Trung tá Vũ Hồng Tuấn và những màn “đảo màu” vai diễn tài tình

Thứ Hai, 04/03/2024, 08:25

Sau nhiều lần bị tạm hoãn, lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 sẽ diễn ra vào ngày 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trung tá Vũ Hồng Tuấn – nam diễn viên của Nhà hát Kịch CAND sẽ cùng một số Nghệ sĩ Ưu tú trên cả nước chính thức đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân được phong tặng đợt này.

Chia sẻ với chúng tôi quanh thông tin nói trên, Trung tá Vũ Hồng Tuấn cho biết, anh và nhiều đồng nghiệp không quá bất ngờ nhưng rất hồi hộp, vui và hạnh phúc chờ đợi ngày đón nhận danh hiệu chính thức. “Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận cao nhất đối với các nghệ sĩ. Với riêng tôi, đây là thành quả vô cùng ý nghĩa sau một hành trình dài với không ít khó khăn, là kết quả của một quá trình nỗ lực kiên trì, phấn đấu, lao động nghệ thuật với rất nhiều vai diễn được khán giả, bạn bè, lãnh đạo ở trong và ngoài lực lượng CAND ghi nhận trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề”, Trung tá Vũ Hồng Tuấn chia sẻ.

z5213171126980_26490e56f00c1f2a755f02ba689194c7-(1).jpg -0
Trung tá Vũ Hồng Tuấn.

Tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là về “đầu quân” luôn cho Đoàn Kịch nói CAND (nay là Nhà hát Kịch CAND), đến nay, Trung tá Vũ Hồng Tuấn là một trong những nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó nhất với Nhà hát Kịch CAND. Nhớ về những ngày mới với Đoàn, nghệ sĩ Vũ Hồng Tuấn kể rằng, ngày ấy, anh chỉ nghĩ là về với Đoàn Kịch của lực lượng CAND sẽ có nhiều “đất diễn”. Nếu quỹ thời gian còn dư dả thì sẽ chạy sô bên ngoài.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn như thế. Cùng với sự hạn chế về cơ sở vật chất tại trụ sở chính, các nghệ sĩ trong Đoàn phải khắc phục nhiều khó khăn, ứng biến linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh, nhất là những chuyến lưu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, khi biểu diễn trên những sân khấu dựng tạm ngoài trời. Khán phòng được thay thế bằng những khu đất trống, có khi là sân vận động ở địa phương. Sau gần 2 năm, anh mới được vào vai chính. Đổi lại, thời điểm ấy, đời sống sân khấu sôi động hơn. Rất nhiều tác phẩm được đầu tư dàn dựng, không chỉ đưa đi phục vụ khán giả mà còn được đưa đi tham gia các liên hoan, hội diễn, nghệ sĩ có dịp giao lưu, học hỏi và cũng là dịp để khẳng định mình với các bạn nghề. 

Có lẽ vì thế nên mỗi khi có vở mới là các nghệ sĩ hô hào nhau tập. Chưa có sân khấu riêng, các nghệ sĩ tập tạm trong nhà chứa đạo cụ. Đến khi xác định vở diễn khá hoàn thiện, Đoàn mới mượn hội trường của Bộ Công an chạy thử. Khi ấy, nghệ sĩ cũng mới có dịp tự thẩm định tương đối trọn vẹn thành quả lao động của bản thân và tập thể.

Thực tế, sau thành công với vai diễn mang về Huy chương Vàng đầu tiên – vai Thằng Mẫn trong vở kịch “Thằng Mẫn tóc nâu”, khả năng diễn xuất của nam diễn viên được khẳng định qua nhiều vai diễn khác như Đình Mai trong vở  "Đường đua trong bóng tối", giám thị Trung trong vở "Không phải là vụ án", Nghị Hách trong vở "Giông tố", ông Điềm trong vở “Tôi là người Việt Nam”, Pol Hách trong vở "Bản danh sách điệp viên", Ba Tẩu trong vở “Gặp lại người đã chết”… Với điện ảnh, đến nay, Hồng Tuấn vẫn được nhắc nhớ qua một số bộ phim nổi tiếng như "Của để dành", "Xin hãy tin em"…

