Những câu chuyện xúc động trong lễ tôn vinh người tốt việc tốt

Thứ Hai, 09/10/2017, 08:05
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017, nhiều câu chuyện lên giao lưu đã gây xúc động mạnh, bởi những gương người  tốt, việc tốt đầy ý nghĩa nhân văn.


Đã từ lâu, cái tên Trần Mai Anh nuôi cháu Thiện Nhân và quá trình làm công tác xã hội từ thiện không còn xa lạ với những gia đình có con em không may mắn bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Chị là người sáng lập chương trình nhân đạo “Thiện nhân và những người bạn”, thắp sáng những hi vọng, ước mơ cho hằng trăm em nhỏ, chị còn được các bé yêu mến gọi bằng mẹ.

Năm 2010, chị Mai Anh là một trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô. Kể từ đó tới nay, với sự nỗ lực không mệt mỏi, chị đã cùng những người bạn tiếp tục hành trang công việc thiện nguyện, kêu gọi, liên kết với các bác sĩ nhiều nước trên thế giới sang Việt Nam phẫu thuật, khám và phẫu thuật, tư vấn miễn phí cho hơn 800 trẻ em không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục…

Chị Trần Mai Anh giao lưu tại chương trình.

Chị Mai Anh chia sẻ: “Từ những khó khăn khi tôi và cháu  Thiện Nhân trải qua, có cả những thất vọng và rồi tuyệt vọng nên tôi rất hiểu những người làm cha, mẹ và tâm trạng những cháu bé sinh ra không may mắn bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Từ một bé Thiện Nhân và cho đến giờ đã có hàng trăm em nhỏ không may có những khiếm khuyết bộ phận sinh dục đã được tiếp cận chương trình “Thiện Nhân và những người bạn””.

Những giọt nước mắt xúc động, nghẹn ngào khi ngay trên sân khấu giao lưu chị Mai Anh đã gặp lại cậu bé. Cậu bé ấy, theo chị Mai Anh: “Cách đây nhiều năm đến với chúng tôi cả ngày chỉ ngồi trên bô, không dịch chuyển đứng lên được và đến tuổi đi học không thể tới được trường thì nay đã cháu được 10 tuổi, lần đầu tiên đi học lớp 1, đấy là một niềm vui không hề nhỏ…”.

Một câu chuyện khác, một việc làm tốt tiêu biểu khác đã được chia sẻ tại hội nghị là trường hợp của Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, Đại úy Cường cùng các đồng đội đã có thành tích trong tham gia truy bắt tội phạm, trả lại tài sản bị mất cho người dân. Điển hình là vụ tìm và trao trả chiếc xe máy bị kẻ gian lấy cắp của một người dân tên Hiếu, quê Hưng Yên. Dù buổi sáng diễn ra Hội nghị trời mua khá to nhưng anh Hiếu vẫn lặn lội từ quê đi xe máy nêu trên vượt hơn 20km để đến gặp Đại úy Cường gửi lời cảm ơn.

Anh Hiếu tâm sự: “Đối với người nông dân chúng tôi, chiếc xe máy này là tài sản lớn. Tôi rất cảm kích khi gặp lại ân nhân của mình”. Chia sẻ về việc này, Đại úy Cường cho biết: “Đó là trách nhiệm của CBCS CAND. Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc nhân dân. Không chỉ tôi mà trong đơn vị luôn có nhiều tấm gương người tốt, việc tốt…”.

Bên cạnh người phụ nữ với tấm lòng thiện nguyện bao la và CBCS CAND tận tụy với công việc, còn có những gương điển hình về sự vươn lên, mang vinh quang về cho Tổ quốc, mang lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam. Đó là vận động viên đội tuyển Wushu Hà Nội, đội tuyển Wushu quốc gia Dương Thúy Vi. Với nhiều thành tích cao, giành nhiều huy chương vàng ở các giải như giải trẻ châu Á 2009, 2011; giải trẻ thế giới 2010; SEA Games 2013, 2015, 2017; vô địch thế giới 2013; Asiad 2014. Thúy Vi cũng được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Thủ tướng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch...

Đại úy Nguyễn Tuấn Cường, Ông Mai Xuân Chức VĐV Dương Thúy Vi và em Hoàng Đức Mạnh.

Em vừa trở về nước cách đây 2 ngày, sau khi tham gia Giải Vô địch thế giới lần thứ 14 tổ chức tại KaZan nước Nga và xuất sắc giành tấm Huy chương vàng tại nội dung thương thuật nữ. Chia sẻ vinh quang sau chặng đường hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, Thúy Vi cho biết: “Ngoài những thành tích, những tấm huy chương, đằng sau ánh hào quang luôn là những chấn thương có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Là một vận động viên từ nhỏ đã phải xa nhà, để có được thành tích như hôm nay là công lao, sự ủng hộ của gia đình, bố mẹ, sự nhiệt tình, nhiệt huyết của thầy cô đã dành cho. Và còn hơn thế nữa, em ao ước muốn được đứng lên bục cao nhất, muốn được nghe quốc ca, muốn được chứng kiến quốc kỳ Việt Nam được kéo lên ở bục cao nhất, đó là cảm xúc thôi thúc khiến em vượt qua tất cả để rồi có được như ngày hôm nay”.

Gây xúc động mạnh là câu chuyện về em Hoàng Đức Mạnh, học sinh lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Hồng Quang, huyện Ứng Hòa khi tình nguyện cõng bạn đến lớp học. Không chỉ là một tấm gương vượt khó học giỏi (gia đình thuộc diện hộ nghèo) mà ở độ tuổi của mình, Mạnh còn truyền cảm hứng, lan tỏa đến phong trào người tốt việc tốt trong nhà trường, địa phương nhờ việc sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, người có hoàn cảnh khó khăn.

Đầu năm 2017,  khi còn đang là học sinh lớp 8, nghe tin cậu bạn học cùng lớp là Nguyễn Văn Quang bị tai nạn gãy chân, không thể đi lại được, Mạnh đã đến thăm, động viên và tình nguyện hàng ngày đến tận nhà chở bạn đến trường, cõng bạn lên lớp, đều đặn mỗi ngày 2 lần trong suốt gần 2 tháng. Điều đáng chú ý, khi người bạn của Mạnh có cân nặng còn lớn hơn cả em.

Nói lý do dẫn tới hành động đầy ý nghĩa này, Mạnh chia sẻ: “Em đến thăm bạn, nghe bạn kể vì công việc bận nên bố mẹ khó có thể đưa đón đến trường đều đặn… Lo sợ bạn sẽ phải nghỉ học dài ngày, em đã tình nguyện đưa bạn đến lớp”.

Một việc tốt được xuất phát từ một nguyên nhân rất giản dị. Còn đối với những người cao tuổi, điển hình như ông Mai Xuân Chức (xã Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) hết mình cống hiến xây dựng văn hóa địa phương. Những năm qua, sau khi nghỉ hưu ông đã về quê sinh sống, luôn là gương điển hình tiên tiến, đóng góp tích cực, tham gia nhiều công tác xã hội... Ông Chức nói: “Quan trọng là không phải trước đây mình làm to đến đâu, giữ chức vụ cao thế nào mà mấu chốt là bây giờ mình có nhiệt tình, đóng góp cho quê hương đất nước hay không...”.

M.Hiền
.
.
.