Người thầy đừng tự cho mình quyền uy tuyệt đối!

Chủ Nhật, 25/03/2018, 09:20
Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vốn là nét đẹp ngàn đời của dân tộc dường như cũng đang dần bị nhạt phai. Chuyên mục “trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trao đổi thẳng thắn với PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục xung quanh vấn đề này.


Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều vụ việc “bạo hành” giáo viên ngay trong trường học liên tục diễn ra đã khiến cho những người nặng lòng với giáo dục không khỏi xót xa. Từ việc phụ huynh ép cô giáo phải quỳ trước mặt nhiều người đến việc thầy giáo bị phụ huynh đến trường hành hung phải nhập viện cho thấy, văn hóa ứng xử trong trường học nói riêng, trong cộng đồng xã hội nói chung đang có những dấu hiệu bất thường. 

Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vốn là nét đẹp ngàn đời của dân tộc dường như cũng đang dần bị nhạt phai. Chuyên mục “trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trao đổi thẳng thắn với PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục xung quanh vấn đề này.

PV: Nhìn lại những vụ việc nhà giáo bị “bạo hành”, bị xúc phạm ngay trong trường học thời gian qua, đặc biệt là câu chuyện phụ huynh ép cô giáo quỳ trước mặt nhiều người, là người nhiều năm làm công tác giáo dục, ông cảm thấy thế nào?

PGS.TS Đặng Quốc Bảo: Đây đúng là những sự việc đáng buồn của ngành sư phạm và toàn xã hội. Chúng ta cần nhìn nhận sự việc này từ cả hai phía. Đầu tiên, cô giáo cần xem xét lại kỹ năng sư phạm của mình. Không trường sư phạm nào dạy cô giáo bắt học sinh phải quỳ nếu các con mắc lỗi. Thế nhưng nếu cô giáo sai một thì phụ huynh, vị người phụ huynh kia lại sai gấp đôi khi liên tục gây áp lực khiến cô giáo phải quỳ trước sự chứng kiến của nhiều người. 

Bắt người khác phải quỳ là một hành vi thô bạo, phản nhân văn không thể chấp nhận dù người đó có lỗi, nhất là ở đây lại bắt một giáo viên trực tiếp giáo dục con mình quỳ thì không thể chấp nhận. Đau lòng hơn cả là sự việc diễn ra ngay tại Văn phòng Ban Giám hiệu nhà trường có mặt người Hiệu trưởng. Tôi cho rằng, ông Hiệu trưởng nhà trường và những giáo viên cùng chứng kiến cũng không thể vô can.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo.

PV: Theo ông, việc giáo viên sử dụng các biện pháp như bắt học sinh quỳ liệu có còn phù hợp với thời đại hiện nay?

PGS Đặng Quốc Bảo: Nền cựu học nước mình, ngàn xưa đã có văn hóa quỳ lạy, tạo ra sư phạm quỳ lạy và có những người thầy thích học sinh quỳ để sám hối, để tiến bộ. Tất nhiên, trong thực tế cũng có những trường hợp hình phạt này mang lại hiệu quả. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, đây là biện pháp sư phạm tiêu cực, không thể chấp nhận trong thời đại mới.

PV: Nhiều giáo viên tâm sự rằng, nhiều lúc họ cảm thấy rất bất lực và cô đơn, nhất là trong việc ứng phó với các học sinh hư, học sinh cá biệt. Không dùng biện pháp mạnh thì không uốn nắn được học sinh mà sử dụng các biện pháp này thì sẽ rất rủi ro, thậm chí có thể “mất nghề”?

PGS Đặng Quốc Bảo:  Theo tôi, người thầy phải có uy và ân, song hai yếu tố này cần được hài hòa, không để cái nào được lấn át cái nào. Học sinh bây giờ nhìn chung rất thông minh, khả ái nhưng cũng có những nhí nhố, khiến thầy cô phải phiền lòng nên yêu cầu người thầy chỉ được dùng ân mà không được dùng uy là không đúng. 

Tôi vẫn nói đùa với các thầy cô giáo rằng, giáo viên bây giờ không chỉ biết dạy, dỗ. Trong những trường hợp cần thiết, người thầy phải dùng uy để uốn nắn, răn đe nhưng phải coi đó là phương pháp, là nghệ thuật sư phạm chứ không phải là mục tiêu. 

