Đã đến lúc Việt Nam cũng phải xem “quốc nghiệp” của mình là gì

Chủ Nhật, 24/12/2017, 08:09
Nếu như tôi mà có quyền, tôi sẽ ngồi chọn ra 3 đến 5 chục thương hiệu mà tôi cho đó là “quốc nghiệp”. Ta có quốc ca, quốc kỳ, quốc hiệu, người ta bàn đến quốc hoa, quốc phục mà không có “quốc nghiệp” thì tôi nghĩ là có vấn đề. Cái quốc gia này, quốc nghiệp nó phải là cái gì chứ? 


Với cương vị nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và nguyên Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới & Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương, bản thân lại là một GS kinh tế học, có lẽ hiếm người ở vị trí phù hợp để nói về thương vụ Sabeco hơn ông Phan Đăng Tuất.

Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật, Báo Công an nhân dân đã có trao đổi với ông về thương vụ 5 tỷ USD - mà nhiều người nhận định là một trong những thương vụ đình đám nhất thế giới năm nay.                

PV: Nếu phải nói ngắn gọn về việc Thaibev mua lại hơn 53% cổ phần Sabeco với mức giá 320.000 đồng/cổ phần, ông cho rằng đây là thương vụ thành công hay không?

Ông Phan Đăng Tuất: Nếu về phương diện tài chính thì tôi nghĩ là thành công, nhưng mà là tài chính ngắn hạn – Nhà nước thu được một khoản tiền lớn. Nhà nước đang cần tiền để đầu tư việc khác thì có một khoản tiền lớn như vậy cũng tốt.

Tuy nhiên, có khoản đó bây giờ thì sẽ mất đi khoản tiền tương lai. Tôi nghĩ một đất nước cần có những doanh nghiệp (DN) lớn, DN có thương hiệu. Chúng ta sẽ không thể tưởng tượng nổi nước Đức không có Mercedes, không có BMW, không có Bosch; hay Nhật Bản mà không có Sony, không có Panasonic, không có Hitachi...

Thế nên, tôi chỉ ngại quá trình cổ phần hóa (CPH) tới bán hết cho nước ngoài, lâu dài Việt Nam sẽ chẳng còn thương hiệu nào. Một đất nước không có những trụ cột kinh tế, đặc biệt những đất nước có quy mô dân số lớn như nước ta, thì sẽ rất nguy hiểm. Nếu tính dài hạn thì kinh nghiệm của Ấn Độ, Nga và ngay cả Thái Lan cũng phải mua lại một số thương hiệu sau khi bán cho nước ngoài.

Ông Phan Đăng Tuất.

Nếu như tôi mà có quyền, tôi sẽ ngồi chọn ra 3 đến 5 chục thương hiệu mà tôi cho đó là “quốc nghiệp”. Ta có quốc ca, quốc kỳ, quốc hiệu, người ta bàn đến quốc hoa, quốc phục mà không có “quốc nghiệp” thì tôi nghĩ là có vấn đề. Cái quốc gia này, quốc nghiệp nó phải là cái gì chứ?

Nếu như nước Nhật là điện tử, nếu nước Đức là máy móc kỹ thuật, Ba Lan là đóng tàu, ngay cả người láng giềng Thái Lan của chúng ta cũng đã chọn được ngành nhựa để len vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì quốc nghiệp của ta là gì? GDP của chúng ta là 200 tỷ USD/năm thì doanh thu của bia là 5 – 6 tỷ USD rồi.

Theo tôi, cần có một bàn luận nghiêm túc là đất nước giữ lại nghiệp gì, cái nghiệp gì không giữ mà mình bán. Mà bán thì bán cho ai, để cái nghiệp đó nó nối được trong tương lai cho con cho cháu. Tôi thì cho rằng bán cho nước ngoài thì thương hiệu sẽ không còn đâu.

PV: Một số quan điểm lại cho rằng, người ta mua là mua cả thương hiệu đó. Thế giới cũng có những thương hiệu lớn bị mua lại nhưng không mất, như Range Rover, như Jaguard hay Mini Cooper... trong ngành ôtô?

Ông Phan Đăng Tuất: Đem ôtô - sản phẩm kết tinh của một công nghệ siêu cao, so sánh với đồ uống – công nghệ tương đương nấu cơm, thì không phải. Ôtô là một sản phẩm lưỡng tính, vừa mang tính đầu tư vừa mang tính tiêu dùng. Đồ uống nó khác, nó là một thứ tiêu dùng nhất thời. Họ (Thaibev) là một hãng bia, họ dại gì quảng bá cho 2 thương hiệu cùng sản phẩm? Họ làm thương hiệu bia Sài Gòn thì lại không bán được Thaibev. Mà họ còn tuyên bố sẽ mở rộng thị trường, sẽ xuất khẩu... thì tôi cho rằng việc một hãng marketing cho 2 thương hiệu sẽ không xảy ra. Sau khi họ thâu tóm thị trường thì họ sẽ tập trung vào một thương hiệu.

