Tháng 4 ở vùng “đất thép” huyền thoại

Thứ Sáu, 29/04/2022, 09:03

Địa đạo Củ Chi là một trong 6 công trình nhân tạo đặc biệt nhất thế giới, cũng là một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất ở khu vực Đông Nam Á. Những năm qua, nhất là những ngày tháng 4 lịch sử, Khu di tích Địa đạo Củ Chi luôn là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, nghệ thuật quân sự... Đây còn là một trong những địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn…

Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, chúng tôi hòa vào dòng người trở về với miền “đất thép” anh hùng, thăm Khu di tích lịch sự địa đạo Củ Chi. Nhiều du khách đến đây để được hiểu thêm về những năm tháng chiến tranh, lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, để được thắp nén nhang tưởng nhớ các Anh hùng, Liệt sĩ đã không tiếc máu xương của mình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.  Bà Nguyễn Thị Tuyết (70 tuổi, ngụ quận 7), nguyên cán bộ Bệnh viện Quân y 175, cùng một số bạn bè lần đầu tiên đến khu di tích địa đạo trong nhiều cảm xúc khó tả…

“Đến đây, vào thắp hương tại khu tưởng niệm đền Bến Dược và tận mắt thấy được các địa đạo, chúng tôi hiểu được phần nào sự can trường, anh dũng của chiến sĩ quân đội ta và người dân địa phương đã sinh sống, chiến đấu ở vùng đất anh hùng này”, bà Tuyết chia sẻ.

Anh Giáp Văn Thịnh (quê Gia Lai, xuống thăm con đang học ở TP Hồ Chí Minh) cho biết hôm nay là ngày nghỉ nên hai cha con xuống tham quan địa đạo. Anh Thịnh xúc động: “Đây là lần đầu tôi tới đây và tôi đã chui xuống địa đạo để biết địa đạo như thế nào vì tôi đã nghe nói nhiều rồi mà nay mới tận mắt thấy được. Quả thật địa đạo rất độc đáo…”.

5-1.jpg -0
Khu tưởng niệm đền Bến Dược được xây dựng trang trọng để tưởng nhớ công lao của các Anh hùng, liệt sỹ.

Tỏ ra rất thích thú, chui hết các đoạn địa đạo mà hướng dẫn viên giới thiệu, hai em Cao Thanh Thư và Thanh Ngà, học sinh Trường THPT Phạm Văn Sáng, huyện Hóc Môn nói: “Tụi em chui xuống địa đạo và thấy rất nóng, mồ hôi chảy ướt áo. Vậy mà hồi đó bộ đội và người dân có thể sinh sống hàng ngày và chiến đấu trong nhiều năm với điều kiện vô cùng gian khổ, khó khăn, nguy hiểm”…

Khu di tích địa đạo Củ Chi thuộc huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (khoảng năm 1948). Từ năm 1961, khi Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định chọn Củ Chi làm căn cứ, thì hệ thống địa đạo càng phát triển, phát huy tối đa tác dụng, đặc biệt từ năm 1966, trước những hành động của quân xâm lược Mỹ sau khi vào miền Nam tham chiến, với ý chí quật cường, sáng tạo, bền bỉ, quân và dân Củ Chi đã xây dựng hệ thống địa đạo dài hơn 200 km, với các công trình liên hoàn, như: Chiến hào, kho tàng, khu làm việc, nghỉ ngơi...

Hệ thống đường hầm nhiều tầng có khả năng chống được đạn pháo và sức nặng của xe tăng, bọc thép. Trong địa đạo có những nút chặn ở những điểm cần thiết để ngăn chặn địch phun chất độc hóa học vào, những đoạn hiểm yếu còn đặt hầm chông, cạm bẫy... Nhiều cửa hầm được cấu trúc thành chốt chiến đấu, ụ bắn tỉa rất linh hoạt, kết hợp với hàng trăm km chiến hào, công sự, trận địa chông, mìn trên mặt đất đã biến Củ Chi thành vùng “đất thép” huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Ông Võ Văn Dựng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi cho biết, hệ thống địa đạo được xây dựng sớm nhất tại hai xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An và tên gọi Địa đạo Củ Chi cũng xuất hiện từ đó. Khu di tích Địa đạo Củ Chi bây giờ thuộc địa bàn ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng.

