Giấc mơ những cánh buồm trên sông Hàn

Thứ Ba, 22/08/2017, 12:55
Không biết tự bao giờ và cũng chẳng thể tỏ tường ai là tác giả câu nói “rất thơ”, để rồi truyền khẩu từ bao đời nay trong lòng người xứ Quảng: “Sông không lạnh, lại gọi sông Hàn. Cửa không chờ mà kêu Cửa Đợi” (Cửa Đợi tức Cửa Đại, Hội An). 



Trộm nghĩ, hẳn câu nói này xuất phát tự trong tim của một người yêu mảnh đất “yết hầu miền Thuận Quảng” rất da diết, mới có một nỗi niềm ưu tư, khắc khoải đến như thế. 

Ưu tư trước một dòng Hàn giang nước trong xanh biếc lững lờ trôi ra biển lớn, đời sông không già như đời người, nhưng những biến cố, thăng trầm của lịch sử đất Đàng Trong vẫn như soi mãi vào mặt sông, dẫu cho con tạo xoay vần năm tháng. Ưu tư trước Cửa Đại, nơi gặp gỡ của dòng sông Thiêng – Thu Bồn và biển cả, qua rồi một thời cảng thị giao thương sầm uất…     

Đã có không ít nhà sử học dày công nghiên cứu cho rằng, tên gọi sông Hàn là do vào đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 (1490), nhà vua định lại bản đồ 13 xứ Thừa Tuyên; trong đó xứ Thừa Tuyên Thuận Hóa định ra 10 cửa biển để tàu, thuyền ngư dân và thương nhân trú ẩn trong mùa mưa bão.

Hàn môn là cửa biển rộng lớn có núi Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, hòn Hành, hòn Chảo che chắn bên ngoài, còn bên trong là vũng nước có thể cho hàng trăm tàu, thuyền đậu tránh bão… 

Dòng sông ghi dấu trên hành trình mở mang bờ cõi Đại Việt về phương Nam, vua Lê Thánh Tông đã phóng bút viết bài thơ lưu truyền hậu thế “Hải Vân hải môn lữ thứ”, ví như một con rồng uốn mình vươn ra vịnh Đà Nẵng, cùng với sông Cu Đê, tạo thành hình thế “song long nhiễu nguyệt”. 

“Tam canh dạ tĩnh đồng long nguyệt”, câu thơ để người đời sau còn nhớ vị quân vương nhà Lê, cũng là một thi nhân từng ngắm cảnh sông Hàn. Và sau đó, cửa Hàn (Hàn môn) đã cho dòng sông tên gọi…

Người xưa đã đo chiều dài Hàn giang khoảng 7,2km và công bố rộng rãi trong thiên hạ. Nghĩa là điểm bắt đầu của sông Hàn ở ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn; nơi gặp gỡ của các con sông: Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cò, rồi chảy ra cửa biển mà thành. 

Người Đà Nẵng ngày nay đều tự hào, sông Hàn như dải lụa xanh mềm mại vắt ngang qua “thành phố đáng sống” - một đô thị lâu đời nhưng đang vươn lên với sức trẻ của thời hiện tại…

Nhưng, có thể rất ít người biết rõ ngọn nguồn con nước sông Hàn chảy về từ đỉnh núi Ngọc Linh trong dãy Trường Sơn hùng vỹ, quanh năm mây mù bao phủ. Từ đỉnh núi Ngọc Linh, với độ cao gần 2.600m so với mực nước biển, khởi nguyên một dòng nước chảy qua đại ngàn xanh thẳm, quanh co ôm ấp bồi đắp phù sa màu mỡ cho bao làng mạc, ruộng đồng để rồi cuối cùng đổ ra Cửa Đại. Ấy là dòng sông Thiêng – Thu Bồn. 

Nước nguồn xuất phát từ đỉnh Ngọc Linh chảy về sườn núi phía Đông, với nhiều tên gọi những dòng sông khác nhau để rồi hình thành nên sông Thu Bồn, khi đến thị trấn Vĩnh Điện, lại san sẻ một phần nước vào sông Vĩnh Điện để chảy về “thành phố đáng sống” ra tận Cửa Hàn…  

Đà Nẵng đã trải qua 8 kỳ thi trình diễn pháo hoa trên sông Hàn. Những cuộc thi pháo hoa, phần lớn chủ đề gắn với dòng sông mà đôi bờ lắng đọng bao trầm tích phù sa lịch sử. Nào là “Âm vang sông Hàn”, “Huyền thoại sông Hàn”. Nào là “Lung linh sông Hàn”, “Tình yêu sông Hàn”… 

Những màn pháo hoa tuyệt đỉnh của các đội thi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, hội tụ về “thành phố đáng sống” đã tô màu sóng nước sông Hàn về đêm càng cho vẻ đẹp lung linh, huyền ảo.

Nhưng, du khách ngày nay đến với Đà Nẵng cũng chỉ để thăm thú, vui chơi và… tắm biển. Chính quyền và người dân thành phố bên bờ sông Hàn thơ mộng tự hào về một đô thị mới, với sức trẻ trung, đã mở về phía biển, đến tận chân từng con sóng. 

Đoàn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2015-2016 diễu hành trên sông Hàn. ảnh: Thanh Lộc.

Tự hào vì Đà Nẵng có một bãi biển đẹp nhất hành tinh do tạp chí kinh tế danh tiếng Forbes của Mỹ bầu chọn vào năm 2013. Còn dường như du lịch sông nước đang dần bồi lắng như giấc mơ cổ tích khơi thông Lộ cảnh giang, nối dòng sông Hàn về với phố cổ Hội An… 

Sau sự cố chìm tàu du lịch Thảo Vân trên sông Hàn cách đây hơn một năm về trước, đã có doanh nghiệp đưa ra ý tưởng xã hội hóa, đầu tư hàng tỷ đồng để đóng những con tàu du lịch hiện đại, chở khách thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông Hàn. Ý tưởng tuyệt vời nhưng rồi cũng rơi vào khoảng lặng…

Một khi Lộ cảnh giang được khơi thông, du khách có thể lên những con tàu du lịch hiện đại trên sông Hàn mà ngược dòng thưởng ngoạn đôi bờ phố Hàn thời nay, hay chiêm ngưỡng 6 cây cầu hiện đại, kỳ vĩ nối liền đôi bờ Tây – Đông Đà Nẵng; thăm thú thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, ngắm nhìn những làng chài bãi ngang trên đường vào phố cổ Hội An.

Rồi cũng bằng những con tàu du lịch này, du khách có thể theo đường thủy về tới Vĩnh Điện, Điện Bàn thăm lại dinh trấn Thanh Chiêm, lỵ sở xứ Đàng Trong, cũng là một trong những chiếc nôi chữ Quốc ngữ;.

Từ dòng sông Hàn, du khách về với đôi bờ thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn, cũng là dịp để “Về nguồn” thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những căn cứ cách mạng một thời đánh giặc cứu nước. Có bao lớp người ngã xuống vì nền độc lập tư do cho dân tộc và giờ đây đã mồ yên, mả đẹp trong những nghĩa trang liệt sĩ trên những miền đất ven bờ con nước chảy về từ đỉnh núi Ngọc Linh.

Và, hy vọng giấc mơ về những cánh buồm trên sông Hàn có một ngày hóa thành hiện thực… 

Đà Nẵng, 8/2017

Long Vân
.
.
.