Trước thực trạng hạn, mặn lịch sử tại ĐBSCL:

Kỳ cuối: Cần giải pháp lâu dài

Chủ Nhật, 06/03/2016, 10:44
Mục tiêu mấu chốt nhất vẫn là chuyện tìm nguồn nước, đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, tiếp tục đánh thức tiềm năng của vùng đất “chín rồng”…


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang – ông Trương Cảnh Tuyên cho biết, vài ngày tới, UBND tỉnh sẽ cử đoàn công tác ra Trung ương xin hỗ trợ kinh phí khoảng 270 tỷ đồng để thực hiện cho xong 30km đê ngăn mặn còn lại thuộc dự án đê ngăn mặn Vị Thanh – Long Mỹ. Tại Cà Mau, tỉnh đang khẩn trương thực hiện dự án xây hồ chứa nước ngọt diện tích khoảng 100 ha trong rừng tràm U Minh Hạ. 

Theo các chuyên gia, hồ này sẽ giúp Cà Mau chủ động khoảng 5 triệu m3 nước ngọt, phục vụ nhu cầu cho khoảng 250.000 hộ dân trên địa bàn trong trong suốt mùa khô. Tỉnh Bạc Liêu cũng vừa có văn bản đề nghị Trung ương đầu tư sên vét các tuyến kênh bức xúc, ưu tiên cho các tuyến kênh lấy nước ngọt về; tiếp tục đầu tư trạm bơm và hệ thống ô đê bao khép kín; đồng thời đề nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ sớm đầu tư xây dựng âu thuyền Ninh Quới.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, với tình trạng mặn xâm nhập gây thiệt hại nhiều diện tích lúa Đông Xuân hiện nay, hệ thống cống của các địa phương khu vực ĐBSCL không đủ sức chống chịu. 

Diện tích lúa thiệt hại tại các tỉnh ĐBSCL ngày càng tăng.

Vì vậy, mỗi địa phương có giải pháp riêng phù hợp với tiểu vùng của mình. ĐBSCL là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (theo kịch bản biến đổi khí hậu thì đến cuối thế kỷ 21, nước biển có thể dâng gần 1m), đồng thời các nước thượng nguồn (Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia) đã và đang có những tác động đến dòng chảy sông Mêkông nên nguy cơ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở ĐBSCL ngày càng gay gắt. 

Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có các nghiên cứu để có các biện pháp thích nghi, ứng phó phù hợp. 

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi dòng chảy thượng nguồn (chuyển đổi diện tích trồng lúa không đảm bảo nguồn nước sang kinh tế nước mặn, nước lợ); tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án WB6, WB9 (với tổng kinh phí khoảng 500 triệu USD);... nghiên cứu các giải pháp trữ nước, chuyển nước ngọt cho một số vùng ven biển, tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm bơm trong Chương trình bơm điện cho ĐBSCL. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết thêm, hiện nguồn kinh phí của Chính phủ hiện không đủ để nâng cấp đê bao, cống ngăn mặn. Để hệ thống đê, cống của vùng ĐBSCL hoàn thiện chặt chẽ, liên hoàn có thể mất hơn 1 tỷ USD. Do đó, song song với việc huy động nguồn vốn ODA và nguồn vốn chính phủ thì mỗi địa phương phải có giải pháp cụ thể về hoàn thành đê, cống đối với từng tiểu vùng để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu chống mặn, hạn hiện nay.

Cũng liên quan đến những nỗ lực thực hiện các giải pháp chiến lược cho vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có hạn, mặn, ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, ngày 24-2, Ban đã chủ trì cuộc họp trao đổi phương pháp phối hợp thực hiện xây dựng Đề án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích tự nhiên khoảng 488.935 ha, trong đó An Giang chiếm 48,92%, Kiên Giang 47,97% và Cần Thơ chiếm 3,11%.

Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi đã được đầu tư trong vùng giúp mang lại hiệu quả rất lớn cho việc phát triển kinh tế xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân và kiểm soát lũ một cách chủ động.

Đến năm 2015, vùng Tứ giác Long Xuyên đã gieo trồng hơn 870.000ha đất, sản xuất lương thực được hơn 5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nay một số công trình đã không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, cần phải được đầu tư nâng cấp và bổ sung hoàn thiện trong bối cảnh mới nhằm phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp như chủ động ứng phó với những diễn biến mới và phức tạp của tình hình nước lũ, nắng hạn và nước biển xâm nhập.

Thái Bình
.
.
.