Người lao động có nhiều cơ hội tìm việc

Thứ Bảy, 27/03/2021, 09:00
Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên với hơn 10 nghìn chỉ tiêu việc làm được các doanh nghiệp, nhãn hàng lên kế hoạch tuyển dụng, trong có rất nhiều người lao động đã tìm được việc làm sau phiên giao việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành ngày 25/3 đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động.


Theo các chuyên gia lao động, những tín hiệu tích cực của thị trường lao động ngay những tháng đầu năm 2021 này là kết quả của việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã triển khai các “kịch bản” mới để giữ việc làm đang có, tạo việc làm mới, giúp người lao động ổn định đời sống.

Thoát cảnh rải hồ sơ xin việc

Là giáo viên dạy tiếng Nhật của một doanh nghiệp xuất khẩu lao động, công việc ổn định, thế nhưng chị Nguyễn Ngọc Hoa lại rơi vào cảnh thất nghiệp từ tháng 6/2020. Chị Hoa chia sẻ, do dịch COVID-19 bùng phát, các lớp đào tạo tiếng Nhật cho học viên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản của công ty phải tạm dừng, ban đầu công ty vẫn cố gắng giữ chân giáo viên, tuy nhiên từ tháng 3 đến tận tháng 6/2020 vẫn chưa thể tổ chức lớp trở lại, không đủ tiềm lực công ty đành phải cho giáo viên nghỉ việc và chỉ giữ lại đội ngũ cán bộ chủ chốt.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.

“Nghỉ việc ở nhà, tôi có đến Trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, suốt mấy tháng trời ròng rã tìm việc làm mà không tìm được công việc phù hợp.

Công việc không phải không có nhưng phù hợp với chuyên môn, thế mạnh của mình thì lại không dễ. Cũng tham gia nhiều phiên tuyển dụng nhưng phải đến phiên giao dịch việc làm trực tuyến hôm 25/3, tôi mới chính thức tìm được việc làm. Công việc mới là phiên dịch tại một doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, sau buổi phỏng vấn trực tuyến, công ty đã ký hợp đồng lao động, các chế độ phúc lợi cũng khá tốt. Công việc mới sẽ bắt đầu từ 1/4, sau hơn nửa năm trời thất nghiệp, hiện tôi cũng đã tìm được việc làm mới”, chị Hoa vui mừng chia sẻ.

Cũng rơi vào cảnh thất nghiệp từ tháng 8/2020, chị Nghiêm Thị Dinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, công việc trước đây của chị là phụ trách bán hàng của một nhãn hàng thời trang nước ngoài đặt tại Việt Nam. Công việc có vất vả và thường xuyên phải thay đổi địa chỉ khi công ty mở thêm chi nhánh mới, tuy nhiên thu nhập ổn định.

Sau gần 8 năm làm việc cho công ty, chị Dinh rơi vào cảnh thất nghiệp do công ty phải thu hẹp quy mô kinh doanh, nhiều cửa hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn phải đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. “Thất nghiệp suốt một thời gian dài nhưng với kỹ năng, chuyên môn của mình để chuyển sang làm được một công việc khác là rất khó, chính vì thế dù không ít lần nộp hồ sơ tìm việc mà không nhận được phản hồi. May mắn là bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh của nhiều công ty đã ổn định trở lại và đã tuyển thêm nhân viên mới.

Sau cuộc phỏng vấn trực tuyến kéo dài nửa tiếng đồng hồ tại phiên giao dịch sáng 25/3, tôi cũng đã tìm được công việc mới tại chuỗi kinh doanh thời trang phụ kiện trong Trung tâm thương mại Royal City. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, công ty yêu cầu nhân viên phải biết đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến, online. Không dễ dàng nhưng dù sao cũng đã thoát cảnh ngồi nhà rải hồ sơ khắp nơi và thấp thỏm chờ đợi”, chị Dinh cho hay.       

Thông tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La ngày 25/3, trong hơn 10.187 chỉ tiêu tuyển dụng của 77 doanh nghiệp và các nhãn hàng có uy tín tham gia đã có hàng nghìn người lao động được tư vấn cung cấp thông tin việc làm và tham gia phỏng vấn, trong số đó hơn 1.000 lao động đã trúng tuyển, nhận được việc làm. Trong đó những ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhất là: Bán hàng, kế toán, công nhân sản xuất, phiên dịch - biên dịch, nhân viên kỹ thuật…

Hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm

Tín hiệu tích cực của thị trường lao động Hà Nội thể hiện rất rõ qua con số ước tính, trong quý I/2021, Hà Nội có 30 - 40 nghìn lao động đã tiếp cận được cơ hội việc làm mới. Đặc biệt, số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, số công việc chờ người lao động tăng.

Theo Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng, hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm sâu so với năm 2020 (7.000 người nộp hồ sơ/tháng). Cũng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.000 vị trí việc làm mới, với mức thu nhập 5 - 25 triệu đồng/người/tháng.

“Số doanh nghiệp tuyển dụng tăng, số lao động tiếp cận việc làm mới cũng tăng mạnh, điều đó cho thấy thị trường lao động đang thể hiện tích cực hơn. Bên cạnh đó, tình trạng người lao động “nhảy việc”, bỏ việc diễn ra nhiều vào quý I hằng năm, nhưng năm nay ít xảy ra cho thấy thị trường lao động ít biến động. Không riêng Hà Nội, mà nhiều địa phương như: Hà Nam, Bắc Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… tình hình tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng đang tăng mạnh trở lại. Bước sang năm nay, người lao động đã dễ tìm được việc làm hơn so với năm 2020”, ông Thảo cho biết.

Việc thị trường lao động có nhiều tín hiệu tốt, bên cạnh sự hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, còn được đánh giá do các cơ quan chức năng đã triển khai các “kịch bản” ứng phó linh hoạt. Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, để giải quyết việc làm mới cho ít nhất 160 nghìn lao động trong năm 2021 theo kế hoạch, Hà Nội đã đặt trọng tâm nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Đầu tiên là đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động. Từ đó, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, làm căn cứ để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp.

“Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Hà Nội tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp. Về phía người lao động, những người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Dân cho hay.                    

Phan Hoạt
.
.
.