Ngăn chặn hội chứng thích... "nắm đấm"

Thứ Tư, 02/08/2017, 10:59
Chưa biết rõ thực hư, cứ hô là lao vào đánh, vào quây bắt giữ người. Liên tiếp các vụ đánh hội đồng được truyền tải trên mạng xã hội và truyền thông chính thống đưa tin khiến những người có lương tri đặt câu hỏi, “xã hội ta sao lại … thích “nắm đấm” đến vậy?”. 


Phóng viên Báo CAND có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ để lý giải hiện tượng này và đề xuất giải pháp ngăn chặn hội chứng đáng buồn này.

Phóng viên (Pv): Hai người đi bán tăm tình thương bị dân làng nghi bắt cóc trẻ em và đánh cho tơi tả; người đàn bà đi bán cám gia súc bị cả ngàn người quây vì lỡ bế đứa bé 2 tuổi sang nhà hàng xóm chơi; hai người đàn ông ngoại quốc bị nghi ngờ sử dụng thuật thôi miên nên dân làng giữ lại…, ông hãy giúp lý giải hiện tượng này?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Gần đây bùng phát hiện tượng bạo lực đám đông (hay còn gọi là đánh hội đồng). Tại sao gọi là bùng phát? Tôi theo dõi thì thấy, chỉ trong tháng 7 có đến 6-7 vụ đánh, giữ người nghi là bắt cóc trẻ em; còn các vụ đánh, đốt xe đối tượng trộm chó thì nhiều hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn mà liên tiếp các vụ bạo lực liên quan đến đám đông như vậy là sự bùng phát bạo lực rất đáng lo ngại.

Pv:Vậy cần phải làm gì trước cơn bùng phát này lại, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Cần phải điều chỉnh ngay, nếu không có khả năng tình trạng này sẽ lan tỏa, phổ biến.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ.

Pv: Trước khi đưa ra giải pháp, ông có thể cho biết nhận định của mình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đám đông thích dùng “nắm đấm”?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Nguyên nhân có nhiều. Nhưng theo tôi, nguyên nhân chiều sâu là về nhận thức thiếu thượng tôn pháp luật trong xã hội hiện nay của một bộ phận người dân. Biểu hiện ở chỗ người dân hiểu pháp luật ít quá, không có ý thức dựa trên quy định pháp luật để hành xử trong cuộc sống; việc người ta hành động theo pháp luật rất yếu; Người ta yêu cầu người khác hành động theo pháp luật cũng yếu. Nếu người ta hành động bằng cái tự nhiên, bức xúc, thiếu kiềm chế thì dễ dẫn đến bạo lực. Trong khi đó, rõ ràng bạo lực đám đông là vi phạm pháp luật rồi.

Pv: Từ sự bùng phát bạo lực đám đông sẽ dẫn đến hệ lụy gì nữa thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Theo tôi, từ tình trạng này sẽ dẫn đến gia tăng bạo lực ở mọi cấp độ khác nhau, như bạo lực gia đình, học đường, công sở… và không loại trừ cả bạo lực gay gắt, gây hậu quả nghiêm trọng.

Pv: Hình như mạng xã hội cũng có tác động dẫn đến bùng phát bạo lực đám đông, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Mạng xã hội ngày nay rất phát triển, tốc độ lan truyền thì nhanh chóng mặt. Nhiều người tham gia mạng xã hội nhưng am hiểu pháp luật không đầy đủ. Người ta hướng đến sự lạ, gây hiếu kỳ cho người đọc. Mục tiêu của họ nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình, câu like. Sự phát triển này không khống chế được vì đây là quyền của người ta phát ngôn.

Đánh vào cái hiếu kỳ nên có những cái bé mà xé ra to. Điều này gây nên tâm lý bức xúc, nhiều khi là thù hận. Kiểu truyền thông mạng này làm cho người ta có tâm lý bức xúc, nên khi sự việc xảy ra người ta chưa kiểm chứng nhưng đã coi như thật. Thế là họ lao đến đánh hội đồng, vây bắt giữ người trái phép, đốt xe, lật xe… gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phương hại tới an ninh trật tự. Có những trường hợp, Công an phải có mặt để giải tán đám đông.