Đúng ra ban đầu người Củ Chi chỉ đào kiểu giao thông hào rồi dùng gỗ lót bên trên, sau đó mới đào vô sâu trong đất. Khi đào địa đạo thì lúc đầu người ta hay gọi là miệng thúy (giống như cái giếng), cứ cách nhau 10 đến 12m là đào một cái miệng thúy tùy tầng trầm bổng (độ sâu cạn) khác nhau. Nếu bổng (cạn) thì từ ngang nóc của địa đạo lên tới mặt đất khoảng 3m, còn trầm (sâu) sẽ khoảng hơn 4m… Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng hơn.

Theo ông Dựng, các đoạn địa đạo trong khu di tích mà du khách tận mắt thấy hiện nay là đã được đào tái tạo và làm rộng ra để người dân, du khách nước ngoài có thể chui xuống một cách dễ dàng, không giống như thời kỳ 1960-1961, người dân đào địa đạo phải làm trong điều kiện luôn phải giữ bí mật và địa đạo thực tế chỉ có diện tích chiều ngang chừng 5 tấc, chiều cao tối đa chỉ chừng 8 tấc, rất chật hẹp...

Cùng với hệ thống địa đạo là các hố chiến đấu được tạo nên đan xen, kết nối với các đường địa đạo để có thể vừa tác chiến vừa cơ động sau khi đánh địch. Bên cạnh đó là các hầm chông với đủ các loại chông khác nhau như chông tre, chông đinh, chông hầm… được quân dân Củ Chi tạo ra trong khu vực nhằm đánh địch…

5-2.jpg -0
Anh Giáp Văn Thịnh (quê Gia Lai) tham quan địa đạo.

“Việc đào các tuyến địa đạo và giao thông hào thực sự có hiệu quả rất lớn trong thời chiến bởi nó đã giúp quân giải phóng, người dân sống và chiến đấu rất hiệu quả trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt, tránh được nhiều thương vong, giúp bảo vệ lực lượng cách mạng, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975...”, ông Dựng đúc kết.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thành phố, cùng các cơ quan ban ngành, hệ thống Địa đạo Củ Chi từng bước được quy hoạch, tôn tạo và bảo tồn. Trong đó, Khu tưởng niệm đền Bến Dược được xây dựng trang trọng uy nghi để tưởng nhớ công lao các chiến sĩ anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Hệ thống địa đạo (gồm Địa đạo Bến Dược - Căn cứ Quân khu Sài Gòn-Gia Định, Căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định và Địa đạo Bến Đình - Căn cứ Huyện ủy Củ Chi) cùng với quần thể di tích ở Củ Chi đã trở thành điểm du lịch về nguồn, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công ơn to lớn của các Anh hùng, Liệt sỹ đã chiến đấu, hy sinh trên vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Theo Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, để khu di tích luôn là địa chỉ đỏ trong giáo dục quốc phòng và an ninh, Đảng ủy - Ban Giám đốc Khu di tích đã nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ trong bảo tồn, tôn tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, tập trung làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh khu di tích. Phát huy giá trị các hiện vật lịch sử, tạo các điểm nhấn và sự tương tác với các đối tượng. Nâng cao chất lượng phục vụ và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động quản lý, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ…

Nhờ những nỗ lực đó, số lượng các đoàn tham quan, học tập, hội thảo,... nhất là các đoàn học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn và các huyện, tỉnh, thành phố lân cận đến khu di tích hằng năm ngày càng nhiều. Hiện nay, không chỉ là một điểm đến mang ý nghĩa lịch sử, địa đạo Củ Chi còn có khá nhiều hoạt động và là điểm đến thú vị, lý tưởng cho những chuyến đi thư giãn cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Trong khuôn viên địa đạo, một khu vui chơi giải trí với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn như: Thuê xe đạp đi dạo, bơi lội, cắm trại, ăn uống, chèo thuyền, đi ca nô, đạp vịt. Đặc biệt, một số trò chơi rất thu hút nhiều bạn trẻ là trò chơi mô phỏng chiến tranh, đánh trận giả bằng súng sơn, trải nghiệm bắn súng thể thao quốc phòng...

Phú Lữ
.
.
.