PV: Nhiều người cũng như ông - cho rằng sẽ mất thương hiệu, nhưng một số người khác lại cho rằng thương hiệu không phải do việc ai sở hữu nó mà nó còn hay mất, nó là do người tiêu dùng quyết định khi họ lựa chọn sản phẩm đó hay không. Mặt khác, người tiêu dùng cũng có tính bảo thủ, không phải dễ để họ bỏ một thương hiệu 41% thị phần như Sabeco?

Ông Phan Đăng Tuất: Phải quay lại gốc gác hàng hóa loại gì, tính chất hàng hóa là gì nó mới gắn với câu chuyện đó. Bằng chứng là chúng tôi (ông Phan Đăng Tuất từng là Chủ tịch Sabeco) mang bia Sài Gòn “lùn” ra đánh bật bia Hà Nội luôn, dù người Hà Nội nổi tiếng là bảo thủ trong tiêu dùng, chỉ uống bia Trúc Bạch.

Chúng tôi có một kỷ lục thế giới về bia với nhãn hàng này, khi chỉ sau 3 năm bán 350 triệu lít - chưa có hãng bia nào bán được từng đó với 1 nhãn mới hết. Khi ra Bắc, chúng tôi giành khách của Hà Nội, sản lượng tụt hẳn, dù trước kia rất nhiều hãng bia khác đã vào và bị đánh bật: Foster, quả táo Trung Quốc... Nói tóm lại, món bia như người con gái đẹp.

Một cô không thể cậy mình là hoa hậu mà nghĩ chồng sẽ chung thủy với mình mãi đâu. Bằng chứng là Heineken vào và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Bia là sản phẩm tiêu dùng tức thời và theo phong trào. Thậm chí bạn vào quán bia, nếu hôm đó có mấy cô tiếp thị xinh đẹp thì họ bảo bạn uống bia gì bạn uống bia đó. Ôtô thì khác, ôtô rất khó bỏ.

Tôi có thể cá độ, nếu Thaibev mua hoàn toàn, thì thương hiệu bia Sài Gòn sẽ phai nhạt trên thị trường, bởi vì họ không dại gì duy trì một thương hiệu bản địa khi họ bỏ ra từng ấy tiền. Họ phải truyền bá Thaibev vào đây. Đây là công xưởng sản xuất Thaibev trong tương lai chứ không phải bán bia Sài Gòn để lấy lời.

Có 3 loại nhà đầu tư, thứ nhất là đầu tư tài chính, có thể làm điện tử nhưng mua bia để lấy lời, làm bia nhưng mua bất động sản để lấy lời; loại thứ hai là đầu tư để hợp tác, liên kết cùng nhau phát triển lâu dài, đó là những ngành cơ khí, ngành công nghệ cao; và thứ 3 là đầu tư thôn tính, để lấy thị trường chứ không phải để lấy lợi nhuận trước mắt. Bia thì rơi vào trường hợp thứ 3, họ mua được mấy triệu cái miệng uống bia này là đáng tiền.

PV: Ông cho rằng nhân sự tại Sabeco sẽ thay đổi ra sao và quản trị DN có được thay đổi lớn không, vì nhiều người lo ngại khi nước ngoài nắm quyền kiểm soát, người lao động sẽ mất việc làm?

Ông Phan Đăng Tuất: Mấy hôm vừa rồi, cũng có nhiều anh em gọi điện cho tôi và rất tâm tư về vấn đề này. Nếu tính cả đội ngũ quản lý, sản xuất cho tới DN hỗ trợ, làm bao bì, tới đội ngũ phân phối, tiếp thị, bán hàng... thì Sabeco giải quyết việc làm cho không dưới nửa triệu người. Tôi hi vọng một số có thể được thu dung vào bộ máy mới, nhưng không tránh khỏi sẽ có một số bị loại ra. Bài toán lao động cũng là một bài toán lớn mà về lâu dài nhà nước cần tính đến trong quá trình CPH nói chung, không riêng gì Sabeco.

PV: Có một số luồng quan điểm còn bày tỏ lo ngại về an toàn thực phẩm khi bán Sabeco cho nước ngoài. Ông có cho rằng đây là một sự lo quá xa?

