Nhà báo thể hiện lòng yêu nước bằng việc bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân

Chủ Nhật, 17/06/2018, 06:38
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2018), chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật có cuộc trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xung quanh các vấn đề: Vị trí, vai trò và đạo đức của người làm báo trong mối tương quan với sự phát triển của đất nước…


Phóng viên (PV): Thưa ông, ông có đánh giá khái quát như thế nào về thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam trong năm qua?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể nói trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam với hơn 900 cơ quan báo chí, hơn 23.000 hội viên đã có nhiều nỗ lực, có những đóng góp quan trọng và rất đáng tự hào trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thông qua báo chí, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được hiện lên chân thực, khách quan, sinh động trong mắt của bạn bè quốc tế.

Sự thành công của Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11-2017 vừa qua là một thành tựu đối ngoại hết sức quan trọng của đất nước. Ở sự kiện này, báo chí đã bám rất sát và có những phản ánh, thông tin kịp thời, sống động…

Bên cạnh đó, báo chí cũng góp phần tôn vinh cái đẹp, khích lệ cái tốt, các điển hình tiên tiến, đẩy lùi cái xấu, cái ác, phản nhân văn trong đời sống. Đặc biệt, báo chí tham gia rất tích cực và hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhà báo Hồ Quang Lợi.

PV: Ông có thể dẫn chứng cụ thể hơn?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Ngay khi Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết lớn này. 

Cùng với đó, các cơ quan báo chí đã có nhiều bài viết tuyên truyền, phân tích, bình luận, tuyên dương các điển hình cũng như phản ánh, phát hiện các hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống…

Báo chí cũng tham gia rất có hiệu quả vào việc tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cùng với đó, các bài viết về chủ đề phòng chống diễn biến hòa bình, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá đất nước ta cũng xuất hiện thường xuyên trên nhiều mặt báo. 

Có thể kể đến các cơ quan thông tấn báo chí đi đầu trong lĩnh vực này như: Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân,Tạp chí Cộng sản, VTV, VOV, Báo Công an nhân dân…

PV: Vừa qua, khi Quốc hội họp bàn về dự thảo Luật đặc khu, ở một số tỉnh thành, một bộ phận nhân dân đã bị các đối tượng xấu kích động dẫn đến các hành động quá khích. Trong tình hình trên, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đã có những hành động gì, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Như chúng ta đã biết, trong những ngày vừa qua, nhân sự kiện Quốc hội họp, bàn về dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu), các thế lực thù địch, thế lực xấu đã kích động, lôi kéo một bộ phận người dân ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận xuống đường biểu tình và có những hành động vi phạm pháp luật như dùng gạch đá tấn công Cảnh sát; đập phá, đốt trụ sở của các cơ quan Nhà nước…

Trước tình hình trên, báo chí đã tích cực đấu tranh, viết nhiều bài phản bác lại thông tin bịa đặt của các thế lực xấu; cung cấp thông tin trung thực, khách quan để nhân dân hiểu, nắm rõ sự thật để từ đó nhìn nhận rõ tình hình, không nghe theo các luận điệu xuyên tạc, dụ dỗ, lôi kéo…

Nhân dân quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước là một điều rất đáng mừng. Nhưng lòng yêu nước của một bộ phận nhân dân đã bị các thế lực xấu lợi dụng. 

Trong hoàn cảnh đó, đội ngũ những người làm báo có trách nhiệm thể hiện lòng yêu nước bằng cách thông tin sự thật khách quan đến với nhân dân để thức tỉnh lòng yêu nước đúng cách của nhân dân. Nhà báo phải thể hiện lòng yêu nước bằng việc quyết bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân.

PV: Trở lại với câu chuyện nghiệp vụ làm báo. Theo ông, trong xu thế cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ như hiện nay, đội ngũ làm báo cần phải làm gì để tận dụng cơ hội phát triển?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong thời đại ngày nay, việc học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác làm báo cần phải được đội ngũ báo chí cả nước triển khai mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. 

