Bất hợp lý nhiều trạm thu phí ở Tây Nguyên

Thứ Năm, 14/05/2015, 07:00
Hàng chục trạm thu phí đường bộ sẽ được mọc lên trên các tuyến quốc lộ 14 và 19 khiến nhiều người dân lo ngại vì phải trả tiền lộ phí quá lớn mỗi khi đi qua. Không những thế mà sự bất hợp lý còn thể hiện ở khoảng cách giữa các trạm thu phí quá gần so với quy định pháp lý và có những đoạn đường chỉ làm vài chục cây số để đặt trạm thu phí...

Theo kế hoạch, quốc lộ 14 được nâng cấp, mở rộng từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài 553km, gồm 6 dự án trái phiếu Chính phủ và 5 dự án BOT do các doanh nghiệp đảm nhận. Theo đó, khi hoàn thành trên tuyến đường này sẽ có 5 trạm thu phí BOT được đặt khá dày ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... Riêng chỉ 150km qua tỉnh Đắk Nông có đến 3 trạm thu phí, hơn 57km qua Gia Lai đã có tới 2 trạm thu phí...

Các nhà xe chạy trên tuyến đường qua các tỉnh Tây Nguyên bức xúc, bởi chỉ từ Gia Lai đi Đắk Nông chừng hơn 300km nhưng phải "gồng" 5 trạm thu phí BOT thì quá bất hợp lý. Trong khi đó, mức thu ở các trạm đều được thu cao gấp 2 đến hơn 2,5 lần so với mức bình thường. Cộng thêm 5 trạm từ cầu Bình Triệu, TP HCM đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) thì mỗi phương tiện từ Gia Lai đi TP HCM phải qua 10 trạm thu phí. 

Theo chủ các hãng xe vận tải ở Gia Lai chạy tuyến TP HCM và ngược lại đều cho rằng, khi các trạm thu phí dày đặc trên quốc lộ 14 bắt đầu vận hành từ đầu 2016 thì chắc chắn giá cước vận chuyển phải tăng theo để đáp ứng chi phí, và gánh nặng phí cuối cùng lại đổ lên đầu người dân. Trong khi đó, địa bàn các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, việc hình thành quá nhiều trạm thu phí đường bộ là một bất cập, không phù hợp với điều kiện kinh tế của khu vực Tây Nguyên.

Khu vực đặt trạm thu phí ngay đoạn dốc vào TP Pleiku, Gia Lai.

Phân tích thêm trên trục quốc lộ 14 (đoạn Pleiku - Cầu 110) có tổng chiều dài chưa đầy 60 km, tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, được chỉ định thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2015, thu phí giao thông tại 2 trạm ở Km1610+800 và Km1667+470 từ đầu năm 2016. 

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Tài chính, khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường có chiều dài tối thiểu 70km nhưng ở dự án này cách nhau chưa đầy 60km mà đặt 2 trạm thu phí là chưa phù hợp. Mặt khác, vị trí đặt trạm thu phí tại Km1610+800 (Km 542+500 QL14) nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm đô thị Pleiku và nơi quy hoạch khu công nghiệp với mật độ dân cư đông đúc, nhiều cây xăng dầu hoạt động, đoạn đường dốc nguy hiểm... nên dễ gây mất an toàn giao thông, mất an toàn trong phòng chống cháy nổ và ảnh hưởng mỹ quan đô thị... 

Mặc dù sự bất hợp lý này đã được các doanh nghiệp trên địa bàn nơi đặt trạm thu phí cảnh báo, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị thay đổi vị trí đặt trạm thu phí nơi khác phù hợp hơn nhưng đến nay vẫn không được cơ quan thẩm quyền xem xét...

Trong khi đó quốc lộ 19 từ Bình Định đi Gia Lai có tổng chiều dài hơn 200km nhưng lại đầu tư hơn 55,7km với tổng vốn 2.045 tỷ đồng, theo hình thức hợp đồng BOT và đặt 2 trạm thu phí để hoàn vốn sau hơn 22 năm. Như vậy đoạn đầu tư qua tỉnh Bình Định dài hơn 33km, có điểm đầu tuyến tại Km 17+027, kết nối vào quốc lộ 1, đoạn Km 1212+400 và Km 1265 thuộc địa phận phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn và điểm cuối tại Km 50 thuộc địa phận xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn được bố trí 1 trạm thu phí. Và đoạn đầu tư qua địa bàn tỉnh Gia Lai dài hơn 22,7km, điểm đầu tuyến tại Km 108 thuộc địa phận huyện Đăk Pơ, điểm cuối tuyến tại Km 131+300 thuộc địa phận huyện Mang Yang, Gia Lai cũng được đặt thêm 1 trạm thu phí. Những đoạn đường còn lại trên tuyến này thì sửa chữa, chắp vá tạm thời để chờ vốn...

Trước thực trạng bức xúc về quá nhiều trạm thu phí đường bộ ở Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn để mua lại một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên để giảm bớt các trạm thu phí, giảm bớt áp lực lên người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước khi mua lại cần phải kiểm tra, kiểm định chặt chẽ, nghiêm ngặt về chất lượng các dự án BOT để tránh sự hư hỏng thiệt hại khi công trình được chuyển giao cho Nhà nước quản lý do không đạt chất lượng.
Đặng Ngọc Như
.
.
.