Người dân miền Tây thấp thỏm ngóng trông mùa nước nổi

Thứ Bảy, 03/10/2015, 09:13
Gần cuối tháng 8 (Âm lịch), người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn còn “ngóng” mùa lũ (mùa nước nổi). Mực nước vẫn thấp, khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hoạt động sản xuất của người dân trong mùa nước nổi cũng đìu hiu…

Hụt nguồn lợi thuỷ sản

Mỗi năm, hoạt động sản xuất nông nghiệp trong mùa nước nổi ở tỉnh Đồng Tháp và An Giang tạo ra hàng ngàn tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn. Năm nay, mực nước về thấp, hoạt động của các làng nghề chuyên cung cấp ngư cụ cho người dân cũng ảnh hưởng. Tại các huyện đầu nguồn những cánh đồng trải dài xa tít người dân đã ngưng sản xuất lúa vụ 3, chờ xả lũ nhưng cũng không có nước.

Ông Trần Văn Út (ngụ xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) – người có thâm niên nhiều năm đóng đáy cá linh lắc đầu nói: “Mỗi ngày chỉ kiếm được vài ký cá, giảm rất nhiều so với những năm trước đây. Mấy công lúa 2 vụ của gia đình tính chờ nước để xả lũ nuôi tôm càng xanh nhưng không có nước cũng đành bỏ không”. 

Xã Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú, tỉnh An Giang), nơi hằng năm được xem là vùng đất đón mùa nước nổi sớm, không khí cũng rất đìu hiu. Nhiều hộ dân chuyên đặt dớn, đặt lọp đánh bắt cá, tôm cũng dần chuyển nghề hoặc nghỉ hẳn. Thanh niên trong xóm, rủ nhau lên các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ làm công nhân nhà máy.

Theo ông Nguyễn Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, những năm trước, tới mùa lũ người dân khai thác được hơn 2.000 tấn cá, chưa kể các hoa lợi, rau màu… Nhưng năm nay, có nhiều vùng ở đầu nguồn nước còn chưa tràn đồng.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long lo lắng...

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng 10/2015, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần và đạt mức cao nhất vào cuối tháng. Mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu: 2,8m, trên sông Hậu tại Châu Đốc: 2,4m, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 1,2 đến 1,2m. Ông Lê Hoàng Vũ - Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Năm nay lũ ít, người dân cũng rầu lắm, vì nước thấp như vậy đâu có cá, tôm để khai thác”.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp và An Giang, lo ngại nhất là khi không có lũ thì chi phí sản xuất sẽ tăng cao, năng suất, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. “Mấy công ruột sản xuất lúa 2 vụ, chừa 1 vụ để khai thác mùa lũ nhưng nay coi như không thu hoạch gì. Không có lũ thì vụ sau sẽ khó khăn, chi phí làm đất, bón phân tăng cao. Đồng ruộng không được lũ dọn vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh, không có phù sa bồi đắp, đất bị bạc màu”, ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã Tân Công Sính, huyện Tân Hồng) than thở.

Gia tăng chi phí sản xuất

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, so với nhiều năm trước, năm nay lượng nước mất khoảng 60-70%, đất ít phù sa sẽ ảnh hưởng đến năng suất của năm sau. Các chất độc tố trong đồng ruộng cũng không được rửa trôi và không ngăn chặn được nạn xâm nhập mặn từ ngoài biển vào đất liền.

...khi mùa lũ năm nay nước về ít.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập, chia sẻ: “Trong phù sa có nhiều dinh dưỡng là nguồn phân bón tự nhiên cho lúa, giúp giảm chi phí phân bón. Ngoài ra, cây lúa nhận được dinh dưỡng từ phù sa cũng khỏe mạnh hơn cây lúa nhận dinh dưỡng từ phân bón. Nếu lũ thấp thì việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều, ảnh hưởng nguồn nước”.

Cũng theo ông Thiện, lượng nước khi về đến ĐBSCL phần lớn là do lượng mưa ở vùng hạ lưu vực từ Lào trở xuống trong đó phần Tây Nguyên đóng góp khá quan trọng, đến khoảng 16% lượng nước, gần bằng lượng nước của phần Trung Quốc đóng góp vào Mekong ở phía thượng nguồn. Năm nay, vùng Tây Nguyên và bên Lào mưa ít, khô hạn, nên lượng nước về thấp. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có sự liên hệ rất chặt chẽ giữa độ sâu lũ và lượng cá ở vùng hạ lưu vực Mekong. 

Khi lũ cao, cá có nhiều nước để tăng trưởng và diện tích ngập rộng, ngập các vùng cao hơn thì cá có nhiều thức ăn hơn. Nước lũ thấp thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế người nghèo, đặc biệt là các hộ không đất. Ngoài ra giảm lượng cá còn ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng của người dân”, ông Thiện nói.

Văn Vĩnh
.
.
.