Định mệnh buồn của đôi vợ chồng mù lòa

Thứ Tư, 11/05/2016, 16:47
Ngôi nhà vách nứa nằm trên đỉnh dốc của thôn Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là nơi sinh sống của đôi vợ chồng khiếm thị. Do bị mù bẩm sinh nên từ khi lập gia đình đến nay, cuộc sống của anh Chu Văn Lốc (27 tuổi) và chị Hà Thị Duyên (32 tuổi) gặp phải rất nhiều khó khăn. Số phận không may mắn khiến anh Lốc, chị Duyên lâm vào hoàn cảnh khốn cùng.


Khi chúng tôi tìm đến nhà, chị Duyên đang chuẩn bị nấu bữa cơm trưa. Bước vào ngôi nhà tuềnh toàng ấy là không gian trống hoác, chẳng có vật gì đáng giá ngoại trừ mấy bó củi được đặt ở ngoài cửa. Khi được chúng tôi giới thiệu là phóng viên, chị Duyên liền khua tay xuống nền đất để tìm ghế ngồi.

Vừa rót nước mời khách, chị Duyên vừa tâm sự: "Vợ chồng tôi sống cùng nhau đã được ba năm rồi. Hiện chúng tôi đã có một đứa con gái, tuy cuộc sống khó khăn nhưng vẫn hạnh phúc".

Với vợ chồng chị Duyên, cuộc sống của họ ngày cũng như đêm luôn phải cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng những giác quan khác với người bình thường. Dù chị Duyên đã để các đồ vật ở trong nhà rất cẩn thận nhưng mỗi khi cần bất kỳ một đồ vật gì như ghế, bật lửa, bát, đũa, dao là chị lại quờ quạng tìm kiếm một cách rất khó khăn.

Hai vợ chồng mù nương tựa vào nhau trong ngôi nhà tuềnh toàng.

Để duy trì cuộc sống của gia đình nhỏ, hàng ngày chị Duyên vẫn cầm con dao dò dẫm từng bước vào rừng chặt củi bán. Quanh năm suốt tháng chị chỉ quanh quẩn kiếm củi bán lấy tiền hoặc làm ruộng, trồng cây ngô để lấy lương thực sống qua ngày.

Để có nước sinh hoạt, chị Duyên phải gánh từ mó nước Lũng Giang cách nhà cả cây số với một cây gậy dùng để dò đường… Mặc dù bị mù lòa nhưng hầu như tất cả mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay chị.

Anh Chu Văn Lốc - chồng của chị Duyên, ít hơn chị 5 tuổi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo, nhà có 9 anh chị em, nhưng chỉ có mình anh bị mù. Do bị mù từ nhỏ nên anh Lốc đã trải qua không ít nỗi tủi nhục, chịu đựng gian khổ vì bị thiệt thòi hơn những người khác.

Ngày tháng trôi qua, anh chị em trong gia đình lần lượt lập gia đình và chuyển hết đến các nơi khác để mưu sinh. Anh Lốc trở nên cô đơn, lầm lũi và đã nhiều lần suy nghĩ tìm hướng đi cho riêng mình. Từng có lúc sự mặc cảm khiến anh tuyệt vọng

Về phía gia đình chị Duyên, nhà có sáu anh chị em. Chị Duyên là thứ năm trong một gia đình nghèo. Năm lên 12 tuổi, chị Duyên lại bị thêm căn bệnh u mỡ nhiều mạch ở cổ. Vì bệnh tật, mù lòa nên chị Duyên lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng. Một mình chị sống lầm lũi khiến cho gia đình càng thêm gánh nặng.

Anh chị em trong gia đình ấy ít ai quan tâm đến cuộc sống nội tâm và khát vọng tìm kiếm hạnh phúc của chị. Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, chị Duyên đã đi học tẩm quất ở Hội Người mù của huyện Hòa An, và cũng từ đây duyên phận đã mỉm cười với chị.

Anh Lốc, chị Duyên đến với nhau thật tình cờ, lãng mạn. Chị Duyên kể: "Năm 2012 chúng tôi gặp nhau trong chương trình "Tiếng hát từ trái tim" do Hội Người mù của huyện Hòa An và huyện Nguyên Bình tổ chức. Lúc đó anh Lốc hát bài "Đứa bé", bằng tất cả trái tim của một người mù, sau đó tôi chủ động làm quen. Sau lần đấy chúng tôi vẫn thường tham gia vào các chương trình từ thiện do Hội Người mù của huyện Hòa An tổ chức".

Nước sinh hoạt chị Duyên phải đi gánh cách nhà một cây số.

Thế rồi trong những lần đi hát chung đó, mối tình của anh Lốc, chị Duyên ngày một nảy nở. Mặc dù bị mù, nhưng không phải vì thế mà anh chị không dành tình cảm cho nhau. Sau nhiều lần gặp gỡ, anh Lốc và chị Duyên quyết định tìm hạnh phúc cho riêng mình.

Và rồi anh Lốc cũng thủ thỉ với chị Duyên về chuyện tổ chức đám cưới. Năm 2013, gia đình anh Lốc đã tổ chức một đám cưới nho nhỏ. Ngày cưới, đôi vợ chồng mù lòa ấy đã đón nhận được sự đồng cảm sẻ chia của bà con hàng xóm.

Anh Lốc giãi bày: "Hôm vợ chồng tôi cưới nhau, gia đình cũng chỉ làm dăm ba mâm cơm để ra mắt họ hàng. Trước khi kết hôn, anh em trong gia đình cũng có can ngăn nhưng chúng tôi vẫn quyết định chung sống cùng nhau.

