Hướng tới sự công bằng trong liên kết xuất bản

Thứ Bảy, 30/09/2023, 08:21

Gần 20 năm được luật hóa ở Việt Nam, liên kết xuất bản đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản, tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Thực tế cho thấy một nghịch lý là các công ty sách ngày càng lớn mạnh, trong khi các nhà xuất bản (NXB) sống chủ yếu vào việc bán giấy phép.

Cần thống nhất khung quản lý phí xuất bản phẩm

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay 100% các NXB có thực hiện việc liên kết xuất bản, trong đó có 32/57 NXB có tỷ lệ liên kết cao (trên 70% tổng số xuất bản phẩm của NXB). Nếu năm 2004, cả nước mới xuất bản được khoảng 24.000 đầu sách, 250 triệu bản thì đến năm 2022, toàn ngành đã xuất bản được trên 38.000 đầu sách với 530 triệu bản, đưa mức bình quân sách/người/năm từ 2,1 bản (năm 2004) lên 5,3 bản (năm 2022)… Thế nhưng, đằng sau những con số thống kê đầy khởi sắc này lại diễn ra một thực tế đáng buồn, đó là hàng chục NXB có tỷ lệ liên kết trên 70% vẫn “đói”.

Hướng tới sự công bằng trong liên kết xuất bản -0
Thực tế cho thấy hoạt động liên kết xuất bản đang diễn ra nhiều nghịch lý. Ảnh minh hoạ

Là người có nhiều năm trong ngành Xuất bản, ông Lê Thanh Hà, Tổng Biên tập NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận định, hiện nay nhiều NXB không tự tổ chức được bản thảo mà bản thảo do các đối tác liên kết tự tổ chức (họ mua bản thảo, tự thiết kế, dàn trang, vẽ hình…) nên bộ phận dàn trang, vẽ hình của NXB không có hoặc dần biến mất. NXB đã mất đi khả năng tổ chức bản thảo. Do đó, NXB chỉ còn khâu biên tập và một bộ phận văn phòng làm các thủ tục xuất bản. Trong điều kiện này, NXB đã thu “khoán” cả gói cho mỗi đầu sách một khoản tiền nào đó.

“Ban đầu việc thu “khoán” này cũng khá nhưng sau đó các NXB cạnh tranh quyết liệt với nhau nên giá cứ giảm dần, cho đến lúc chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng cho một tờ giấy phép. Với nguồn thu ngày càng teo tóp, nhiều thủ tục xuất bản bị rút gọn, dẫn tới quy trình xuất bản không được đảm bảo. Sai phạm sách trong thời gian qua chủ yếu rơi vào tình trạng này. Vài năm qua, tình hình xuất bản có khá lên do các cơ quan chức năng siết các thủ tục xuất bản nên phí xuất bản từ hoạt động liên kết có tăng lên nhưng vẫn nằm chủ yếu khoảng 2 – 3 triệu đồng, đôi khi cũng có quyển lên đến 5 – 6 triệu đồng nếu sách có nhiều trang, khổ lớn… Việc thu phí thế này vừa ít, vừa thể hiện năng lực yếu kém của các NXB và vô hình trung NXB đã trở thành nơi bán giấy phép, bán giấy A4 có đóng dấu NXB mà thôi”, ông Hà trăn trở.

Có một bất cập đang diễn ra là mỗi NXB quy định một mức giá bán giấy phép khác nhau gây mâu thuẫn rất lớn giữa việc nâng cao chất lượng xuất bản phẩm với bài toán kinh tế. Ông Phạm Minh Phúc, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Khoa học xã hội cho hay, quy trình cấp giấy phép của NXB Khoa học xã hội rất chặt chẽ nên tốn rất nhiều công sức của các bộ phận chuyên môn và kéo theo đơn giá dịch vụ liên kết xuất bản tăng lên. Khi đó các đơn vị liên kết sẽ mang bản thảo đến NXB khác với mức giá rẻ hơn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Phạm Minh Phúc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định giá sàn đối với các công việc liên quan đến liên kết xuất bản, đặc biệt là đơn giá biên tập, duyệt nội dung xuất bản đối với từng loại sách. Đồng quan điểm đó, bà Ngô Thu Phương, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học cho rằng, hoạt động liên kết xuất bản hiện nay có nhiều tiêu cực là do không có quy định thống nhất về khung quản lý phí xuất bản phẩm, dẫn đến tình trạng một số nhà xuất bản thu phí quá thấp hoặc quá cao, không tương xứng với mức thù lao trí tuệ nói chung, làm nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh.

Phải cùng nhau phát triển

Chia sẻ tại Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả của liên kết xuất bản” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, nhiều NXB vẫn đang phải chật vật với bài toán liên kết xuất bản, đó là lợi nhuận thu về thì ít mà trách nhiệm thì nhiều. Các NXB đang “treo” sinh mệnh chính trị của mình lên những cuốn sách. Các NXB phải chịu trách nhiệm rất lớn nếu “vấp” phải những cuốn sách có nội dung “xấu”. “Lẽ ra các đơn vị phải suy nghĩ nhiều hơn đến việc nâng cao chất lượng của sách nói riêng, của ngành Xuất bản nói chung thì lại đang bị chết chìm trong vấn đề cơm áo gạo tiền”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm băn khoăn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, đã đến lúc cần phải thẳng thắn nhìn lại hoạt động liên kết xuất bản mà việc đầu tiên là công khai các con số thống kê, từ đó phản ánh rõ thực trạng của bức tranh liên kết xuất bản hiện nay. “Tôi mong muốn trong việc liên kết xuất bản, cả hai bên đều phải cùng lớn mạnh chứ không thể chỉ có một bên khỏe mạnh còn bên kia thì ngược lại. Bộ không phân biệt NXB với đơn vị làm sách nhưng chỉ có điều chúng tôi muốn câu chuyện liên kết xuất bản sòng phẳng hơn, công bằng hơn. Về phía quản lý nhà nước, chúng tôi coi đây là một hướng đi khác, bên cạnh hướng đi là chỉ có quản. Nếu không thúc đẩy phát triển được thì quản không lại nhiều ý nghĩa”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm bộc bạch.

Có thể nói, liên kết xuất bản là vấn đề rất “nóng” của ngành Xuất bản hiện nay. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, về phía Bộ Thông tin – Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành cần sớm có giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và đặc thù để đưa một chủ trương đúng đắn của Đảng được thực thi trong cuộc sống một cách hiệu quả, để mối liên kết giữa NXB với đơn vị liên kết thực sự lâu dài, bền chặt và cùng nhau phát triển. Có như vậy văn hóa đọc mới được thúc đẩy và sự tiếp nhận tri thức của bạn đọc mới được dễ dàng, thuận lợi.

Ngô Khiêm
.
.
.