Bình yên Tết đồng bào Mông đen ở Cao Bằng

Chủ Nhật, 14/02/2016, 08:49
Mấy hôm nay, tiết trời như ủng hộ bà con người Mông đen ở Thụy Hùng, huyện Thạch An (Cao Bằng) vui xuân, đón Tết. Không còn cái lạnh thấu da, cắt thịt. Sắc xuân đang lan tỏa nơi các chòm bản. 

Tinh mơ, gia đình anh Hoàng Văn Hoàn ở bản Cốc Bao lục tục trở dậy chuẩn bị mâm cơm cúng ngày đầu năm. Với gia đình anh Hoàn, Tết này ấm áp hơn khi năm vừa qua, vụ nương của gia đình được mùa.

Thụy Hùng là một xã vùng cao của huyện Thạch An. Xã nằm nép mình trên con đường “bò” dọc các vạt núi. Nơi đây được nhiều người biết đến như địa danh gắn liền với cuộc sống của bà con dân tộc Mông đen. Địa hình hiểm trở, tiết trời khắc nghiệt. Thế nên, cuộc sống của bà con gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, mấy năm trở lại đây, hệ thống đường sá, cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã có sự chuyển biến đáng kể.

Hôm 26 Tết vừa qua, chúng tôi đến Thụy Hùng cùng nhà tài trợ Công ty Duy Lợi tặng quà các hộ gia đình người Mông đen có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Tại đây, chúng tôi thấy các cán bộ UBND xã đang làm thủ tục chuyển gạo hỗ trợ trong dịp Tết của các cấp, các ngành tới bà con. Anh Hoàng Nguyên Tuyên, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Thụy Hùng vừa chuyển gạo tới các hộ gia đình vừa cho biết, năm nay, mỗi nhân khẩu thuộc hộ nghèo trên địa bàn được nhận thêm 15kg gạo để ăn Tết.

Trong cái se lạnh của tiết trời đầu xuân, chở theo bao gạo được hỗ trợ phía sau xe, chị Vi Thị Hòa, người dân tộc Mông đen ở bản Ka Liệng vui lắm. Vui vì Tết này, gia đình chị có thêm gạo, thêm quà Tết do Nhà nước và các đoàn từ thiện ủng hộ. Chị Hòa bảo, người dân Mông đen như gia đình chị trong mấy năm trở lại đây đều đón Tết Nguyên đán chung với người Kinh dưới xuôi. Những khó khăn, vất vả vẫn còn nhưng gia đình chị luôn nỗ lực lao động, tăng gia sản xuất, chăm chỉ lên nương. Bởi vậy, mùa vụ năm nay, gia đình chị đã có thêm ngô, thêm thóc mừng đón một mùa xuân ấm áp.

Ở các bản làng người Mông đen của xã Thụy Hùng, địa hình khá hiểm trở. Có điểm bản, để lên được trung tâm xã, bà con phải mất nhiều giờ vượt đường đèo hiểm trở. Một số điểm bản xa phải kể đến như: Ka Liệng, Khưa Đí, Bản Sliển, Bản Néng v.v...

Đoàn công tác của Báo CAND và Công an tỉnh Cao Bằng thăm hỏi, chúc Tết gia đình anh Hoàng Văn Hoàn.

Tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay thật chặt, anh Đàm Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Thụy Hùng giới thiệu khá tỉ mỉ về phong tục tập quán, thói quen đón Tết Nguyên đán của bà con người Mông đen. So với các dân tộc khác trên địa bàn, hiện tỷ lệ hộ dân người Mông đen thấp hơn nhiều. Toàn xã chỉ có 72 hộ dân/193 hộ dân là người Mông đen. Thói quen, tập quán của bà con Mông đen có những khác biệt nhất định. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, bà con người Mông đen cũng ăn Tết giống với người Kinh. Theo phong tục, vào những ngày Tết Nguyên đán này, bà con đều ngơi nghỉ, ăn mừng mùa vụ, mùa nương, đồng thời thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, với tổ tiên đã che chở, giúp gia đình có một năm với mùa màng bội thu, ai nấy trong gia đình đều khỏe mạnh.