Chẳng hạn, như trong trường hợp cô giáo ở Long An, thay vì yêu cầu học sinh quỳ, cô giáo hoàn toàn có thể sử dụng các hình phạt khác như yêu cầu học sinh vào văn phòng ngồi viết bản tự kiểm điểm.

PV: Thưa ông, từ việc chỉ rõ lỗi của các bên liên quan trong câu chuyện phụ huynh yêu cầu cô giáo quỳ hay chuyện phụ huynh đánh giáo viên vì cho rằng thầy giáo đã đánh con mình cho thấy, dường như văn hóa ứng xử trong đời sống hiện đang có những điều bất ổn?

PGS Đặng Quốc Bảo: Đúng là từ những câu chuyện cụ thể trên, tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề lớn hơn, tinh tế hơn, đó là văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng hiện nay. Khi có khúc mắc nảy sinh, theo tôi nên dùng sự thật để phân tích, để giải quyết thấu đáo các bất đồng. Tiếc là hiện nay, giáo dục trong nhiều gia đình vẫn theo hướng cực đoan, một chiều, nhiều bố mẹ vẫn dạy con theo kiểu áp đặt, không mang lại hiệu quả mong muốn.

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, đạo đức, văn hóa ứng xử trong nhà trường hiện nay đang xuống cấp?

PGS Đặng Quốc Bảo: Ngày xưa, 5% dân cư đi học nên đa phần người học là thành phần tinh túy. Nay, 100% dân cư đi học nên thành phần cũng rất đa dạng. Nói cách khác, bây giờ xã hội như thế nào thì nhà trường cũng theo thế ấy, nhà trường là xã hội thu nhỏ. 

Nhìn tại một điểm cục bộ nào đó, một số vụ việc đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua, đúng là có biểu hiện bất thường của văn hóa ứng xử nhưng tôi cho rằng đó vẫn chỉ là số ít, là cá biệt, là rủi ro trong nhà trường thời hiện đại mà thôi. Ở nước ngoài còn có nhiều vụ động trời hơn như việc học sinh  xả súng ngay trong trường học. 

Chúng ta phải xót xa, phải cố gắng vượt qua những điều chưa chuẩn, chưa hay trong nhà trường hiện nay, nhưng cũng đừng vội đưa ra những báo động giả, khiến xã hội lo lắng và cũng đừng đổ hết trách nhiệm cho các nhà trường.

PV: Theo ông, giáo dục đạo đức trong nhà trường hiện nay cần thay đổi theo hướng nào?

PGS Đặng Quốc Bảo: “Tiên học lễ hậu học văn” trong nhà trường hiện nay vẫn đúng và còn vẹn nguyên giá trị bởi nếu không chú trọng giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh, mọi thứ sẽ trở nên bát nháo. Đáng tiếc là giáo dục đạo đức, ứng xử trong nhà trường thời gian qua còn có phần nặng về hướng ngoại mà thiếu chiều sâu hướng nội. 

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần xác định hệ giá trị cốt lõi trong ứng xử văn hóa của cả cộng đồng, dân tộc. Như danh nhân Lê Quý Đôn nói có 3 việc mỗi người cần biết: Cần biết sợ, biết xấu hổ, cần chịu khó chịu khổ. Nếu mỗi cá nhân đều xây dựng được hệ giá trị sống của bản thân thì đến một lúc đó, những giá trị ấy sẽ trở thành chuẩn mực ứng xử cho cả cộng đồng.

PV: Quan hệ thầy trò, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vốn là nét đẹp của dân tộc liệu có phải đang dần bị nhạt phai?

PGS Đặng Quốc Bảo:  Nhà trường, quan hệ thầy trò đang bị tác động bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đã có một số hiện tượng đáng buồn, đáng xót xa nhưng cũng đừng nên chỉ nhìn vào đó rồi quá hốt hoảng, quá bi quan. Cá nhân tôi vẫn tin vào mạch ngầm văn hóa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc trong mỗi gia đình, dòng họ hiện nay. Trong dân gian ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. 

Trong thời đại hiện nay, người thầy đừng tự cho mình có quyền uy tuyệt đối với học trò. Sứ mệnh của người thầy là phải tìm đến trò. Quan hệ thầy trò như thanh nam châm, thầy quý trò và trò phải kính thầy. 

