Hà Nội rầm rộ tái hiện Tết xưa:

Phát huy văn hóa truyền thống, trở về nguồn cội

Thứ Hai, 20/01/2020, 08:22
Chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại Hà Nội diễn ra hàng loạt chương trình đón Tết, vui Tết truyền thống quy mô lớn, không chỉ mang đậm phong tục tập quán của người dân Hà Thành xưa mà còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhiều khu vực như phố cổ Hà Nội luôn ken chật người dân và du khách. Người tham dự được đắm mình trong không gian văn hóa Tết truyền thống quen thuộc nhưng cũng lạ mắt hơn, hiện đại hơn và đa dạng hơn.

Trẻ em thích thú xem gói bánh chưng cùng nghệ nhân ngày Tết.

Những ngày này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội là địa chỉ thu hút đông đảo người yêu mến văn hóa truyền thống của đồng bằng Bắc bộ. Cùng với sự hiện diện của khá nhiều nghệ nhân đến từ Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, dịp này, du khách, đặc biệt là các trẻ em có dịp hòa mình và trải nghiệm vô số hoạt động, phong tục, tập quán của các địa phương trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. 

Trong đó, hoạt động mặc định không thể thiếu trong dịp này là tục dựng cây nêu, viết thư pháp. Người yêu văn hóa xứ Kinh Bắc có dịp trải nghiệm in tranh Đông Hồ, nặn tò he và tô vẽ tranh 12 con giáp. Với quê lúa Thái Bình, đó là một loạt các “đặc sản” văn hóa truyền thống như trình diễn chèo cổ, pháo đất, gói bánh chưng… 

Riêng trong hai ngày mùng 4, 5 Tết, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam gần như được dành trọn cho vùng quê lúa này với hàng loạt hoạt động đặc sắc “Vui Xuân Canh Tý: Sắc thái văn hóa Thái Bình”. Vùng đất địa linh nhân kiệt, mang trong mình nhiều giá trị văn hoá truyền thống này được chuyển tải qua nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật, dân ca, dân vũ. Đó là làn điệu chèo cổ ngọt ngào của nghệ nhân làng Khuốc. 

Tiết mục trình nghề tứ dân giúp công chúng tìm hiểu xã hội xưa với các thành phần nghề sĩ, nông, công, thương. Sự tích  ông Đùng bà Đà, bà Chúa Muối từng khá quen thuộc với người Việt qua nhiều thế hệ được các nghệ nhân tái hiện trên sân khấu. 

Trải nghiệm làm pháo đất và thưởng thức tiếng nổ vang rộn trong sự cổ vũ hò reo của mọi người, các tích trò múa rối dí dỏm, sôi động; thanh âm náo nhiệt của tiếng trống, chiêng rộn ràng qua tiết mục múa tứ linh với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu cho Phúc - Lộc - Thọ tới muôn nhà dễ khiến người xem “lạc” trở về với Tết xưa.

Tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, cùng với việc tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân”, chuỗi hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Nét bút ngày Xuân” cũng thu hút đông đảo người dân và du khách. Dự kiến chuỗi hoạt động sẽ diễn ra đến hết ngày 2-2 (mùng  9 Tết). 

Khách ghé Hoàng Thành dịp này không chỉ được đắm mình trong các không gian chợ Tết, trò chơi dân gian ngày Tết mà còn là không gian trưng bày nhà Nho với văn phòng tứ bảo “giấy, mực, bút, nghiên” cùng nhiều câu đối mang ý nghĩa sâu sắc, gửi gắm mong muốn về những điều tốt lành, thịnh vượng trong năm mới. 

Đặc biệt, hàng loạt tư liệu lịch sử, diễn giải khái quát về các vị vua anh minh, những triều đại nối tiếp nhau tạo nên kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử cũng được trưng bày, giới thiệu đến công chúng qua hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng – vương triều, uy quyền”.

Khu phố cổ những ngày cuối năm cũng đặc biệt tấp nập. Đây cũng là địa chỉ tái hiện Tết Hà Thành xưa đậm nét nhất trong những ngày đón Tết cổ truyền năm 2020 qua chuỗi hoạt động tái hiện nghi lễ đón Tết của các dòng họ lâu đời ở Hà Nội. 

Văn hóa truyền thống hiện diện đậm đặc qua các không gian Tết xưa, các hoạt động diễn xướng dân gian như hát, múa cửa Đình, hát Xoan, múa Bồng, hát Chèo, hát Văn hay trưng bày, giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng…

Được biết, để có được các chuỗi hoạt động nói trên phục vụ người dân và du khách, Ban tổ chức đều dày công chuẩn bị hàng tháng trời trước đó. Với chuỗi hoạt động “Tết Phố” trên phố cổ Hà Thành, ngoài Ban quản lý di tích phố cổ thì sự chung tay góp sức của nhiều tổ chức, cá nhân khác. 

Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Đình Làng Việt thì những nội dung phong phú, đặc sắc mà nhóm giới thiệu đến người dân và du khách tham gia “Tết Phố” năm nay là thành quả chung của nhiều nhóm và cá nhân khác trong một khoảng thời gian khá dài trước Tết. Các hoạt động được tổ chức theo phương thức xã hội hóa. Đóng góp sức lực hay vật lực đều tùy tâm nhưng Ban tổ chức nhận được sự hưởng ứng khá tích cực từ cộng đồng.

Thực tế, phần lớn các hoạt động đều chỉ mang tính trình diễn, thậm chí sân khấu hóa. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân và du khách đều cho rằng, trong xã hội hiện đại như hiện nay, khi văn hóa truyền thống đang mai một, nhiều nghi thức cổ đã biến mất khỏi không gian văn hóa lễ hội thì việc tổ chức được các không gian tái hiện Tết xưa trong những dịp như thế này đã là đáng quý.

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng chia sẻ:  Việc tổ chức các chuỗi hoạt động tái hiện Tết xưa không chỉ phục vụ nhu cầu vui xuân, đón Tết của người dân và du khách mà còn giúp công chúng có thêm cơ hội khám phá nhiều nét văn hóa truyền thống ngày Tết đặc trưng của các vùng miền bằng trải nghiệm thực tế. 

Đây cũng là cơ hội để chủ thể văn hóa – các nghệ nhân tự giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của tộc người mình. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua các thế hệ.

N.Nguyễn
.
.
.