Về vấn đề này, hàng tháng, hàng quý, Hội Nhà báo Việt Nam đều đặn mở các lớp ngắn hạn miễn phí để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức nghề nghiệp cho đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí như: Viết về công tác xây dựng Đảng; kĩ năng viết phóng sự; kĩ năng làm báo điện tử; kỹ năng quay phim; kỹ năng dựng phim…

Theo tôi, ngoài sử dụng các ấn phẩm báo chí, các cơ quan báo chí cũng cần tận dụng các kênh truyền thông khác như mạng xã hội để tuyên truyền có hiệu quả nhất đường lối, chính sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước đến với đông đảo nhân dân.

PV: Thưa ông, đội ngũ báo chí chúng ta, bên cạnh rất nhiều những yếu tố tích cực, thì một điều không thể phủ nhận đó là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” vẫn còn manh nha, tồn tại ở đâu đó. Ông có suy nghĩ như thế nào về câu nói lưu hành trong “dân gian” bấy lâu: “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Bên cạnh những ưu điểm, báo chí chúng ta nói chung vẫn đang còn tồn tại một số những hạn chế, khuyết điểm như có những thời điểm bị mạng xã hội lấn át, thậm chí là chi phối. 

Bên cạnh đó, biểu hiện suy giảm đạo đức nghề nghiệp trước những cám dỗ về lợi ích không trong sáng. Như anh nói, tình trạng “Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” là có thật.

PV: Thưa ông, vậy Hội Nhà báo Việt Nam đã có hành động gì trước thực trạng này?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Để khắc phục vấn đề này, từ  gần một năm nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa vào sử dụng phần mềm quản lý việc gỡ bài của tất cả các báo. 

Bước đầu, việc làm này đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Hiện nay, theo thống kê, một tuần, trong số hơn 900 cơ quan báo chí với hàng vạn tin, bài được xuất bản, trung bình chỉ có khoảng vài ba tin, bài đăng lên rồi gỡ. 

Sau đó, chúng tôi đều công khai yêu cầu các cơ quan báo chí có bài gỡ xuống phải báo cáo, giải trình lý do để minh bạch nguyên nhân. Nếu phát hiện bất thường, sẽ có biện pháp xử lý ngay.

PV: Ngoài biện pháp quản lý về mặt công nghệ, Hội Nhà báo Việt Nam còn có biện pháp nào khác hay không, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trong quá trình thực hiện công tác, chúng tôi cho rằng, đối với mỗi nhà báo, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu. 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo được Hội Nhà báo ban hành và áp dụng đã góp phần quản lý, ngăn chặn tiêu cực trong báo chí; khuyến khích người làm báo phục vụ lợi ích tối cao của đất nước… 

Theo quy định, nếu có bằng chứng về việc một nhà báo vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp, Hội Nhà báo sẽ khai trừ, thu hồi thẻ hội viên và sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông  thu hồi thẻ Nhà báo của người đó.

PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi gần đến buổi lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XII?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Điều đáng mừng là trong làng báo của chúng ta hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo giỏi, có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, chất lượng cao, đạt được nhiều giải báo chí uy tín như: Giải báo chí Quốc gia; giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng; giải báo chí của các bộ, ngành, địa phương… Báo Công an nhân dân cũng là một trong những tờ báo thường xuyên được nhận những Giải báo chí danh giá này.

Buổi lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII năm 2017 diễn ra vào tối ngày 21-6-2018 tới đây nhân kỉ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta sẽ tuyên dương các tác giả và nhóm tác giả của 105 tác phẩm báo chí tiêu biểu của năm 2017 với những phần thưởng cao quý. 

Đây là dịp để động viên kịp thời những tác giả và các cơ quan báo chí cả nước đã nỗ lực cống hiến bằng các tác phẩm báo chí xuất sắc, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Vũ Cảnh (thực hiện)
.
.
.