Các vai diễn của Hồng Tuấn trên sân khấu và điện ảnh khá đa dạng. Nói như cách chia sẻ của nam nghệ sĩ là anh “đảo màu” khá tốt trên sân khấu. Từ các vai tội phạm, vai “người tốt việc tốt” cho đến những vai diễn là người thiểu năng, ngây ngô, Hồng Tuấn đều đảm nhận, không chỉ được khán giả đón nhận mà anh được cả bạn nghề, giới chuyên môn công nhận. Ước tính, đến nay, về thành tích cá nhân, nam diễn viên đã mang về  13 -14 Huy chương Vàng, Huy chương Bạc qua các vai diễn trên sân khấu.

Những khán giả trung thành với Kịch nói CAND không khó để nhận thấy, khi đảm nhận bất kỳ vai diễn nào, dù là vai chính hay thứ chính, có khi chỉ là vai phụ, thời gian diễn xuất trên sân khấu không lâu, nhưng nghệ sĩ Hồng Tuấn đều chăm chút rất kỹ lưỡng, từ nội tâm đến ngoại hình, từ phục trang đến từng ngôn ngữ của cơ thể qua ánh mắt, giọng cười, cái hất tay…, nhằm khắc họa nhân vật sắc nét nhất có thể trên sân khấu.

vu-hong-tuan-kich-ca222.jpg -0
Trung tá Vũ Hồng Tuấn (người ngồi) trong vở “Bản danh sách điệp viên”.

Không giống những gì hào nhoáng về nghệ sĩ mà số đông vẫn mặc định, ngoài đời thường, nghệ sĩ Hồng Tuấn khá thoải mái, giản dị. Sau các đêm diễn, có thể là những đêm diễn ở những nhà hát sang trọng hàng đầu của đất nước, chúng tôi vẫn bắt gặp anh lụi cụi với chiếc xe máy, lặng lẽ ra về trong đêm. Có những chuyến lưu diễn, sân khấu dựng tạm trên bãi đất trống ở địa phương, nam nghệ sĩ nhễ nhại mồ hôi, vừa tận dụng luôn vạt áo làm… quạt, vừa hò hét anh chị em trong đoàn tất bật chuẩn bị cho buổi diễn tối.

Thế nhưng, chia sẻ với chúng tôi, anh chỉ cười, nửa đùa nửa thật nói rằng, những nghệ sĩ trong CAND nên có những đặc thù riêng. Họ vừa là nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ. “Là nghệ sĩ lâu năm trong CAND, chúng tôi càng phải biết cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Khi diễn xuất trên sân khấu, người nghệ sĩ diễn bằng cảm xúc, trái tim nhưng trong công tác thường nhật thì phải thực hiện bằng lý trí. Nếu không như thế, chúng tôi khó hoàn thành được nhiệm vụ”, Trung tá Vũ Hồng Tuấn nói. 

Yêu nghề, nghề không phụ. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng phấn đấu, ngoài sự yêu mến của khán giả, hàng chục giải thưởng, huy chương và nhiều hình thức khen thưởng khác, Trung tá Vũ Hồng Tuấn trở thành 1 trong số 125 Nghệ sĩ Ưu tú được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt phong tặng danh hiệu lần thứ 10 tới đây. Nam nghệ sĩ cho biết, đây là vinh dự, là tự hào và là động lực để những người nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ trong CAND như anh nói riêng nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả.

Đó không chỉ là nỗ lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật, sẵn sàng đến những nơi mà đồng đội và nhân dân cần mình nhất, góp phần tạo dựng và lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an, bồi đắp thêm niềm tin yêu của nhân dân với lực lượng CAND, với Đảng, Nhà nước, đồng thời chắt chiu thêm cảm xúc, trải nghiệm thực tế để cho các tác phẩm nghệ thuật tiếp theo.

Hoa Nguyễn
.
.
.