Ngư dân trở thành triệu phú nhờ nỗ lực vươn khơi, bám biển

Thứ Tư, 14/01/2015, 13:39
Từ gia cảnh nghèo khó, cuộc sống thiếu trước, hụt sau, nhưng nhờ quyết tâm và nỗ lực bám biển đã giúp nhiều ngư dân ở làng chài Đông Hải, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành triệu phú. Hiện làng chài này đang dẫn đầu toàn huyện Phú Lộc về số lượng tàu cá công suất lớn, cũng như sản lượng hải sản đánh bắt hằng năm…

Làng chài Đông Hải nằm sát bên mép đầm phá Cầu Hai rộng lớn, với những căn nhà hai tầng khang trang nối liền kề được xây dựng từ lợi nhuận của những chuyến biển dài ngày.

Tranh thủ ngày nghỉ vì biển động, ngư dân Trần Đen (36 tuổi, ở thôn Đông Hải) cùng vợ sắp xếp lại ngư lưới cụ trên tàu rồi tâm sự cùng tôi về nghề đi biển của mình. Anh Đen kể, gia đình vốn có nghề đi biển truyền thống nên từ năm 15 tuổi, anh đã theo cha lên tàu ra khơi đánh bắt cá. “Thời điểm ấy, hải sản trên biển phong phú lắm, nhưng vì tàu có công suất 45CV nên chỉ đánh bắt các loại tôm, cá gần bờ; năng suất lại rất thấp. Năm 2006, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho ngư dân đi biển, gia đình quyết định cải hoán, nâng công suất máy lên 90CV, rồi đến 300CV.

Sau nhiều năm đi biển, vợ chồng mình tích cóp được một số vốn kha khá, cộng thêm vay mượn ngân hàng 400 triệu đồng để cuối năm 2014 đóng mới chiếc tàu 700CV vừa phục vụ nghề đánh bắt, vừa làm dịch vụ hậu cần nghề cá”, chỉ cho tôi xem chiếc tàu cá số hiệu TTH-95644 màu sơn xanh thẫm neo đậu trên đầm ngay trước mặt nhà, anh Đen hồ hởi cho biết.

Tàu cá của gia đình anh Đen được xem là chiếc tàu lớn nhất, nhì ở huyện Phú Lộc.

Theo anh Đen, ngoài ngư trường truyền thống ở Thừa Thiên - Huế, tàu cá của gia đình anh và đội tàu đoàn kết của thôn còn tham gia đánh bắt ở các ngư trường Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cứ mỗi chuyến ra khơi, tàu anh đánh bắt được trên 30 tấn hải sản. Trừ tiền xăng dầu, chi trả tiền nhân công thì mỗi chuyến biển thu lãi “ròng” trên 40 triệu đồng.

Ngư dân Trần Hòa (60 tuổi, ở thôn Đông Hải) cũng được nhiều người biết đến khi từ một hộ dân nghèo khó, ông Hòa đã biết vươn lên làm giàu, trở thành triệu phú với gia tài hiện có là chiếc tàu cá TTH-95429, có công suất 600CV và góp cổ phần hàng trăm triệu đồng để đóng thêm 2 chiếc tàu cá công suất lớn. Nói về nghề đi biển, ông Hòa cởi mở: “Không những gia đình tui, mà hơn 5 năm qua, kể từ khi xã thành lập Hội Nghề cá thì nhiều ngư dân trong thôn đã có điều kiện được vay vốn ngân hàng, có tiền đóng tàu mới công suất lớn để đi biển... Nhờ thế mà thoát nghèo đấy chú à!”.

Hiện ở thôn Đông Hải có nhiều ngư dân đang là chủ sở hữu của những chiếc tàu lớn, với giá trị ước tính bằng tiền tỷ.

Nhờ lợi nhuận từ nghề đi biển nên không ít ngư dân ở Đông Hải đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Ngư dân Trần Thoạn (59 tuổi) là một trong số đó, khi gia đình ông có đến 2 chiếc tàu cá là TTH-92026 và TTH-95527 có số vốn đầu tư đóng mới trên 2 tỷ đồng. Hơn 40 năm bám biển mưu sinh, khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió biển, ông Thoạn không thể nào nhớ hết mình đã có bao nhiêu lần ra ngư trường Hoàng Sa để cùng ngư dân tỉnh bạn đánh bắt thủy hải sản.

Chỉ chiếc máy ICom được đặt ở góc tủ giữa nhà, ông Thoạn chia sẻ: “Đi biển, ngư dân không những quyết tâm đánh bắt hải sản để làm giàu mà còn quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau lúc gặp hoạn nạn. Vì thế mà chúng tôi luôn xem chiếc Icom này là vật bất ly thân. Bởi nếu có sự cố, mình chỉ cần nhấc máy ICom để gọi các tàu trong đội tàu của xã đang đánh bắt gần đó đến hỗ trợ”.

Nói rồi, ông kể, dịp cuối năm 2014, tàu ngư dân Trần Phước (ở thôn Lê Thái Thiện, xã Lộc Trì) đang đánh bắt cách bờ 70 hải lý thì bị chết máy. Lúc chiếc tàu này đang trôi dạt và có nguy cơ bị sóng biển đánh chìm thì tàu của ông Thoạn nhận được tín hiệu cầu cứu trên ICom nên chạy đến lai dắt chiếc tàu cá này vào bờ an toàn.

Ông Trần Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì cho biết thêm: “Hiện toàn xã có 120 tàu cá công suất từ 90 đến 700CV. Trong đó, chỉ tính riêng ở thôn Đông Hải có đến 22 tàu có công suất trên 450CV, với sản lượng đánh bắt đạt trên 1.000 tấn hải sản/1 năm. Nghề đi biển không những giúp ngư dân Đông Hải làm giàu với thu nhập hằng năm từ 300-400 triệu đồng, mà còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”. Mặc dù đã có nhiều ngư dân trở thành triệu phú, song các ngư dân ở làng chài Đông Hải vẫn mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc hỗ trợ làm thủ tục, quy trình thế chấp tài sản để vay vốn tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ với hy vọng được đóng thêm nhiều tàu vỏ gỗ công suất lớn, phục vụ việc vươn khơi bám biển và bảo vệ ngư trường.

Anh Khoa
.
.
.