Pv: Sự việc xảy ra ở Hà Tĩnh ngày 29-7 thật đáng sợ, bắt đầu từ thông tin loan truyền trên mạng xã hội mà có hàng trăm người quây kín khu nhà nơi nghi ngờ có người phụ nữ bán cám bắt cóc trẻ em. Công an huyện Can Lộc đã giải tán đám đông, giải cứu an toàn người đàn bà bán cám bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em rất khéo léo. Nhưng đây chỉ là một tình huống cụ thể, theo ông chúng ta phải làm gì để giải quyết cơ bản tận gốc vấn đề?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Trong trường hợp này, tôi thấy cách làm của cơ quan Công an rất linh hoạt và hiệu quả. Tôi còn kỳ vọng tình trạng bạo lực đám đông không tiếp tục diễn ra khi chúng ta có hành động đúng đắn. Chúng ta có đủ cơ sở để khống chế, dập tắt các cơn bùng phát này. Nó khác hẳn với bạo lực cá nhân, bạo lực gia đình, vì vấn đề này khó giải quyết trong ngày một, ngày hai.

Người đàn bà bán tăm bị đánh hội đồng do nghi ngờ bắt cóc trẻ em.

Pv: Vậy ông có giải pháp nào không?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi lấy ví dụ bạo lực đánh hội đồng vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em, chúng ta dễ khống chế vì: Xã hội Việt Nam có đủ các thiết chế đến tận xóm, thôn, hộ gia đình; Người dân nói chung đều muốn an lành, an toàn. Chúng ta nên có “phác đồ” đề điều trị. Tôi tưởng tượng những phác đồ này rất dễ.

Pv: Ông có thể đưa ra một “phác đồ” điều trị cụ thể được không?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Chúng ta có thể đưa ra nhiệm vụ cho một tổ chức, có thể đấy là Mặt trận Tổ quốc. Mặt trận Tổ quốc giao cho một cá nhân trong vòng 1 ngày mời 4-5 nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực: Xã hội học, Tâm lý, phòng chống tội phạm… vạch ra “phác đồ” với những nội dung như: Thực trạng; báo động hành vi; pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em; căn dặn không dùng bạo lực vì bạo lực là phạm pháp… Ngày hôm sau, chuyển “phác đồ” đó cho tỉnh, huyện. Đến ngày thứ 3, Mặt trận Tổ quốc cấp huyện có cuộc tập huấn cho Mặt trận Tổ quốc cấp xã. Từ đó, phổ biến đến toàn bộ người dân. Tôi cho rằng, cùng lắm thì chỉ 1 tuần là “phác đồ” này đến được với toàn dân, quan trọng là chúng ta có làm hay không. Tôi nghĩ đến “phác đồ” điều trị bạo lực đám đông giống như dẹp dịch, nên cần nhanh chóng và huy động mọi người cùng tham gia. Bản thân tôi khi được gọi, tôi sẽ ra làm ngay.

Pv: Ngày nay, thế giới thu nhỏ trong lòng bàn tay chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, ông có nghĩ đến vai trò của truyền thông chính thống trong cuộc “dẹp dịch” này không?

Ông Nguyễn Hùng Vĩ: Có chứ. Như đã nói ở trên, chính những tin đồn trên mạng xã hội đã gây ra tâm lý bất ổn của đám đông. Thế nên, chúng ta rất cần kênh truyền thông chính thống đưa ra những thông tin chính xác, đầy đủ để đánh tan nghi hoặc. Trong một khoảng thời gian nhất định, truyền thông chính thống lên tiếng đồng loạt tạo sẽ tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, dư luận. Đến lúc đó, sẽ dập tắt hoàn toàn thông tin thất thiệt gây bất ổn tâm lý của đám đông. Đồng thời, đây cũng là dịp phổ biến thêm những kiến thức pháp luật để mọi người dân cùng hiểu đầy đủ rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đánh người khác cũng làm phạm pháp.

Pv: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.