Khi sự chú ý dồn sang các tay vợt nữ

Thứ Năm, 06/10/2022, 08:19

Cầu lông Việt Nam đã trải qua những thời khắc đáng nhớ trong tuần qua khi chứng kiến tay vợt Nguyễn Thùy Linh lần đầu vô địch giải Vietnam open (Việt Nam mở rộng) năm 2022 ở thành phố Hồ Chí Minh.

Thành công của Thùy Linh cùng một số tay vợt nữ ở giải đấu này cũng như trong thời gian qua cho thấy các tay vợt nữ đang ngày càng thu hút sự chú ý, thay vì dành cho các tay vợt nam, đặc biệt là Nguyễn Tiến Minh như những năm trước.

Những thành tích ấn tượng

Thành tích của các tay vợt Việt Nam từ đầu năm đến nay tại các giải đấu quốc tế mang nhiều màu sắc tươi tắn với sự vươn lên ổn định của các tay vợt nữ.

nguyễn thùy linh.jpg -0
Tay vợt Nguyễn Thùy Linh đăng quang ở giải Việt Nam mở rộng năm 2022.

Như ở giải cầu lông Việt Nam mở rộng năm 2022 vừa qua, hàng loạt cột mốc đã được xác lập. Tại vòng tứ kết, lần đầu có tới 4 tay vợt Việt Nam giành quyền thi đấu; đến vòng bán kết, lần đầu có 3 tay vợt Việt Nam góp mặt. Và đến trận chung kết ghi nhận cuộc lên ngôi đầy thuyết phục của Nguyễn Thùy Linh. Đó đều là những cột mốc đáng nhớ của cầu lông Việt Nam ở giải đấu vốn được xem là quá sức với nhiều tay vợt Việt Nam. Ngay Nguyễn Tiến Minh vốn tài năng là vậy nhưng cũng chưa từng lên ngôi vô địch ở giải đấu giàu truyền thống này.

Thực sự, trước giải đấu này, Nguyễn Tiến Minh vẫn là cái tên thu hút nhiều sự chú ý nhất trong số các tay vợt Việt Nam dự giải. Đó là điều bình thường kể cả khi các tay vợt nữ Việt Nam đã có tiến bộ. Nhưng rồi sau khi Tiến Minh sớm bị loại thì thành công của các tay vợt nữ vẫn thu hút đông đảo khán giả tới theo dõi giải đấu và đỉnh điểm là trận chung kết đơn nữ, nơi Nguyễn Thùy Linh đã vượt qua tay vợt người Malaysia Goh Jin Wei. Cũng nhờ đó, Nguyễn Thùy Linh trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên vô địch giải đấu.

Thành công của Nguyễn Thùy Linh khiến người ta nhớ đến hàng loạt thành công trong thời gian qua của cầu lông nữ Việt Nam tại các giải đấu quốc tế. Các giải này ở cấp độ thấp trong làng cầu lông chuyên nghiệp thế giới nhưng cũng chưa bao giờ dễ dàng với các tay vợt Việt Nam vào những năm trước. Ngoài thành công ở giải Việt Nam mở rộng, hồi giữa tháng 9, Nguyễn Thùy Linh từng lên ngôi vô địch giải Bỉ mở rộng sau khi vượt qua tay vợt người Nhật Bản Hirari Mizui ở trận chung kết.

Trước đó, tay vợt trẻ Vũ Thị Anh Thư đến từ thành phố Hồ Chí Minh cũng gây ấn tượng với 2 chức vô địch ở giải Nouvelle-Aquitaine (Pháp) và giải Croatia mở rộng năm 2022. Có lẽ năm 2022 chưa kết thúc nhưng cũng là năm mà cầu lông Việt Nam giành được nhiều chức vô địch cá nhân ở các giải quốc tế nhất với 4 chức vô địch (2 của Nguyễn Thùy Linh, 2 của Vũ Thị Anh Thư).