Mặc dù bị mù nhưng chúng tôi vẫn khao khát hướng đến một cuộc sống gia đình. Vì gia đình đông anh em nên khi cưới nhau xong, vợ chồng tôi quyết định tách ra ở riêng".

Do gia đình chị Duyên nghèo nên ngày ra ở riêng, bố mẹ cũng chỉ mua cho xoong nồi, rồi dặn dò hai vợ chồng đùm bọc lẫn nhau chứ chẳng giúp được gì nhiều. 

Ngày chuyển ra ở riêng, vợ chồng anh Lốc được họ hàng dựng cho một ngôi nhà tranh. "Chúng tôi sống trong ngôi nhà này gần một năm thì vợ sinh. Cũng may tôi được bà con giúp đỡ, nếu không cũng chẳng biết xoay sở như thế nào", anh Lốc bùi ngùi chia sẻ.

Sau ngày vợ sinh, đứa con gái đầu lòng đã được anh Lốc đặt tên là Chu Thị Như Quỳnh. Từ khi có thêm thành viên mới trong gia đình, cuộc sống của anh Lốc, chị Duyên càng trở nên khó khăn gấp bội lần. Thấy hoàn cảnh vợ chồng mù cứ quờ quạng nuôi con, lại không có tiền mua sữa nên nhiều người còn cho cả gạo để nấu cháo.

Bà Bàn Thị Liều, Bí thư chi bộ thôn Nà Chắn trò chuyện cùng phóng viên.

Màn đêm buông xuống trong ngôi nhà tranh vách nứa. Đôi vợ chồng mù ấy lại hát ru cho con ngủ. Những câu hát chan chứa tình thương lại vang lên trong một không gian bé nhỏ. Những câu hát đó là nỗi niềm của thân phận mù, nhưng có cả nước mắt và tình yêu thương con vô bờ bến.

Thời gian trôi đi đằng đẵng, hiện cháu Quỳnh đã học mầm non. Đối với vợ chồng anh Lốc, đứa con chính là niềm an ủi để anh chị vươn lên trong cuộc sống.

Để chăm lo cho đứa con khôn lớn, nhiều hôm hai vợ chồng phải đi kiếm củi đến sẩm tối mới về nhà. Ngoài việc đi chợ bán củi, hai vợ chồng cũng chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi.

Hằng tháng anh Lốc và chị Duyên mỗi người được 400 nghìn đồng tiền trợ cấp xã hội. Với số tiền ít ỏi đó, hai vợ chồng không đủ để trang trải cho cuộc sống, chưa kể đến những hôm ốm đau bệnh tật.

Hiện chị Duyên còn bị bệnh u mỡ nổi nhiều hạch ở trên cổ. Mù lòa cộng với bệnh tật khiến gia đình chị Duyên, anh Lốc lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Chị Duyên bảo: "Chẳng biết mai này cháu Quỳnh nó lớn lên vợ chồng tôi có nuôi được nữa hay không. Giờ cả hai vợ chồng đều không thể làm được việc nặng. Cuộc sống chỉ trông chờ vào sự trợ cấp nên rất khó khăn. Những lúc khó khăn, tôi lại xa nhà đi tẩm quất ở hội người mù để kiếm đồng vào đồng ra chứ chẳng biết phải làm thế nào".

Thấy hoàn cảnh chật vật, chị Bàn Thị Vân (hàng xóm) thường qua lại nấu cho nồi cơm, rồi động viên để vợ chồng anh Lốc nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Chị Vân chia sẻ: "Nhà tôi ở gần, vợ chồng anh Lốc lại hay ốm, đây là trường hợp đặc biệt nên tôi cũng phải có trách nhiệm. Có nhiều hôm chị Duyên đi làm về cảm gió, nhà không có ai sáng mắt nên tôi lại phải chạy sang giúp anh Lốc đánh cảm. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng Lốc sống rất hạnh phúc".

Bà Bàn Thị Liều, Bí thư chi bộ thôn Nà Chắn cho biết: "Gia đình anh Lốc, chị Duyên là hộ nghèo thuộc diện đặc biệt khó khăn. Vừa rồi thôn cũng có cử người đến gia đình để lợp lại nhà.

Những hôm vợ chồng anh Lốc ốm đau, bà con ở trong xóm cũng có qua lại động viên thăm hỏi chứ chẳng giúp được nhiều vì dân ở đây vẫn còn nghèo. Tết vừa rồi chúng tôi cũng có quyên góp gạo, tặng kẹo bánh cho gia đình.

Cuộc sống còn vô vàn khó khăn nhưng đôi vợ chồng mù vẫn tin vào tương lai.

Đối với gia đình anh Lốc, chúng tôi cũng mong các tấm lòng hảo tâm gần xa cùng chung tay giúp đỡ để gia đình vơi bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống".

Chia tay gia đình khi mặt trời đã chính ngọ, hai vợ chồng lại chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc. Ngồi trong ngôi nhà tranh vách nứa ấy chỉ còn lại hai mảnh đời đang nương tựa vào nhau nuôi con khôn lớn.

Mặc dù bị mù nhưng họ vẫn hướng đến một tương lai tươi sáng, và đứa con chính là động lực để họ vượt qua nỗi đau số phận. Hy vọng rằng đôi vợ chồng mù này sẽ tìm được sự đồng cảm cũng như sự sẻ chia của cộng đồng.

Minh Phượng
.
.
.