Tạc tượng gỗ dân gian - nét sinh hoạt văn hóa độc đáo đồng bào Tây Nguyên

Thứ Hai, 13/03/2017, 17:19

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017, Hội thi tạc tượng gỗ dân gian - một nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tây Nguyên đã thu hút sự chú ý của du khách thập phương.


Những pho tượng gỗ đều mang lối điêu khắc đơn giản, mộc mạc, như: “Người phụ nữ bồng con”, “Người đàn ông vác rìu” hay các loại chim muông, hoa lá... là sự mô tả chân thực về cuộc sống nương rẫy, săn bắn, tập tục, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các tộc người ở Tây Nguyên.

Bằng những công cụ thô sơ như rìu, dao, đục...mà những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác, dưới đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của những người nghệ nhân đã trở thành những vật có hồn. Mỗi tác phẩm đều mang một cảm xúc, dáng vẻ khác nhau, vừa ẩn chứa hồn thiêng như toát lên cốt cách, núi rừng Tây Nguyên. Không chỉ dừng lại ở đó, những pho tượng còn là những tác phẩm mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nghề thủ công độc đáo, chứa đựng giá trị truyền thống vô cùng quí giá cần được gìn giữ, khôi phục và phát huy.

Điều đặc biệt ở nét sinh hoạt văn hóa độc đáo này là các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc.

Hội thi tạc tượng gỗ dân gian cũng là dịp để các nghệ nhân của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nhau. Qua đó, góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói riêng, của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Sau đây là một số hình ảnh ghi lại tại hội thi:


Tượng gỗ được đặt nhiều tại các nhà sàn, nhà mồ của đồng bào Tây Nguyên tạo nên vẻ đẹp hoang sơ ở vùng đất này


Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc

Bằng những công cụ thô sơ như rìu, dao, đục...mà những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác, dưới đôi tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú của những người nghệ nhân đã trở thành những vật có hồn
Văn Thành
.
.
.