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

1669558538532-4.jpeg -0
68,5% doanh nghiệp FDI cho rằng Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với các nước khác nên họ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam.

Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Theo JETRO, mặc dù kinh tế năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tin rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh cải thiện vẫn đạt 53,6%. Về phương hướng kinh doanh trong 1-2 năm tới, có 60% số DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Các DN Nhật Bản đánh giá, thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao, DN có thể tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường, tăng xuất khẩu. Cũng có 56,5% các DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam được khảo sát dự định xem xét lại chuỗi cung ứng và hệ thống thu mua.

Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản đã hợp tác với Vinamilk chính thức khởi công Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo, dự án có tổng quy mô đầu tư 3.000 tỷ đồng. Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo là dự án được triển khai đầu tiên theo biên bản ghi nhớ có tổng giá trị 500 triệu USD được kí kết giữa Vinamilk, Vilico cùng tập đoàn Sojitz và tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối năm 2021 để phát triển ngành chăn nuôi, chế biến thịt bò công nghệ Nhật Bản tại Việt Nam. Đây cũng là bản ghi nhớ có giá trị hợp tác lớn nhất đã được DN 2 nước ký kết tại Nhật Bản với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2021.

Ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sojitz Nhật Bản cho biết, đây là dự án tiềm năng và trọng điểm tại Việt Nam của tập đoàn trong ít nhất 5 đến 10 năm tới. Với những hỗ trợ từ các cấp chính quyền của tỉnh Vĩnh Phúc, việc triển khai thực hiện dự án "Chăn nuôi, chế biến thịt bò tại huyện Tam Đảo" đã thực hiện rất thuận lợi. "Chúng tôi kỳ vọng sẽ xây dựng bò Tam Đảo thành một thương hiệu, như đặc sản bò địa phương của Nhật Bản. Thông qua việc xây dựng thương hiệu này sẽ xây dựng được một tài sản vô hình và hữu hình mang lại giá trị cao cho bò Tam Đảo và người dân nơi đây", ông Masayoshi Fujimoto nói.

Tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản

Tại hội nghị "Xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023", vừa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trong tháng 3/2023, đại diện một số DN cho rằng, Việt Nam là thị trường lớn và Vĩnh Phúc cũng có điều kiện thuận lợi, nếu có các nguồn sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chí thì DN Nhật Bản mong muốn được hợp tác với Vĩnh Phúc để thành lập các chuỗi sản xuất ở một số ngành nghề thuộc tiềm năng, thế mạnh. Cùng với tổ hợp dự án được triển khai, nhiều nhà đầu tư cũng đã quan tâm và tới Việt Nam để tìm hiểu thông tin, kỳ vọng tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ở góc độ địa phương, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Dự án Vinabeef Tam Đảo là dự án nông nghiệp công nghệ cao có vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến nay và được đầu tư xây dựng bởi các tập đoàn hàng đầu của hai nước. Hiện, Vĩnh Phúc đã và đang có những "đại bàng" trong lĩnh vực điện tử, ôtô, xe máy và gần đây là nông nghiệp công nghệ cao. Với tiềm lực sẵn có, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi, hợp pháp để giúp các DN triển khai các dự án tại địa phương thuận lợi, hiệu quả. Trong thời gian tới, Vĩnh Phúc rất kỳ vọng các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục lựa chọn Việt Nam nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng là điểm đến để đầu tư…

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như tiềm năng, cơ hội trong đầu tư đối với các DN, đặc biệt là DN Nhật Bản. AEON vẫn đang tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam. Đến nay, AEON đã có mạng lưới kinh doanh với 6 trung tâm thương mại, siêu thị, 138 cửa hàng tiện lợi, 2 trung tâm phân phối cấp vùng, 1 trang thương mại điện tử ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng DN Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc. Tại hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: "Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam".    

Lưu Hiệp
.
.
.