Ông Phan Đăng Tuất: Thực ra lo lắng đó cũng có cơ sở. Bia là sản phẩm có tính dẫn suất cao, dễ thẩm thấu. Mà đến 90% đàn ông trưởng thành ở Việt Nam đã, đang và sẽ uống bia. Do đó, nếu có bất cứ vấn đề gì về chất lượng sản phẩm, an ninh, an toàn thực phẩm, thì sẽ có ảnh hưởng ở phạm vi không nhỏ. Vấn đề kiểm soát chất lượng cũng là vấn đề phải tính đến.

PV: Về mặt chính sách mà nói thì Chính phủ đã từng tuyên bố không kinh doanh ở những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm được và có thể làm tốt hơn, Chính phủ không bán bia, bán sữa... Thông điệp này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Tại sao qua thương vụ Sabeco lại có nhiều ý kiến khác nhau khi Chính phủ làm đúng những gì mình tuyên bố?

Ông Phan Đăng Tuất: Chính phủ rút ra thì tôi ủng hộ, nhưng mà tư nhân nào? Tư nhân trong nước hay tư nhân nước ngoài là câu chuyện. Ông Putin đã từng chua chát khi bán doanh nghiệp Nhà nước cho nước ngoài rồi, và sau đó ông ta quyết định không bán nữa mà làm một chính sách “ân xá kinh tế” để tư bản trong nước mua các DN đó, vì ông ta cho rằng làm vậy thì kinh tế nội địa phát triển, thương hiệu giữ được, người Nga có việc làm. Dù bán rẻ đi thì nhà nước thu được ít tiền, nhưng mua được lợi nhuận tương lai. Còn ông bán đắt thì nội không mua được, đi vay 8 “chấm” về mua lời 1 “chấm” thì chết.

PV: Ông nghĩ thế nào về luồng quan điểm mà rất nhiều chuyên gia vẫn thường than vãn là khi cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta chưa thu hút được vốn ngoại, chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vào để cải thiện quản trị, lan truyền công nghệ... Lần này đúng là chúng ta đã tìm được một nhà đầu tư nước ngoài thì nhiều ý kiến phản đối.

Ông Phan Đăng Tuất: Nó phải là ngành nào. Nghị định của Chính phủ khi nói về CPH thì có 3 mục tiêu: Thứ nhất là để chuyển giao công nghệ, đón nhận công nghệ mới, vì chúng ta kém khoản đó; Thứ hai là kêu gọi quản lý hiện đại; Thứ ba mới là thu hút tài chính. Nhưng Sabeco không cần cả 3 thứ đó. Tài chính không thiếu vì nó lãi lớn. Công nghệ không có gì. Còn về quản lý thì thế giới quản lý bán bia không ai bằng Việt Nam. Chúng tôi cạnh tranh được với Heineken vì mình bán theo kiểu Việt Nam. Bia không nằm trong 3 mục tiêu của cổ phần hóa.

PV: Nhưng thực tế là Heineken với quy mô và sản lượng ít hơn bia Sài Gòn, nhưng lại có doanh thu lớn hơn và lợi nhuận nhiều hơn, nhiều người cho rằng do Sabeco quản trị chưa tốt?

Ông Phan Đăng Tuất: Đúng là Heineken có doanh thu cao hơn, nhưng nó là nhờ thương hiệu. Chi phí gần như bằng nhau, nếu như chúng tôi bán được với giá của Heineken thì chúng tôi phải lời gấp đôi, chứ không phải do Sabeco quản lý không tốt. Tôi vẫn cho là bài toán kinh tế dài hạn, bán cho trong nước có thể rẻ hơn, nhưng chưa chắc đã là không hiệu quả bằng bán cho nước ngoài.

PV: Về lý thuyết mà nói, nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể mua Sabeco, vì đấu giá công khai trên thị trường. Nhiều người vẫn cho rằng giao cho thị trường định giá là minh bạch nhất rồi.

Ông Phan Đăng Tuất: Vấn đề là quan điểm chính sách. Ngay cả một đất nước tự do như Mỹ mà Tổng thống Trump vừa rồi còn cấm bán một công ty công nghệ cho nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia. Cho nên, trở lại điều tôi đã nói ban đầu. Phải ngồi tính lại cho kỹ, có tiêu chí đàng hoàng là ngành nào, quy mô nào, thương hiệu nào, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và các vấn đề xã hội như thế nào, thì ta bán cho nước ngoài, bán sạch; ngành nào, thương hiệu nào ta giữ lại, bán cho trong nước, bám theo tiêu chí của cổ phần hóa mà Chính phủ đã vạch ra. Một đất nước vẫn cần phải có thương hiệu lớn và phải trả lời được câu hỏi quốc nghiệp của mình là gì?

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Hân
.
.
.