Thi đua phải bền bỉ, thiết thực, hiệu quả

Thứ Bảy, 11/06/2016, 07:10
Gần 70 năm trước, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. 

Trong bối cảnh sự nghiệp kháng chiến kiến quốc đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo nhất song vẫn đứng trước muôn vàn thách thức để tiến tới thắng lợi hoàn toàn, Người nhấn mạnh, mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân; để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều…

Người cũng chỉ rõ: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua; những người thi đua là những người yêu nước. Trong các phong trào thi đua, phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính.

Trong các lời kêu gọi, đồng thời với việc biểu dương những điển hình thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm như: Sự tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời.

Thật ra thi đua là phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương. Nơi thì đặt kế hoạch to quá, rồi làm không nổi. Nơi thì ban đầu làm quá ồ ạt, đến nỗi ít lâu thì đuối sức đi, không tiếp tục thi đua được.

Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào. Nhiều nơi có kinh nghiệm, hoặc kinh nghiệm thành công hoặc kinh nghiệm thất bại, nhưng không biết trao đổi cho nơi khác, để tránh cái dở, học cái hay của nhau. Nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên.

Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực. Đó là những khuyết điểm chính mà chúng ta phải sửa chữa và quyết sửa chữa được. Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được…

Tròn 68 năm qua, lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn giữ nguyên giá trị, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII với mục tiêu tổng quát đặt ra là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…

Để đạt được mục tiêu trên, hơn lúc nào hết, phong trào thi đua yêu nước cần được cụ thể hóa bằng những tiêu chí mới, phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ hiện nay nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Trong đó, phải sáng tạo các hình thức, biện pháp “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều…” như lời Bác dạy. Chúng ta đã có bài học quý giá trong việc thi đua phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt của ngành viễn thông, tin học.

Từ năm 1993, mạng viễn thông liên tỉnh được số hóa ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một năm sau, ngành viễn thông tiến thẳng vào công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM). Cuối năm 1995, hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hóa hoàn toàn. Tiêu chí này giúp Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ số hóa mạng lưới viễn thông cao nhất khu vực ASEAN và Bưu điện trở thành ngành đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước…

Đến nay, ngành Viễn thông (tách ra từ Bưu điện) có những “quả đấm thép” như Vinaphone, Mobifone, Viettel có doanh thu hàng trăm ngàn tỉ đồng mỗi năm, vừa góp phần tăng thu ngân sách, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh… Hiện tại, Việt Nam cũng là một quốc gia có tốc độ và tỉ lệ cao trong khu vực và thế giới về số người sử dụng Internet. Đó là một bài học về sự đi mau, đi tắt, đón đầu trong thi đua trên lĩnh vực viễn thông, tin học.

Một trong những nội dung trọng tâm của Chỉ thị 05 của  Bộ Chính trị (do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 15-5-2016) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là vấn đề xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ.

Theo đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”. Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đạo đức công vụ… Trên tinh thần đó, trong giai đoạn hiện nay, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào những lĩnh vực xã hội đòi hỏi phải có những bước đột phá như: Giáo dục đào tạo, cải cách hành chính, thắt chặt chi tiêu công, chống thất ngu ngân sách, chống đầu tư tràn lan kém hiệu quả, tổ chức biên chế, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Mỗi lĩnh vực, mỗi ngành cần đặt ra những tiêu chí cụ thể, thiết thực và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, tránh bệnh phô trương, hình thức. Các bộ, ngành và chính quyền các cấp cần quán triệt phương châm “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Đặt biệt, cần có lộ trình và quyết tâm xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp thực hiện nguyên tắc “kiến tạo và phục vụ”.

Đó cũng là yêu cầu cấp bách của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới mà thực tế cuộc sống đang đặt ra.

An Khang
.
.
.