Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý

Thứ Tư, 13/05/2015, 10:25
Trong tất cả các tài liệu và bản đồ chính thức của Trung Quốc đều thống nhất với ghi nhận trong ấn bản của “Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen rằng, điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam.

Bài 1: Chủ quyền Việt Nam từ các tư liệu thế giới

Trung tuần tháng 5, phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) có công hàm gửi phái đoàn thường trực các nước tại LHQ, trong đó khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của Trung Quốc ở biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo, bãi ở biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”. 

Ngay lập tức, tuyên bố này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng đã lên tiếng bác bỏ và một lần nữa khẳng định chủ quyền và quyền tài phán ở biển Đông. Đồng thời, với những bằng chứng lịch sử và các cơ sở pháp lý đầy thuyết phục, Việt Nam khẳng định, những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. 

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Công an nhân dân xin trích đăng giới thiệu một số tư liệu lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ bản đồ và ghi chép của phương Tây

Có thể nói rằng, cho đến nay, có hàng trăm ấn phẩm xuất bản tại các nước phương Tây từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 có thông tin liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Những tư liệu được xuất bản trong hàng trăm năm qua này hiện vẫn đang được trưng bày tại các cuộc triển lãm về Hoàng Sa - Trường Sa tổ chức khắp các tỉnh, thành của cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh… 

Nhiều học giả nổi tiếng thế giới khi tiếp cận với những tư liệu này đều khẳng định đây là những bằng chứng quan trọng, khách quan thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa. 

Được vẽ thống nhất theo tỉ lệ 1/1.641.836, kích thước 53,5x37cm, bộ “Atlas thế giới” có thể ghép lại thành quả địa cầu đường kính 7,755m. Gần 200 năm nay, bộ Atlas này đã trở nên nổi tiếng, được khai thác sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.

Đáng chú ý là ngoài số này có rất nhiều bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải cổ do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương và truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên những tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa luôn được thể hiện bằng hình vẽ trong vùng biển Đông của nước ta với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác. Tùy theo ngôn ngữ của từng nước, những quần đảo này được gọi là Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels, Paracelso… Còn vùng bờ biển Quảng Nam – Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa)… Bản đồ bán đảo Đông Dương của anh em nhà hàng hải người Hà Lan Van-Langren (1595) đã ghi nhận điều này. 

Thậm chí, ngay cả những tấm bản đồ từ năm 1507 cũng ghi vẽ Việt Nam với biển Đông và quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Đến những năm 1630, nhật ký của một công ty Ấn Độ - Hà Lan của J.M.Buch có nói về sự kiện 3 tàu biển Veehuizen, Schagen và Grootebroek thuộc công ty này bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc xứ Đàng Trong thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635)…

Những lá thư của các giáo sĩ phương Tây ở Trung Quốc năm 1701 cũng kể lại chuyến đi ra quần đảo Hoàng Sa thuộc vương quốc An Nam với bãi đá ngầm khủng khiếp, nơi xảy ra nhiều vụ đắm tàu… Hàng chục năm sau đó, ghi chép của một giáo sĩ kiêm thương nhân Pháp tên Pierre Poivre và đô đốc hải quân Pháp, Bá tước M.d.Estaing đều khẳng định, chúa Nguyễn đã đưa quân và khí tài là các khẩu súng thần công ra quần đảo Hoàng Sa để canh giữ chủ quyền… 

Còn TS Gutzlaff (1801-1851), Hội viên Hội địa lý Hoàng gia Anh trong cuốn sách “Đại lý vương quốc Đàng Trong” cho biết, từ lâu, chính phủ An Nam đã thiết lập trại binh và một điểm thu thuế trên quần đảo Hoàng Sa để thu thuế các tàu thuyền đến đây và bảo trợ những người đánh cá bản quốc. 

Tiếp đó, những cuốn sách như “Storia delle Indie OrientC ali” của Felice Ripamonti xuất bản tại Milano năm 1825, cuốn “Compendio di Geografia” do nhà địa lý Italia Adriano Balbi soạn thảo năm 1850… đều khẳng định, vương quốc An Nam có quần đảo Paracels, nhóm đảo Pirati và nhóm đảo Poulo Conda (tức Hoàng Sa, Hải Tặc và Côn Đảo) và sự thờ ơ của Trung Quốc đối với đảo này.

Đặc biệt, cuốn “Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen (1795-1869) xuất bản năm 1827 tại Brusells (Bỉ) là một bằng chứng hùng hồn về giá trị pháp lý cao, bổ sung vào kho bằng chứng khổng lồ chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. 

Philippe Vandermaelen là thành viên Viện Hàn lâm Hoàng gia các ngành khoa học và mỹ văn Vương quốc Bỉ và là người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Brusells. Tập bản đồ này, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110 đều có ghi chú rõ ràng, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của vương quốc An Nam. Riêng tờ bản đồ số 106, vị trí kinh độ, vĩ độ của quần đảo Hoàng Sa được vẽ một cách chính xác. Còn Trung Quốc được vẽ với điểm cực Nam kết thúc ở vĩ độ 22, đường biên giới biển của Trung Quốc chỉ đến phía trên vĩ tuyến 18…

Đến các tài liệu chính thức của Trung Quốc

Trong khi đó, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng nào chứng minh việc nước này xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong chiều dài lịch sử. Suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tổng Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), không có sách lịch sử hay bản đồ chính thức nào của Trung Quốc ghi nhận Hoàng Sa và cả Trường Sa  là một phần lãnh thổ của Trung Quốc cho đến tận giữa thế kỷ XX. 

Trong tất cả các tài liệu và bản đồ chính thức của Trung Quốc đều thống nhất với ghi nhận trong ấn bản của “Atlas thế giới” của Philippe Vandermaelen rằng, điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. 

Thậm chí, cho đến cuối thế kỷ XX, tài liệu chính sử ghi chép lại cho thấy Trung Quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam. 

Cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: "Lộ trình phía ngoài được nối với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức phên giậu phòng thủ biên giới phía ngoài của nước An Nam”. 

Chính sử nhà Thanh ghi rõ, cho đến cuối thế kỷ XIX, lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết, trong các bản đồ chính thức của triều đình không hề có các địa danh Tây Sa, Nam Sa hay Vạn Lý Trường Sa... 

Một tấm bản đồ được đích thân các Hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sĩ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp tư liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục trong gần hai thế kỷ (1708-1904), do Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, rồi đến Đại Thanh đế quốc toàn đồ vẽ năm 1905 (nhà xuất bản bản đồ Tây An tái bản năm 1995 trong Trung Quốc cổ địa đồ trân tập), cương giới phía Nam của Trung Quốc trên hai bản đồ này cũng chỉ tới đảo Hải Nam. 

Đến năm 1908, Trung Quốc toàn đồ và Quảng Đông địa đồ trong Trung Quốc cận thế dư địa đồ thuyết do La Nhữ Nam biên soạn; hoặc Nhị thập thế kỷ trung ngoại đại địa đồ cũng đều ghi rõ cương giới phía Nam của Trung Quốc là cực Nam của đảo Hải Nam. 

Thậm chí, Hoàng Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 còn ghi rõ “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết. Từ đó, có thể khẳng định rằng, nhà Thanh kết thúc năm 1911 chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.