Người thầy có ba trách nhiệm lớn, đó là truyền đạo (truyền dạy hệ giá trị của đất nước, thời đại); là người thụ nghiệp (tạo cho học sinh có nghề) và là người giải hoặc (hóa giải các nghi hoặc, suy nghĩ chưa chuẩn cho học trò). Nếu không làm được ba việc đồng bộ thì không nên thi vào ngành sư phạm để trở thành giáo viên. Tiếc thay, hiện nay, một bộ phận người thầy chỉ làm được hai việc mà chưa hoàn thành trọn vẹn cả ba nhiệm vụ nên chất lượng dạy học, giáo dục còn chưa cao.

PV: Ông có cho rằng, sự đãi ngộ của xã hội đối với người thầy chưa cao khi áp lực đối với người thầy ngày càng lớn đang là một trong những nguyên nhân khiến người giỏi không còn mặn mà với ngành sư phạm?

PGS Đặng Quốc Bảo: Đúng là lương của giáo viên hiện nay vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Nhiều giáo viên chưa thể an tâm sống bằng nghề. 

Mới đây, trong Luật Giáo dục sửa đổi, ngành Giáo dục đã nỗ lực đề xuất tăng lương cho đội ngũ giáo viên nhưng đáng tiếc là đề xuất nhân văn này chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, với lý do ngân sách Nhà nước quá hạn hẹp, khó có thể đáp ứng. 

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục nên kiên trì với đề xuất tăng lương cho giáo viên để nhà giáo yên tâm làm việc và cống hiến. Thực tế cho thấy, cùng với chương trình tiên tiến, đội ngũ nhà giáo chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục. Tất nhiên, để thu hút được người giỏi vào sư phạm, đãi ngộ chỉ là một vấn đề, cần rất nhiều chính sách đồng bộ khác.

PV: Với đầu ra đang bị “tắc”, đầu vào thấp, ông có cho rằng, ngành sư phạm đang có nguy cơ không được coi trọng như trước kia?

PGS Đặng Quốc Bảo: Theo kết quả làm điều tra xã hội học, có một bộ phận học sinh cấp 3 có tài, đức vẫn có khao khát làm thầy. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải có chính sách đúng để thu hút được bộ phận tinh hoa này vào sư phạm. Một trong những chính sách cần ưu tiên đó là đảm bảo đầu ra cho người học. Nếu đảm bảo được việc làm sau khi tốt nghiệp cho người học như ngành Công an, Quân đội, chắc chắn những học sinh giỏi và có lý tưởng làm thầy sẽ yên tâm với lựa chọn của mình. Ngoài ra, các trường sư phạm cũng cần phải cải tổ mạnh mẽ trong đào tạo để nâng cao chất lượng.

PV: Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ “đặt hàng” Trường Đại học Hồng Đức đào tạo giáo viên để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tại địa phương. Theo ông, cách đào tạo giáo viên“theo đơn đặt hàng” này có nên nhân rộng?

PGS Đặng Quốc Bảo: Tôi tán thành cách làm này nhưng không phải chỉ Đại học Hồng Đức làm, mà phải mở rộng ra toàn thể quốc gia, với tất cả các cơ sở đào tạo sư phạm trên toàn quốc để học sinh được tự do lựa chọn cơ sở đào tạo phù hợp với nguyện vọng của mình. 

Tôi vẫn tâm đắc với mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn. Thời kỳ 1977-1988, khi là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS Nguyễn Cảnh Toàn đã triển khai phương thức đào tạo giáo viên vừa học vừa làm. Trong 11 năm, Trường ĐH Sư phạm đã đào tạo trên 2.000 giáo viên. Sau khi ra trường, những giáo viên này được trở về địa phương, nơi mình sinh sống để giảng dạy. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành cốt cán của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường THPT. 

Kinh nghiệm đào tạo giáo viên của thế giới cũng cho thấy, ngày nay cả những nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand cũng áp dụng phương thức vừa học vừa làm để có nguồn nhân lực chất lượng bổ sung cho giáo dục. Do vậy, tôi mong ngành Giáo dục cần nghiên cứu kỹ mô hình đào tạo sư phạm “vừa học, vừa làm” của GS Nguyễn Cảnh Toàn để chắt lọc những kinh nghiệm hay, vận dụng vào đào tạo thực tế hiện nay.

PV: Xin cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.