Tết của đồng bào Mông đen có những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng. Vào thời điểm trước đêm giao thừa, bà con người Mông đen thường rủ nhau tới nhà văn hóa thôn, bản để chung vui, sẻ chia niềm vui mừng đón xuân sang. 

Theo anh Đàm Văn Danh, người Mông đen luôn quan niệm rằng, ngày cuối năm chính là ngày mà kết thúc những phiền lo, là thời điểm khởi đầu của một mùa hy vọng, một mùa bội thu mùa màng. Do đó, trước đêm giao thừa, bà con thường tổ chức “Tết chung” bằng cách đến nhà văn hóa thôn, bản cùng nhau giao lưu, chơi các trò chơi truyền thống như: đố vui, hái hoa dân chủ, hát giao duyên…

Sau những cuộc chơi là hình ảnh bà con nâng chén rượu ngô chúc tụng nhau. Tổ chức “Tết chung” xong cũng là lúc thời khắc giao thừa sắp tới, mọi người trở về nhà bài trí mâm cơm cúng tổ tiên, trời đất với đầy đủ: bánh chưng, bánh khảo, con gà, bánh kẹo…

Làm lễ cúng trời đất, tổ tiên xong, các hộ gia đình thường đi lấy nước ở các khe suối, mạch ngầm về để các thành viên trong gia đình sử dụng vào dịp đầu năm. Qua đó, mong muốn năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, bình an, mùa màng được vụ. Trong mấy ngày Tết, người Mông đen rất kỵ việc cãi cọ, có lời lẽ khiếm nhã với nhau, bởi theo quan niệm của người xưa, đấy chính là điềm xấu khiến các gia đình không gặp may mắn trong năm mới.

Hôm đến nhà anh Hoàng Văn Hoàn, dân tộc Mông đen, ở bản Cốc Bao, chúng tôi được anh khoe, năm nay được mùa nên gia đình có thêm ngô, thêm mía để đón Tết. Bên bếp lửa rực hồng, chú mèo tam thể của gia đình cứ vùi mình trong đám tro tàn. Các thành viên trong đoàn công tác của Công an tỉnh Cao Bằng, huyện Thạch An vừa thăm hỏi, chúc Tết, vừa nghe anh Hoàn kể về những phong tục, thói quen sinh hoạt của gia đình anh trong mấy ngày Tết Nguyên đán. 

Với gia đình anh cũng như các hộ gia đình người Mông đen khác sinh sống trên địa bàn, trong những ngày đầu năm, mọi người đều hòa mình trong không khí lễ hội đông vui, rộn ràng. Nam thanh, nữ tú vận trên mình những bộ quần áo dân tộc rực rỡ sắc màu, hồ hởi đùa vui trong tiếng hát giao duyên, điệu mùa, trò chơi ném pao. Khi cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại hơn, thì đây chính là bản sắc và cũng là niềm tự hào của bà con Mông đen.

 Dù còn những khó khăn, vất vả ở phía trước, thế nhưng trong những ngày này – dịp Tết Nguyên đán, với bà con người Mông đen Thụy Hùng, mọi người đều cảm thấy hân hoan, mừng vui đón năm mới, chúc tụng nhau những điều rủi ro, bệnh tật trôi đi theo năm cũ, năm mới sẽ gặp nhiều điều an lành.

Theo Thượng tá Nông Ngọc Dũng – Phó trưởng Công an huyện Thạch An, trong mấy ngày Tết vừa qua, lực lượng Công an huyện luôn đảm bảo hơn 70% quân số ứng trực, đảm bảo ANTT cho bà con trên địa bàn vui xuân đón Tết. Tại 16 xã, thị trấn đều có các cán bộ chiến sĩ Công an “cắm bản” trực tiếp xuống “3 cùng” đón Tết cùng người dân. Việc “3 cùng” đón Tết vừa thể hiện tình cảm giữa người cán bộ chiến sĩ Công an với bà con và cũng là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc góp sức mình vào công tác đảm bảo ANTT, giải quyết kịp thời những sự vụ phát sinh trong mấy ngày Tết.
Trần Huy
.
.
.