Rõ ràng, chức vô địch ở các giải đấu quốc tế đã mang đến hiệu ứng tích cực cho cầu lông nữ Việt Nam. Để rồi lời giải về những người kế thừa Vũ Thị Trang đã dần có lời đáp với sự khẳng định mình của Nguyễn Thùy Linh, sự vươn lên mạnh mẽ của tay vợt trẻ Vũ Thị Anh Thư hay Trần Thị Phương Thúy - đánh bại tay vợt hạng 49 thế giới Kisona Selvadura của Malaysia ở giải Việt Nam mở rộng năm 2022…

Và ít ra, Nguyễn Tiến Minh không còn phải “gồng gánh” sức ép cho cầu lông Việt Nam ở những giải đấu quốc tế. Lúc này, những đàn em, đàn cháu của tay vợt này đang từng bước khẳng định tài năng của mình.

Tiếp tục đầu tư

Ngay sau giải cầu lông Việt Nam mở rộng, Nguyễn Thùy Linh cũng chỉ có ít ngày nghỉ trước khi bước vào chuyến du đấu mới ở Mỹ và Australia để tích điểm, cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng cầu lông nữ thế giới.

Tất nhiên, kinh phí của bộ môn cầu lông (Tổng cục TDTT) không đủ để sắp xếp cho Nguyễn Thùy Linh thi đấu quốc tế liên tục như vậy. Nguồn kinh phí này cũng chỉ hỗ trợ một số VĐV dự những giải đấu chính như giải vô địch châu lục, thế giới. Còn lại phải trông vào nguồn kinh phí xã hội hóa mà cụ thể ở đây là các doanh nghiệp. Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang hay trước đây là bộ đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo ở nội dung đôi nam-nữ… từng có tên trong nhóm 60 tay vợt hay đôi vợt hàng đầu thế giới cũng nhờ được các doanh nghiệp tài trợ kinh phí thi đấu quốc tế. Nguyễn Thùy Linh hay Vũ Thị Anh Thư cũng cải thiện thứ hạng và đoạt một số ngôi vô địch cũng nhờ có các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để thi đấu quốc tế, tiêu vặt. Đó là hướng đi đúng, từng được lãnh đạo Liên đoàn Cầu lông Việt Nam và giới chuyên môn đề cập.

Ông Lê Thanh Hà – Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam từng khẳng định, muốn có đột phá về thành tích thì cầu lông Việt Nam phải tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục từ các doanh nghiệp hoặc chính gia đình VĐV. Đến nay, nhiều tay vợt đã gắn với các nhãn hàng riêng, trong đó có Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh, để từ đó có nguồn kinh phí thi đấu quốc tế.

Còn bà Dương Thị Liên – chuyên gia cầu lông, từng nhiều năm làm Trưởng bộ môn Cầu lông (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội) nhiều lần nói về việc phải có sự chung tay giữa doanh nghiệp, gia đình, đơn vị chủ quản của VĐV trong việc hỗ trợ VĐV thi đấu quốc tế.

Rõ ràng, thành tích của VĐV Việt Nam thời gian qua đã chứng tỏ sự ưu việt của cách làm này. Nhắc đến cầu lông Việt Nam giờ không chỉ có Nguyễn Tiến Minh mà còn một số VĐV khác. Và cách làm ấy phải được nhân rộng với sự năng động của chính VĐV, của đơn vị chủ quản nhằm có kinh phí thi đấu quốc tế. Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam chia sẻ, cái khó hiện nay là các giải cầu lông ở Việt Nam hiện ít cả về số lượng lẫn tiền thưởng. Bên cạnh đó, mức độ xã hội hóa cầu lông chưa cao, dẫn đến cầu lông Việt Nam chưa có được nhà tập luyện chuyên dụng.

Cuộc sống không hề ngừng lại và dòng chảy của cầu lông Việt Nam cũng vậy. Dòng chảy ấy sẽ không ùn ứ tại đâu đó nếu sự đầu tư cho các tay vợt cầu lông, trong đó có các tay vợt nữ, được thực hiện không ngừng nghỉ.

Ước mơ về những giải đấu cấp độ cao

Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Nguyễn Phương Nam cho biết, Liên đoàn đang tính tới việc đăng cai  những giải đấu cấp độ cao hơn cả giải Việt Nam mở rộng để phục vụ người hâm mộ cũng như giúp VĐV được sống trong môi trường thi đấu đỉnh cao. Ngoài ra, chính những giải đấu thế này cũng gia tăng uy tín đáng kể cho cầu lông Việt Nam. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.